Có lẽ đã lâu lắm rồi ngọn núi lửa rock Việt mới được phun trào: khi Siu Black, Phạm Anh Khoa, Phương Thanh, Đỗ Hoàng Hiệp (ban nhạc Ngũ Cung), Đinh Tuấn Khanh (Microwave) cùng hòa giọng “Tìm lại đi, hãy tìm lại trong mỗi người, để ta không thấy ta như lúc này” trong tiếng guitar của Trần Tuấn Hùng (Bức Tường) trên sân khấu cuộc thi Rock Việt.
Câu hát ấy là một mở đề tuyệt vời cho hành trình đi tìm lại rock, trong mỗi người.
Chất hoài nghi, dè dặt
Hành trình tìm lại ấy không dễ dàng, khi mà cuộc thi đã đi non nửa chặng đường, tất cả những đội thi hay nhất đã xuất hiện, mà không có đội nào thật sự hay, trong khi mùa đầu tiên một cuộc thi thường là thời điểm anh tài hội tụ.
Phần trình diễn đến gần nhất tới một khoảnh khắc khiến ta ngây hồn có lẽ là She’s gone của ban nhạc Bumblebee, với giọng hát của vocal chính khiến người nghe man mác nhớ về Brian Adams thời Heaven, nhưng đây lại chỉ là một bản cover nhạc nước ngoài, điều làm nhòa đi ý nghĩa của rock.
Mặc dù vậy, trong một thị trường âm nhạc bị cuốn vào những câu punchline dễ chế meme, có gì đó xúc động khi vẫn còn những người có nhu cầu với một không gian âm nhạc vừa vặn cho những băn khoăn về sự tồn tại: “Tuổi đời thì ngắn dần, ngắn dần.
Rồi có khi ta gục ngã chỉ một mình, một mình thôi nhưng ta vẫn cười” (Lối, ban nhạc Metanoia), hay “Đừng để thời gian giết mình trong những phút giây gần như là mơ” (Gạt, ban nhạc Brainwave). Có thể những băn khoăn này đều chưa tới, nhưng chính sự sâu sắc chưa tới của những ban nhạc trẻ ấy lại làm nên chất hoài nghi, dè dặt đặc trưng của rock đương thời.
Như một con người có lúc thăng lúc trầm, rock lúc trầm vẫn có cái thú vị của nó, cái thú vị trong một sự loay hoay tìm lại mình. Nếu không phải một giọng ca đã thành danh như Tùng Dương thử nghiệm với rock, hay những ban nhạc với hào quang xưa tiếp tục hát rock, thì điều gì có thể khiến những nghệ sĩ rock mới bứt phá?
Còn nhớ vài năm trước, bản anh hùng ca hào sảng Tiếng trống Mê Linh của ban nhạc An Nam trong chương trình Ban Nhạc Việt từng làm bùng nổ mạng xã hội.
Vậy mà năm ngoái, album Nam quốc sử ca vẫn với symphony metal kết hợp sử Việt của ban nhạc gần như chìm nghỉm. Trong âm nhạc, luôn cần nhiều hơn tài năng để thành công. Nhưng chừng nào người ta còn âm thầm hát rock, còn băn khoăn vì rock, chừng ấy rock vẫn còn có thể trở mình.
Ai bảo người ta chán rock?
Tháng 5 năm ngoái, 183 triệu người đã theo dõi đêm chung kết của Eurovision, cuộc thi âm nhạc thường niên đã sang mùa thứ 65. Chẳng phải Grammy, chính Eurovision mới là chương trình truyền hình thu hút nhiều khán giả nhất thế giới, nếu không tính các sự kiện thể thao.
Và 183 triệu người ấy đã chứng kiến giây phút đăng quang của ban nhạc hard rock đến từ nước Ý, Mäneskin, với ca khúc Zitti E Buoni.
Đó là một ca khúc rock thuần khiết, với âm thanh gay gắt, nội dung chống lại thiết chế xã hội, những thành viên ban nhạc để tóc dài, kẻ mắt. Nghe nó mà ta tưởng như mình được trở về cái thời Black Sabbath còn làm mưa làm gió. Một loạt bản nhạc sau đó của Mäneskin gây bão trên TikTok.
Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ, vì ai cũng nghĩ rock nếu có sống thì cũng sống ngắc ngoải ở đâu đó. Nhưng chẳng có gì bất ngờ cả. Một cuộc khảo sát của MRC Data tại 8 quốc gia lớn ở châu Âu và Mỹ Latin cho thấy khán giả vẫn yêu rock vô cùng.
Và có thể, lần cuối cùng bạn được nghe một bản nhạc rock trở thành hit cũng không xa lắm đâu. Good 4 u, bản pop punk của Olivia Rodrigo, hiện tượng 19 tuổi vừa được Billboard chọn trở thành Người phụ nữ của năm, là một sự tái định nghĩa về việc cái gì được coi là rock.
Thứ cận rock của thiếu nữ mới lớn ấy chẳng giống gì với những bản rock hay nhất thế kỷ này của Green Day, Linkin Park, Foo Fighters, nó thậm chí có thể còn bị người mê classic rock ghét hơn cả nhạc của Coldplay. Nhưng có sự lột xác nào mà mới đầu không bị dè chừng?
Dù sao, đây cũng mới chỉ là những chặng đầu tiên trong hành trình tìm lại rock. Và cái tìm lại có thể sẽ giống như rock xưa nay vẫn thế, kiểu Mäneskin, hoặc rất khác so với rock, kiểu Rodrigo. Gì cũng được, quan trọng là người ta vẫn đi tìm.