Loi Bai Hat Ho Keo Phao

Video loi bai hat ho keo phao

Theo lời nhạc sỹ Hoàng Vân kể lại, trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ hồi đó), ông được điều về Sư đoàn 312 tham gia chiến đấu. Vốn là chàng trai Hà Nội giỏi ngoại ngữ, biết viết báo, biết về âm nhạc… nên ông được cấp trên giao công tác tại Phòng Chính trị, phụ trách tốp văn nghệ xung kích của sư đoàn đến từng chiến hào phục vụ bộ đội, lấy tin, bài để viết cho những bản tin của trung đoàn, sư đoàn… Trong những ngày tham gia chiến dịch, rất nhiều lần cận kề cái chết, nhạc sỹ Hoàng Vân đã có được những trải nghiệm khó quên của một người lính, và ông coi đây là những chất liệu quý báu để giúp ông có những cảm hứng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sau này.

Bộ đội kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ

“Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”, lời ca và giai điệu hào hùng của bài hát “Hò kéo pháo” vang lên giữa núi rừng Tây Bắc khi ấy đã tiếp thêm sức mạnh, thêm nghị lực cho quân và dân ta, nhất là với các chiến sĩ kéo pháo, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu.

Xem thêm  Loi Bai Hat Hay Nguoc Mat Nhin Doi

Nói về lịch sử ra đời của bài hát “Hò kéo pháo”, nhạc sỹ Hoàng Vân nhớ lại: Thời điểm đó, quân ta đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch. Khi ấy, tôi được cử đi quan sát chiến trường để chuẩn bị đưa các tốp văn công xung kích vào phục vụ, đồng thời cũng thu thập thông tin để về viết bài cho bản tin của sư đoàn. Trong quá trình thực tế, tôi có mặt tại nơi anh em chiến sĩ kéo những khẩu đại bác nặng vượt qua núi cao, đèo dốc hiểm trở. Bộ đội ta người vặn tời, người ghì dây, người giữ càng xe, người chèn khi kéo lên, khi thả xuống, lúc tiến, lúc lùi… Khi có hiệu lệnh kéo pháo, mọi người cùng đồng loạt hô vang “Hò dô ta”…, mỗi lần như vậy, khẩu pháo lại nhích lên một chút. Khi đó, tôi rất ấn tượng với những hình ảnh kéo pháo của các chiến sĩ Điện Biên.

Chiến dịch có những thay đổi, cấp trên truyền lệnh kéo pháo ra ngoài để bố trí lại theo phương án khác. Vậy là những khối thép nặng hàng tấn lại được sức người quay những cuộn tời để kéo ra ngoài. Nếu lúc kéo pháo vào, kẻ địch hoàn toàn không hay biết gì thì lúc kéo pháo ra, bọn chúng đã đoán được. Đạn pháo và bom bắt đầu dội xuống những nơi chúng nghi ngờ. Nhiều lần, mảnh bom đạn đã chặt đứt dây kéo, pháo có nguy cơ tuột xuống vực, anh em lại phải dùng hết sức mình để cứu pháo.

Xem thêm  Loi Bai Hat Thay Toi

Trong một trường hợp như thế, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trên đường kéo pháo ra. Khi nghe tin đồng chí Tô Vĩnh Diện hy sinh, nhạc sỹ Hoàng Vân đã rất xúc động và những lời ca, giai điệu của bài “Hò kéo pháo” được ông lặng lẽ viết ra trong sự xúc cảm lúc đó. Bài hát viết xong, lập tức được các thành viên của đội văn công mang đi phục vụ ngay bên các khẩu pháo, ở các chiến hào phục vụ bộ đội, dân công…

Tái hiện hình ảnh quân và dân ta dùng sức người kéo pháo trên các sườn núi quanh co hiểm trở vào trận địa tại quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bài hát giản dị, trong sáng, viết theo thể loại hò dân gian, nên được nhiều chiến sĩ yêu thích và dễ thuộc, và nhanh chóng lan truyền khắp chiến trường. Khắp mặt trận đều vang lên câu hát: “Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dù lửa nóng trong bom đạn bốc cháy xung quanh ta rồi… Nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm bảo vệ pháo. Kéo pháo lên, trận địa của chúng ta, tin chắc thắng ta tin tưởng ở trên. Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay sức người lao động, để quyết tâm đánh tan đồn thù”. Sự hy sinh, lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của bộ đội ta được động viên khích lệ và ca ngợi, đã góp phần tiếp thêm nghị lực, thêm sức mạnh cho quân và dân ta vượt qua mọi gian lao, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ.

Xem thêm  Lyric Ocean

Trong câu chuyện kể về bài hát “Hò kéo pháo”, nhạc sỹ Hoàng Vân nhắc đi nhắc lại: “Tôi sáng tác bài hát ấy khi đang là chiến sỹ Điện Biên, chưa phải là nhạc sỹ. Lúc đó, tôi chứng kiến anh em kéo pháo rất vất vả, nhưng tôi cũng thấy những hình ảnh đó quá đẹp, quá thiêng liêng và quá vĩ đại. Những cảm xúc đó đã thôi thúc tôi cầm bút và viết nên bài hát này, không ngờ sau đó được nhiều người yêu thích đến thế”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát “Hò kéo pháo” được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Nhạc sỹ Hoàng Vân cũng được thưởng Huân chương chiến công hạng 3 và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Sau đó, ông được Tổng cục Chính trị cử đi học đại học âm nhạc 5 năm tại Trung Quốc, sau này trở về giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, là Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam…