Bống ơi

Năm 1993, album nhạc Trịnh Công Sơn “Hồng Nhung – Bống bồng ơi” ra mắt nhanh chóng trở thành hiện tượng âm nhạc, một bước ngoặt lớn đối với sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung và mang dấu ấn lịch sử đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn. “Bống bồng ơi” là cầu nối chuyển giao thế hệ từ Khánh Ly sang Hồng Nhung, khơi thông mạch chảy có “linh hồn” cho dòng nhạc Trịnh trong đời sống âm nhạc Việt sau năm 1975.

Lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra một cuộc tranh luận nghệ thuật sôi nổi, quyết liệt, trái chiều về cách thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn đầy mới mẻ, lạ lẫm của một ca sĩ trẻ – người Hà Nội với tên gọi thân mật là Bống. Sau năm 1975, khán giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị mê hoặc bởi giọng hát liêu trai, huyền bí đầy âm tính của Khánh Ly (qua băng nhạc Sơn ca 7 phát hành năm 1974), họ không chấp nhận việc ca sĩ hát Trịnh khác với tinh thần của Khánh Ly, trước khi “Bống bồng ơi” xuất hiện đã có nhiều ca sĩ trẻ ra mắt album nhạc Trịnh nhưng không tạo được ấn tượng đặc biệt.

Untitled 1

Ngược lại với Khánh Ly, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh bằng giọng hát dương tính, cứng cỏi, mãnh liệt với phong thái hiện đại và cảm xúc tươi trẻ, tinh khôi, mang lại sắc màu triết học mới cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, lan tỏa sự hồn nhiên, trong sáng nhưng không kém phần trải nghiệm và hiểu đời, PGS. TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá: “Một xanh một chín, một sớm một muộn đã kết hợp lại trong một cuộc tri ngộ âm nhạc hồn nhiên – vượt qua cả sự cách trở về thế hệ và sự trải nghiệm cuộc đời”. Với “Bống bồng ơi”, Hồng Nhung đã cách tân thành công, tạo lập một trường phái hát nhạc Trịnh Công Sơn hiện đại khác hẳn với Khánh Ly. Ca sĩ Mỹ Linh nhận định: “Âm nhạc Trịnh cần được vang lên dung dị nhưng cũng rất cần cả sự tươi mới nữa. Cách đây 20 năm chị Bống đã làm được điều ấy. Tôi nghĩ giờ đây khó có ai có thể vượt qua chị ấy ở nhạc Trịnh.”

Xem thêm  Seasons In The Sun Lyrics

img_20180722_0021-e1532282769795.jpg

Hồng Nhung là một ca sĩ nhạc nhẹ nên ngay khi bước chân vào nghề chị đã không ngừng tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật ca hát đặc sắc của các danh ca thế giới và “Bống bồng ơi” là biển rộng để chị thử nghiệm, khám phá và thử thách chính mình. Nhạc sĩ Tuấn Khanh phải thừa nhận: “Hồng Nhung không bị sức ép nào để thoát khỏi bóng các tượng đài đã thể hiện thành công nhạc Trịnh Công Sơn. Hồng Nhung hát như một nghệ sĩ da đen tự do trong môi trường sáng tạo nghệ thuật của riêng mình”. Hồng Nhung rất tinh tế trong việc pha trộn giữa các phong cách âm nhạc blues, Jazz khi xử lý ca khúc Trịnh Công Sơn và lần đầu tiên ở Việt Nam kỹ thuật scat được Hồng Nhung vận dụng hiệu quả trong nhạc Trịnh tạo ra sắc thái hiện đại, dương tính, rất ngẫu hứng nhưng không kém phần cảm xúc. Trịnh Công Sơn nhận xét: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi, có người thích, có người không thích. Tuy nhiên, tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại. Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.

