Lời Bài Hát đêm Nghe Hát đò đưa Nhớ Bác

Nhạc sỹ An Thuyên nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành khóa V, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI, Phó Chủ tịch thường trực, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.

Ông sinh ngày 15/8/1949, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1967 nhạc sỹ công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, là nhạc công ở Đoàn Văn công Quân khu 4. Từ năm 1981 đến năm 1988, nhạc sỹ An Thuyên được cử đi học khoa Sáng tác-Lý luận-Chỉ huy ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988, ông về Phòng Văn nghệ quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Trương Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho đến khi nghỉ hưu.

Nhạc sỹ An Thuyên.

Năm 1973 khi ông mới 23 tuổi, chưa bước vào cuộc đời sáng tác chuyên nghiệp, trong thời gian là một cán bộ sưu tầm dân ca công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An, nhạc sỹ An Thuyên đã cùng chiếc máy ghi âm có dịp đi nhiều nơi để ghi âm những làn điệu dân ca. Một trong những lần đi sưu tầm ấy nhạc sỹ đã thu được một bài ru con rất độc đáo, và hoàn chỉnh. Độc đáo và hoàn chỉnh bởi nó được đặt trong trong hoàn cảnh: tiếng khóc của đứa con, tiếng võng kẽo kẹt trong đêm và tiếng ru của người mẹ: Đó là bài hát ru phường Vải, và sự xúc động ấy của nhạc sỹ trào dâng hơn khi ông biết thêm ngày xưa Bác Hồ lúc nhỏ cũng hay đi hát điệu ru này. Và bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sỹ An Thuyên đã ra đời trong bối cảnh như vậy.

Xem thêm  Lời Bài Hát 999 đóa Hồng

Tháng 5/2000, chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của Ca nhạc theo yêu cầu thính giả, đã chọn ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sỹ An Thuyên để các bạn thính giả viết cảm nhận. Hôm nay tôi xin trích giới thiệu với các bạn một số bài bình hay của thính giả.

Bạn Trần Trung Kiên, học sinh lớp 11S PTTH Tam Nông – Phú Thọ bày tỏ cảm xúc của mình khi mở đầu lá thư, bạn viết: “Trầm lắng và bình dị đó là cảm xúc đầu tiên trong em mỗi khi nghe những bài hát của nhạc sỹ An Thuyên đặc biệt là bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Nhạc sỹ An Thuyên thường sử dụng những giai điệu dân ca cho bài hát của mình, trong bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh được ông sử dụng thuần thục làm cho bài hát đằm thắm giàu hình ảnh khiến người hát muốn hát lại nhiều lần, cùng với lời ca, bài hát diễn tả đầy đủ cảm xúc sâu sắc có tác dụng giúp người nghe vừa nghe vừa suy nghĩ thấm thía tình cảm to lớn mà Bác đã dành cho nhân dân”.

Bạn Trung Kiên viết tiếp: “Chúng em những người không có may mắn được nhìn thấy Bác nhưng qua ca khúc này và nhiều ca khúc khác đã giúp em hiểu hơn về Bác Hồ – người mà em hằng yêu quý”.

Xem thêm  Lời Bài Hát đi Mô Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh

Cùng cảm nhận âm hưởng dân ca trong ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sỹ An Thuyên, bạn Vũ Đình Thủy ở đội 6 Triệu Thành, Hợp Sơn, Thanh Hóa viết: “Mở đầu ca khúc nhạc sỹ An Thuyên đã đưa đến cho người nghe một gia điệu trữ tình sâu lắng mang âm điệu dân ca Nghệ Tĩnh, phải chăng điều đó đã giúp ta cảm nhận được sự khác biệt của ca khúc khiến “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” không chỉ là một tác phẩm âm nhạc, mà là một thông điệp nhắn gửi tất cả chúng ta, phải biết giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc như sinh thời Bác từng mong ước”.

Trong lá thư gửi từ biên giới về, bạn lính trẻ Dương Thế Thuấn HT 4TK-251 cho chúng ta biết cảm nhận của mình về bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”: “Một khúc dân ca sâu lắng quê nhà/Đêm sông Lam dạt dào sóng nước/Vọng câu đò đưa tình người mộc mạc/Bát ngát nhớ thương mà tỏa hương giữa đời – Bốn câu hát mở đầu ca khúc đã làm người nghe xao động và trào dâng một tình cảm sâu lắng với Bác, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Tiếp tục sau đó với kết cấu hai đoạn từng lời ca và giai điệu đã đưa ta về với tuổi thơ Bác: Bác theo phường đi nghe hát/Quần sắn gối đứng đầu sân/Dân mất nước mới lầm than/ Mà nay lời ca đành xót xa… Tuổi thơ Bác đã đi/suốt chiều dài câu đò đưa/ tuổi ấu thơ Bác đã sống/ suốt chiều rộng câu dân ca…Và rồi điệp khúc với tiết tấu hơi nhanh, lời ca như muốn khắc họa lại, như tạc vào ca khúc dáng hình và tấm lòng người trước cảnh nước mất. Bác ơi dù Bác đã đi xa nhưng cháu vẫn thấy Bác rất gần, lòng người khôn nguôi nhớ Bác, chúng cháu vẫn luôn nhớ những câu thơ: Hỡi những ai chưa được một lần/Trong đời gặp Bác hãy nhanh chân/Tiến lên phía trước trên cao ấy/Bác vẫn đưa tay vẫy lại gần”.

Xem thêm  Chìm đắm Không Gian Lặng Im Ngàn Vì Sao Vụt Tắt

Có thể nói xuyên suốt cảm nhận của thính giả về ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sỹ An Thuyên là hình ảnh con người Hồ Chí Minh, con người đẹp nhất. Ca khúc như một lẵng hoa tỏa hương thơm thành kính trước Bác, là lời hứa trước Bác của tuổi trẻ thế hệ hôm nay.