Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Cung Tiến là một trường hợp rất đặc biệt. Ngay từ tác phẩm âm nhạc đầu tay từ khi mới 14-15 tuổi của ông đã trở thành những bài hát được xem là kinh điển của tân nhạc, được yêu thích cho đến tận ngày nay sau 70 năm. Hành trình âm nhạc của Cung Tiến thời kỳ ban đầu là thứ âm nhạc tự phát từ tâm hồn hòa trộn trong ngôn ngữ thường nhật của đời sống, nhưng càng về sau lại càng ngả về phía những thanh âm của thứ âm nhạc hàn lâm, sang trọng, những bài hát có giai điệu tuyệt kỹ và lời ca tuyệt mỹ.
Trong hai nhạc phẩm đầu tay được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác năm 1953, thì ca khúc Hoài Cảm đã mang lại sự sửng sốt với giới mộ điệu, bởi những tâm sự chất chứa trong ca khúc của một cậu học trò chưa thành niên, lại khiến người nghe từ già tới trẻ say đắm, thể hiện được sự chín chắn, trưởng thành và già dặn, chứ không giống như những suy tư của một cậu bé 14-15 tuổi.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau này, nhìn nhận lại nhạc phẩm đầu tay của mình, nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng đó không phải là những tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa với cuộc đời ông. Nhưng với đông đảo công chúng yêu nhạc thì lại khác, sự giản dị của ngôn từ và những thanh âm gần gũi của đời sống mới là thứ âm nhạc quyến luyến, lắng sâu, níu giữ tâm hồn.
Khi được hỏi về cơ duyên ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ chia sẻ: “Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.”
Dựa vào những chi tiết mờ nhạt còn sót lại trong trí nhớ của nhạc sĩ sau mấy chục năm, với một tác phẩm dường như rất “vu vơ” của ông. Ta có thể hình dung bối cảnh ra đời của ca khúc. Đó là khi, cậu bé Cung Tiến của tuổi 14-15 vừa trải qua biến cố lớn đầu tiên trong đời, rời xa quê nhà đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, vượt qua một cuộc hành trình dài, mệt mỏi từ Bắc vào Nam, để chuyển tới một thành phố hoàn toàn xa lạ. Từ phố phường, con người, tiếng nói, cách ăn uống, trang phục, lối sinh hoạt, thói quen,… tất cả đều lạ lẫm. Một Sài Gòn trẻ trung, hoa lệ không có bất kỳ mối liên hệ nào với quê nhà Hà Thành cổ kính, trầm buồn của cậu. Sự thay đổi đột ngột đó đã tạo ra một cú “sốc văn hoá” mà cậu bé không thể định nghĩa, không thể gọi tên. Điều đó khiến cho nỗi nhớ quê nhà càng da diết, sầu bi hơn.
Chiều buồn len lén tâm tư
Câu hát kéo người nghe vào một khung cảnh quen thuộc. Ở một góc phòng nào đó, bên cửa sổ, một cậu học trò đang ngồi chống cằm trên bàn học, trước mặt cậu là sách, là bút, là những trang giấy học trò phất phơ theo gió. Nhưng đôi mắt cậu thì đã phóng ra ngoài cửa sổ từ lâu, tâm hồn đã “treo ngược cành cây” từ bao giờ. “Len lén tâm tư” đúng là tâm trạng của những cô cậu học trò mới lớn, thoáng buồn, thoáng vui. Những cảm xúc tâm tư thơ thẩn ấy nếu có cũng phải “len lén” giấu cho thật kỹ nếu không muốn bị chọc ghẹo, cười cợt, bị cho là hâm dở.
Theo lời kể của nhạc sĩ, thì mối duyên với âm nhạc của ông cũng không ít lần bị gia đình ngăn trở: “Hôm tôi mới vào Sài Gòn, trên đài phát thanh quốc gia có tổ chức tuyển lựa ca sĩ các thứ. Tôi cũng lên hát dự thi, nhưng tôi không nhớ hát bài gì. Khi về nhà, thấy ông bố của tôi vứt hết quần áo, sách vở của tôi ra trước cửa.” Vì vậy, cái chuyện “len lén” càng không thể tránh khỏi.