Untitled 7

Băng nhạc “Bống bồng ơi” gồm 11 ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biên tập, nhạc sĩ Bảo Phúc hòa âm-phối khí, nhạc sĩ Từ Huy thiết kế bìa đời đầu, những lần tái bản sau được thiết kế lại sử dụng ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long. Hồng Nhung nhớ lại: “Chúng tôi thu âm “Bống bồng ơi” ở một nhà hát cũ thuộc quận 3. Muốn vào đến nhà hát cũ, phải gửi xe ở ngoài, đi qua một cái chợ náo nhiệt, nào rau, nào cá…Bước vào nhà hát, tiếng ồn mất hẳn, dò bước lên cầu thang cũ kỹ, chúng tôi bước vào phòng thu nhưng im lặng như đêm. Chung quanh chỉ có âm nhạc và tiếng ca”. Có 07 ca khúc mới của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong nước như: Bống bồng ơi, Còn ai có ai, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Còn mãi tìm nhau, Còn hai con mắt, Đường xa vạn dặm, Xin trả nợ người và 04 ca khúc đã quen thuộc với công chúng: Như cánh vạc bay, Một cõi đi về, Em hãy ngủ đi, Ở trọ. Theo Hồng Nhung tiết lộ trong một chương trình giao lưu trực tuyến trước đêm nhạc Trịnh Công Sơn – Ru em tại Hà Nội thì ngoài Bống bồng ơi còn có 02 ca khúc Còn ai có ai, Còn mãi tìm nhau cũng được nhạc sĩ viết dành riêng cho giọng hát của chị.

Xem thêm  Lời Bài Hát Thôi Em Hãy Về đi

Trong bài phỏng vấn “Bống bồng đi đâu mà vội!” của Lưu Trọng Văn, Trịnh Công Sơn nhớ lại: “Khi thu bài Bống bồng ơi, phòng thu chỉ có tôi, Nhung và Bảo Phúc. Nhung bắt tôi đến gần, Nhung nắm lấy tay tôi, vừa nắm tay tôi vừa thu băng” và ông nhận xét: “Nhưng rồi đời này, đời sau sẽ chẳng có ai có thể hát Bống bồng ơi được như Nhung”. Ca sĩ Khánh Ly từng chia sẻ: “Trịnh Công Sơn đã dành cho Hồng Nhung tình cảm đặc biệt và ông chưa sáng tác cho ai nhiều như Hồng Nhung”. Nhà văn Bửu Ý – người bạn thân thiết của nhạc sĩ họ Trịnh trong cuốn “Trịnh Công Sơn – Một nhạc sĩ thiên tài” đã viết: “Trịnh Công Sơn vui mừng gặp được Hồng Nhung – một giọng ca thể hiện được trọn vẹn những ý tình của mình trong ca khúc như Khánh Ly trước đây”.

khanh_ly_hong_nhung_vshv

img_20180722_0007.jpg

Album “Bống bồng ơi” đã làm thay đổi sự nghiệp và phong cách âm nhạc của Hồng Nhung, danh tiếng của chị từ đó gắn với âm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ ở trong nước mà đã nhanh chóng lan tỏa sang cả thị trường âm nhạc hải ngoại và năm 1994 album nhạc “Bống bồng ơi” đã chính thức được Trung tâm băng nhạc Mimosa Productions phát hành tại hải ngoại dưới dạng băng cassette và CD và được tái bản liên tục suốt 25 năm qua.

Xem thêm  Ai đưa Em Về Hợp âm

Untitled 5

Băng nhạc “Bống bồng ơi” được không ít người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, yêu giọng hát Hồng Nhung nâng niu, gìn giữ nó như kỷ vật tinh thần vô giá trong suốt nhiều thập kỷ qua, Trịnh Công Sơn từng trả lời phỏng vấn: “Sau Khánh Ly, tôi may mắn tìm được Hồng Nhung, với ca khúc của tôi, Nhung có nhiều sự đồng cảm” và đó cũng là may mắn của người yêu nhạc khi được nghe Hồng Nhung hát Trịnh Công Sơn./.

MẠNH HẢI (THÁNG 7/2018)

Kỳ 1: Chợt nghe em hát – Album nhạc quan trọng nhất trong sự nghiệp của diva Hồng Nhung

Kỳ 2: Một ngày mới – Album đưa Hồng Nhung trở lại vị trí số 1 thị trường âm nhạc