Ra đời 1957, bên bờ bắc sông Bến Hải, dòng sông định mệnh phân chia hai miền Nam – Bắc theo hiệp định Geneve 1954, ngay lập tức bài hát đã được cả hai miền đón nhận. Người hát, hát trong nước mắt và người nghe cũng nghe trong nước mắt, bởi “Câu hò bên bờ Hiền Lương” không còn là chuyện tình cảm riêng tư, mà nó đã trở thành nỗi đau chung của dân tộc:
“Hò ơi, thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến trăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Nhắn ai xin giữ câu nguyền
Trong cơn bão tố vững bền lòng son”
Ca sĩ Văn Hanh, người đầu tiên thể hiện ca khúc này và được Đài Tiếng nói Việt Nam thu, phát sóng rộng rãi. Văn Hanh tên thật Nguyễn Văn Hanh, sinh năm 1927, quê quán Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Nội, người có giọng ca đặc biệt ấn tượng thời bấy giờ. Sau này với giọng ca ngọt ngào, trong trẻo, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền gần như đã trở thành “chủ nhân” của “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.
Về hoàn cảnh ra đời của bài hát. Trong cuốn “Nhạc và đời” do Lê Giang – Lưu Nhất Vũ chủ biên, NXB Hậu Giang 1989, có đăng bài viết của chính tác giả Hoàng Hiệp viết năm 1987. Trong bài viết ông kể lại rất tỉ mỉ về hoàn cảnh và sự ra đời của nhạc phẩm “Câu hò bên bờ Hiền Lương”:
Năm 1956 ông từ Hà Nội vào công tác ở Vĩnh Linh, sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng trăm thước. Từng ngày, từng đêm bên dòng sông Bến Hải, ông nhìn bờ nam lòng nhớ thương da diết. Đã 9 năm xa quê không gặp được ba má và các em, không biết gia đình hiện giờ ở đâu? Ông hồi tưởng ngày các má, các chị, các anh, các em thiếu nhi tiễn ông xuống ghe ra vàm sông Đốc, lên tàu đi tập kết mà không cầm được nước mắt. Ông muốn viết cái gì đó nhưng tâm trạng ngổn ngang!
Rồi từ giã đồn biên phòng, ông ra Cửa Tùng, đến sống với những người chài lưới ở một tập đoàn đánh cá. Ông kể: “Khác với các chiến sĩ biên phòng, những người dân miền biển đều ăn to nói lớn. Họ đối với chúng tôi cởi mở hơn. Họ cũng thích bắt chuyện với tôi vì tôi là ngưới từ xa đến, nhất là từ thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, có một anh trong số họ khiến tôi có phần e dè và đặc biệt để ý. Bởi anh rất ít nói. Anh cũng không hay cười, kể cả khi mọi người ngồi quanh chén rượu, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui nhộn.
Anh cũng là xã viên một tập đoàn. Ngoài nhiệm vụ ra khơi đánh bắt, anh còn được giao một nhiệm vụ nữa. (Được giao hay tự xung phong nhận lãnh tôi cũng không rõ). Đó là công việc của người gác đèn Cửa Tùng.
Một buổi chiều, thấy anh sửa soạn trèo lên nơi đặt đèn, tôi xin anh cho tôi theo lên và đã được anh đồng ý.
Và cũng như mọi khi, kể từ lúc chúng tôi trèo lên thang cho đến khi anh thắp sáng ngọn đèn, anh cũng không mở miệng nói với tôi một câu nào. Tôi cũng không gợi chuyện để nói bởi vẻ mặt của anh lúc này càng biểu lộ sự đau khổ hơn lúc nào hết. Tôi còn cảm thấy như đôi lúc anh quên rằng có tôi đang ở bên cạnh anh.
Buổi chiều, ở trên cao nên càng vắng lặng. Chúng tôi nhìn ra biển khơi sóng vỗ, nhìn đàn chim hải âu đang bay, nhìn những cánh buồm đang từ từ trôi dạt vào cửa sông. Bỗng nhiên anh nói:
– Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhất đó… Tôi cũng như đồng chí, tập kết ra Bắc từ hơn hai năm nay… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy… Vì vậy, tôi lên đây không phải để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Vài lần, tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong nhà ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên, nhưng kêu sao cho tới…
Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ bên ấy. Rồi thì tôi thấy khói bốc lên ở đúng ngay xóm tôi. Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào! Tôi đã tìm đủ mọi cách để biết được nhà cửa, vợ con tôi bây giờ ra sao. Nhưng không có cách gì hết. Tôi muốn lén đi về bên ấy một lần. Chỉ một lần thôi rồi ra sao thì ra… Đồng chí có biết bao giờ thì mình được về bên ấy hay không? Trước đây tôi là du kích. Bây giờ tôi chỉ muốn cầm súng. Thà chết còn hơn sống hoài trong cảnh thế này…
Một lúc sau, chúng tôi lẳng lặng quay về tập đoàn.Và bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của tôi được bắt đầu ngay từ cái đêm hôm đó”.
60 năm trôi qua, cầu Hiền Lương đã nối tình Nam – Bắc, nhưng bài hát vẫn dạt dào cảm xúc, mỗi lần nghe lại là mỗi lần chìm đắm trong cảm giác rưng rưng:
“Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai
Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu cho lòng anh
Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai!”
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật Lưu Trần Nghiệp, bút danh Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng năm 1945, bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Cùng với “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là các tác phẩm nổi tiếng “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây”, “Viếng lăng Bác”, “Nhớ về Hà Nội”, đã đưa tên tuổi ông vào danh sách nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Ông mất 12 giờ 45 phút ngày 9/1/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh.