Khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, tấm lòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn hướng về miền Nam, ngày đêm bám sát tình hình đấu tranh của đồng bào trong đó. Mùa thu năm 1970 cả Hà Nội theo dõi từng bước phát triển của phong trào học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam đấu tranh chống Mỹ ngụy. Vào một đêm tháng 9 năm 1970, sau khi nghe tin tức về cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài gòn, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ghi lại cảm xúc của mình trong ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ”.
Khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, tấm lòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn hướng về miền Nam, ngày đêm bám sát tình hình đấu tranh của đồng bào trong đó. Mùa thu năm 1970 cả Hà Nội theo dõi từng bước phát triển của phong trào học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam đấu tranh chống Mỹ ngụy. Vào một đêm tháng 9 năm 1970, sau khi nghe tin tức về cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài gòn, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ghi lại cảm xúc của mình trong ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ”. Bằng sức tưởng tượng, ông hình dung những đêm đấu tranh ở miền Nam, học sinh, sinh viên họp nhau lại trong tiếng bập bùng của đàn ghi-ta hát lên những khúc ca về đất nước để động viên nhau trong cuộc đấu tranh quyết liệt này:“Âm vang bao tiếng ca truyền đi trong màn đêm/ Bập bùng lửa căm hờn hoà với tiếng hát bừng lên/ Ta đi khai sáng thêm ngọn lửa thiêng từ bao đời/ Lời ca bốc lửa đấu tranh sáng lên ngời ngời!”…
Âm hưởng trầm hùng, thúc giục của bài ca đã phản ánh tình cảm của giới trẻ miền Nam bấy giờ: “Dậy mà đi đồng bào ơi! Dậy mà đi đồng bào ơi! Mẹ Việt Nam có biết chăng giờ này đoàn con đã lên đường! Vượt rào gai dẫu khói mù vẫn đi/ Máu đã đổ sân trường càng dục ta bền chí…”
Bài hát được phát trong buổi“Tiếng hát gửi về Nam” của Đài TNVN nhanh chóng đến với thanh niên học sinh, sinh viên ở miền Nam và được anh chị em phổ biến khá rộng rãi. Sau này, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh cho biết ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ”được coi là ca khúc của phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên và ghi nhận sức cổ vũ của bài ca đối với tuổi trẻ miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ giành Độc lập Thống nhất đất nước, họ nói vui rằng:“Ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ” là của chúng tôi!”. Đặc biệt, bài hát này đã được hãng băng-đĩa của Đảng cộng sản Nhật Bản dịch ra tiếng Nhật, thu thanh và phổ biến vào năm 1979.
(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)