Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – “Tạ Từ Trong Đêm” là lời dặn dò, khuyên nhủ của một chàng trai thế hệ tại miền Nam Việt Nam trao gởi về người tình bé nhỏ nơi quê nhà ngày anh lên đường chiến đấu trong khi hoa lòng đã nở tình yêu.
Bối cảnh của buổi tiễn biệt là một đêm trăng với sương mù giăng kín không gian. Chàng trai sắp sửa lên đường làm nhiệm vụ giữa lúc non sông nguy biến đang tìm cách dỗ dành người yêu thôi đừng buồn nữa, bởi vì tâm trạng buồn rầu lúc xa nhau của nàng chỉ làm nặng trĩu tâm hồn người ra đi mà thôi, và dẫu sao thì đôi lứa cũng sẽ còn có ngày đoàn viên trong hạnh phúc khi đất nước được thanh bình.
“Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối/ Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi/ Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ, sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ/ Đã gặp nhau rổi, sao em không nói, sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?”
Giữa cơn gió lành lạnh buồn ơi trong màn sương phủ kín là nỗi lòng kẻ ở người đi, bởi vì khuya nay anh đi rồi trong đêm tạ từ người yêu dưới bầu trời đầy sao. Rồi đây, hai người hai ngả bảo sao không có bùi ngùi, không có luyến thương. Nhưng, trong tận đáy lòng mình, chàng trai vẫn thắc mắc tại sao người yêu lại cúi mặt đi mà không nói một lời, có phải em đang giận hờn anh vì điều gì đó hay chăng?
“Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng/ Nên em cúi mặt ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ/ Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo hon/ Nếu em đã trọn thương anh xa vắng/ Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân.”
Nhưng anh hiểu rõ nguồn cơn rồi. Đó là sau giây phút biệt ly này thì em sẽ một mình lặng lẽ quay về dưới ánh trăng khuya gầy guộc, nên em đành phải quay mặt đi để anh khỏi nhìn thấy đôi dòng lệ tuôn trào khi nghĩ mình sắp mất anh rồi, xa anh rồi, và anh sẽ băng mình vào sương gió để sống trọn kiếp trai hùng. Nhưng thôi, người yêu ơi xin em chớ buồn, mặc dù anh vẫn biết em đang bị dằn vặt trước viễn ảnh hai phương trời cách biệt. Tuy nhiên, em yêu ơi, nếu còn yêu nhau thì giây phút biệt ly xin em chớ để tâm hồn nặng câu lưu luyến cho lòng anh thêm bịn rịn, vấn vương.
“Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về/ Mang lời thề lên miền sơn khê/ Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu/ Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm/ Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng Đông/ Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?”
Xin em hãy biết cho rằng, ngoài anh ra, còn có biết bao nhiêu chàng trai thế hệ của anh cùng mang thân phận của người lính xa nhà, đầu non, cuối ghềnh ôm cây súng canh rừng sâu cho đất nước được sớm yên vui. Rồi còn có biết bao nhiêu bà mẹ già mỗi đêm rằm lâm râm khấn nguyện cho đứa con yêu từ nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay sớm trở về nơi quê nhà xa xôi ấy, và cũng còn có biết nhiêu người vợ hiền từng mùa Đông về ngồi đan áo gởi ra sa trường để sưởi ấm cho người chồng đang chinh chiến dài lâu. Và nếu biết thế thì em sẽ hiểu ra rằng nỗi buồn ly biệt của đôi mình, cho dù có sâu nặng đến bao nhiêu, cũng chẳng thấm vào đâu, em ạ!
“Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng/ Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời/ Đầu đường chia phôi anh không nói gì/ Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi/ Nếu anh có về khi tan chinh chiến/ Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em.”
Khi trên đất nước mình đâu đâu cũng có nỗi lòng kẻ ở, người đi, lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm thì sao em không bình tĩnh mà nhìn thẳng vào đôi mắt của người lính chung tình như anh, thay cho lời nguyện thề sẽ yêu em trọn đời của anh, cho dù mai đây chúng mình cách biệt sơn khê. Và tuy đêm nay em cố ngăn dòng nước mắt trong phút giây tạ từ nhưng mai này đây, trong ngày anh về với em như chim liền cánh như cây liền cành, lúc chinh chiến đã tàn, anh tin rằng em sẽ cũng lại khóc cho niềm vui đoàn tụ bên nhau. Ôi, những giọt nước mắt ngà của em yêu!
***
Hầu như tất cả những người yêu nhạc Trần Thiện Thanh đều đồng ý rằng “nhạc lính” của người nhạc sĩ này tuy vô cùng bay bướm và lả lướt nhưng ít khi mang tính sướt mướt và bi lụy, kể cả những ca khúc mang ý nghĩa cao cả là truy điệu những anh hùng đã vị quốc vong thân. “Tạ Từ Trong Đêm,” ra đời hồi năm 1964, chính là nhạc phẩm nói lên tâm trạng tích cực đó của những người chiến sĩ Cộng Hòa trong suốt mùa chinh chiến gian lao, đầy hiểm nguy, và không hề thiếu những tang tóc, đau thương.