Trong dòng cảm xúc “len lén tâm tư” đó, cậu học trò nghe những âm thanh mơ hồ dội về từ quá khứ:
Mơ hồ nghe lá thu mưaDạt dào tựa những âm xưaThiết tha ngân lên lời xưa
Những thanh âm xưa cũ đổ về từ tiềm thức đã biến thành những rung cảm mạnh mẽ ngân lên dạt dào, thiết tha trong tâm hồn. Đó là những thanh âm từ mùa thu lá rụng như mưa của mùa đông xứ Bắc, của Hà Nội thương nhớ, thứ không thể kiếm tìm ở một Sài Gòn đầy nắng. Khi tiềm thức rung nên những nốt nhạc của mùa thu Hà Nội thì cũng là lúc cậu học trò thấm thía sự lạc lõng của mình giữa Sài Gòn đô hội.
Quạnh hiu về thấm không gianâm thầm như lấn vào hồn
Nỗi cô độc, “quạnh hiu” từng chút từng chút một thấm đẫm không gian xung quanh cậu, chầm chậm lấn lướt vào tâm hồn cậu học trò vô tư lự. Cậu giống như một cây non bị nhổ khỏi đất mẹ, đưa đến trồng ở một mảnh đất xa lạ. Cậu âm thầm cảm nhận một sự rạn nứt, chia ly ko thể hồi cứu, ko thể quay về. Tâm sự đó với một cậu bé chưa thành niên thật khó để giãi bày. Cứu cánh duy nhất với cậu khi đó có lẽ chỉ có âm nhạc. Vậy nên cậu chỉ có thể bấu víu vào âm nhạc dù là trong vô thức để trút bỏ nỗi lòng. Và trong sự chuyển động của vô thức, cậu bé tạo ra một ảo ảnh “cố nhân” không tên, không mặt, như một cái cớ để nhớ thương, hồi tưởng những tháng ngày thơ ấu êm đềm nơi quê nhà. Nhưng càng nhớ lại càng buồn:
Buổi chiều chợt nhớ cố nhânSương buồn lắng qua hoàng hôn
Chẳng thể có buổi chiều nào buồn hơn, hiu quạnh hơn, mịt mù tuyệt vọng hơn buổi chiều ấy: “Sương buồn lắng qua hoàng hôn”. Một cảnh tượng bi mỹ, sầu buồn đến cực đại. Nó kích hoạt mọi giác quan nhạy cảm trong tâm hồn non nớt của cậu, không thể kìm giữ:
Lòng cuồng điên vì nhớôi đâu người, đâu ân tình cũ?Chờ hoài nhau trong mơNhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa
Sự tăng cấp đột ngột của dòng cảm xúc, đẩy những “tâm tư len lén” đang ẩn giấu bật lên: “Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?”. Đây hẳn là một cậu bé giàu tình cảm, thuỷ chung, đa sầu đa cảm. Bởi điều đầu tiên cậu nhớ đến khi đi xa là “người”, là “ân tình cũ”, là bè bạn, xóm làng, là tình nghĩa gắn bó, yêu thương,.. giữa con người với con người. Điều tuyệt vọng nhất với cậu là dù “lòng cuồng điên vì nhớ” nhưng chỉ một mong ước nhỏ nhoi là được gặp lại “cố nhân” trong mơ cũng không thể toại nguyện.
Click để nghe Sĩ Phú hát Hoài Cảm trước 1975
Một mùa thu xa vắngNhư mơ hồ về trong đêm tốiCố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?
Trong khi ở nơi mới cậu chưa thể hoà nhập mà những ký ức êm đềm, vỗ về tâm hồn khi xưa lại đang ngày một xa vắng, mơ hồ, mờ mịt chẳng thể níu giữ. Câu hát “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?” như một sự gửi gắm, một lời khẩn cầu, tựa như lời của một nhà thơ xa quê đã viết:
“Có ai về Bắc ta đi vớiThăm lại non sông giống Lạc Hồng” (Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ)
Lời gửi gắm, khẩn cầu đầy mơ hồ còn bỏ ngỏ, bỏ ngỏ vì vô vọng… nhưng vẫn chan chứa, siết chặt yêu thương.