Ý nhạc mang tính dỗ dành người yêu đó của Trần Thiện Thanh làm người ta không thể không nhớ tới hai câu sau đây trong ca khúc “Anh Đi Mai Về” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn/ Thì em ơi em chớ sầu thương chi…” được sáng tác cách đó 10 năm. Và ý nhạc về một ngày đôi lứa sum vầy trong nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh cũng tương tự như ý nhạc của Phượng Linh, tức nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, trong ca khúc “Lời Giã Biệt,” được sáng tác cũng trong khoảng thời gian “Tạ Từ Trong Đêm” ra đời: “Trời chiều biên giới hết mưa bay/ người đi chóng quay về/ Em gắng chờ đợi nhau…”
Có điều, người con gái trong nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh tỏ ra quá yếu đuối có lẽ vì bị tràn ngập bởi tình yêu thương vô bờ bến với chàng trai đang lên đường tòng quân nên mới khiến cho chàng phải đưa ra lời an ủi, vỗ về và nói lên triển vọng của một ngày mai đôi lứa sum vầy. Và nếu đem so sánh với một người yêu của lính trong ca khúc “Khuya Nay Anh Đi Rồi” của Châu Kỳ thì người ta lại thấy nàng con gái ấy biết lấy ánh sáng của tương lai để xóa nhòa đi nỗi buồn ly biệt trong hoàn cảnh tương tự: “Ước vọng để mà vui/ Khuya nay anh đi rồi/ Đem chí trai xây đời/ Đem mến thương cho người/ Người đợi chờ anh, anh ơi!”
Trong khi đó, chàng trai trong “Tạ Từ Trong Đêm” rõ ràng là rất mực trân trọng những giọt nước mắt ngà của người yêu và chỉ muốn được nhìn thấy những giọt nước mắt rơm rớm đó của nàng vào ngày vui sum họp của đôi bạn lòng mà thôi, bởi vì đó chính là ngày mà tất cả những người lính và người yêu của lính đều tha thiết chờ mong, tức là ngày thanh bình trở lại trên quê hương, như được thể hiện qua lời nhạc trong ca khúc “Đêm Dài Chiến Tuyến” của Lam Phương, một nhạc phẩm cùng thời với ca khúc của Trần Thiện Thanh:“Ngày duyên mình sánh đôi/ ngày nước Việt hết chia phôi/ ta không con đơn côi…”
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh quê ở Phan Thiết và là một trong số các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam nổi tiếng nhất vào hai thập niên 1960 và 1970. Thỉnh thoảng, ông cũng viết nhạc dưới các bút danh khác, là Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn và Thanh Trân Trần Thị.
Trần Thiện Thanh còn là một ca sĩ chuyên nghiệp với nghệ danh Nhật Trường, và được coi là một trong bốn nam ca sĩ tài danh nhất, tức “tứ trụ nhạc vàng,” trong nền tân nhạc Việt Nam Cộng Hòa.
Hai chủ đề chính trong các sáng tác của Trần Thiện Thanh là “nhạc tình” và “nhạc lính.” Về nhạc tình, Trần Thiện Thanh là tác giả của những ca khúc rất được khán, thính giả và cả các nam, nữ ca sĩ ưa chuộng, trong đó phải kể đến các nhạc phẩm “Lâu Đài Tình Ái,” “Bảy Ngày Đợi Mong,” “Từ Đó Em Buồn,” “Biển Mặn,” “Hoa Trinh Nữ,” “Chuyện Một Người Đi,” “Chiều Trên Phá Tam Giang” (phổ thơ Tô Thùy Yên), “Chuyện Hẹn Hò” (dưới bút danh Thanh Trân Trần Thị)…
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trước sau, có tới ba đời vợ, đó là Trần Thị Liên, ca sĩ Kim Dung (ở trong nước) và ca sĩ Mỹ Lan (ở hải ngoại). Người ca-nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam mất ngày 13 Tháng Năm, 2005, tại Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ. (Vann Phan) [qd]
Nhạc phẩm “Tạ Từ Trong Đêm” của Trần Thiện Thanh
Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ, sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ Đã gặp nhau rổi, sao em không nói, sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?
Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng Nên em cúi mặt ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo hon Nếu em đã trọn thương anh xa vắng Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân
Đ.K.: Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về Mang lời thề lên miền sơn khê Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng Đông Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?
Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời Đầu đường chia phôi anh không nói gì Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi Nếu anh có về khi tan chinh chiến Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em.