Gần như trong toàn bộ ca khúc, nhạc sĩ vận dụng lối gieo vần linh hoạt của thể thơ lục ngôn (6 chữ). Đây là một thể thơ có âm điệu nhẹ nhàng, dễ gieo vần, dễ thuộc. Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tập tành làm thơ rất ưa chuộng và yêu thích lối thơ này vì tính thông dụng và dễ viết của nó. Đây là thể thơ rất tự sự, phù hợp để bày tỏ tâm sự, cảm xúc, nỗi lòng. Cậu học trò Cung Tiến đã rất khéo léo khi vận dụng lối thơ này trong nhạc phẩm đầu tay của mình. Bởi bản thân cách gieo vần của thơ lục ngôn, chưa cần đến nhạc, đã giúp gắn kết những lời ca thành một dải lụa mềm mại quấn quít, vương vít tâm hồn.
Tuy nhiên, cậu nhạc sĩ chưa thành niên này cũng rất sáng tạo khi đẩy một đoạn hát ra khỏi lề lối quen thuộc của thơ lục ngôn. Đó là đoạn lời hát từ “Lòng cuồng điên vì nhớ…. có ai về lối xưa”, để có thể tự do bay bổng với những cảm xúc cuộn trào dữ dội trong lòng. Âm nhạc, lời ca của Hoài Cảm, do đó không đều một nhịp mà theo dòng cảm xúc của người viết, tựa như những lớp sóng đêm dập dờn lên xuống, lúc êm êm, lúc cuộn trào, nhưng luôn tịnh tiến vào một bến bờ duy nhất:
Chờ nhau hoài cố nhân ơi!Sương buồn che kín nguồn đờiHẹn nhau một kiếp xa xôi,nhớ nhau muôn đời mà thôi!
Thời gian tựa cánh chim bay,qua dần những tháng cùng ngàyCòn đâu mùa cũ êm vui?Nhớ thương biết bao giờ nguôi?
Dù “sương buồn che kín nguồn đời”, vẫn “hẹn nhau một kiếp xa xôi”, vẫn “nhớ nhau muôn đời mà thôi”. Cái hay của ca khúc Hoài Cảm là sự giản dị của lời ca ngay từ những câu hát đầu tiên đến những câu hát cuối cùng, mà ai cũng có thể hiểu được, hoà quyện trong những nốt nhạc có khi trầm buồn, có khi dữ dội nhưng đều được đặt trên một cái nền vững chắc, yên ả, thanh bình của những ký ức về quê hương, tuổi thơ.
Click để nghe Lệ Thu hát Hoài Cảm
Toàn bộ ca khúc là những thanh âm rung động thuần khiết bật ra từ tâm hồn, từ trí tưởng của một tài năng âm nhạc thiên bẩm, chứ không phải là thứ âm nhạc được trui rèn, thoát thai từ những trải nghiệm của đời sống hay những kỹ năng của người sáng tác chuyên nghiệp. Cái cách mà ca khúc được viết ra hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên như hơi thở, như nhịp tim. Thứ làm nên Hoài Cảm chính là thứ thần thức âm nhạc mà rất hiếm người có được.
Trong thơ ca Việt Nam, một tác giả cũng may mắn có được cái thần thức ấy khi sáng tác, đó là thi sĩ Hoàng Cầm. Chính cái thần thức đó đã cho ông rất nhiều chất liệu để sáng tạo ra: lá diêu bông, cỏ thi bồng,… và những câu thơ thần tiên không thể lý giải. Nếu Hoàng Cầm diễn giải về cái thần thức thơ ấy trong ông vô cùng dân dã: “Thần linh đọc sao tôi viết vậy”, thì nhạc sĩ Cung Tiến đơn giản bảo: “Đó chỉ hoàn toàn là trí tượng tưởng”.
Ngoài ra, nhạc sĩ còn cho rằng, ca khúc của ông có “Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.” Nếu quả thực như vậy, thì hẳn là những vị nhà giáo đã từng giảng Văn cho Cung Tiến sẽ rất tự hào, sung sướng vì có một người học trò vô cùng ưu tú và xuất sắc.
Gần như cùng một lúc với Hoài Cảm, cũng trong năm 1953 nhạc sĩ đã viết Thu Vàng cùng với một tâm trạng nhớ nhung về cố xứ, với những ý niệm rõ ràng hơn. Trong lời đề tặng của Thu Vàng, ông viết: “Tặng Hà Nội của những ngày ấu thơ”.
Bài: Niệm QuânBản quyền bài viết của nhacxua.vn