Ngôn Từ Bài “Tiến Quân Ca” Chưa Ổn?
Văn Cao và Tiến quân ca: Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu-> Chiến khu Đ, Bình Dương
Tiến quân ca là một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) sáng tác vào năm 1944…
Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc “Tiến quân ca” của Văn Cao (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Tiến Quân Ca
Lời 1
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Lời 2
Đoàn quân Việt Nam đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Bài Tiến Quân Ca có hai Lời 1 và 2.
Lời 1 là mô tả cuộc hành quân: “bước chân dồn, súng ngoài xa, lập chiến khu…”
Lời 2 nói về mục tiêu cuộc hành quân: “dắt giống nòi quê hương, xây đời mới…”
Các câu cuối là lời kêu gọi tiến mau ra sa trường.
Do chuyển từ một ca khúc hành quân của quân cách mạng sang thành một quốc ca (1945) nên không phải lúc nào cũng là phù hợp và thuận lợi. Thoạt đầu chỉ đổi “đoàn quân Việt Minh đi” thành “Đoàn quân Việt Nam đi”. Mười năm sau, năm 1955 một vài ca từ trong quốc ca đã được Quốc hội VNDCCH hợp tác với tác giả sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc “Tiến quân ca” song có vẻ ngôn từ vẫn còn chưa ổn. (1)
Chúng ta hãy xét từng câu một của bài hát kèm lời bình:
A) Lời 1.
+Câu 1: Đoàn quân Việt Nam đi
Bình: Đoàn quân Việt Nam đi đâu? ->hành quân rèn luyện, dã ngoại, xuyên rừng, ra tiền tuyến, diễu binh? Xem tiếp câu 2.
+Câu 2: Chung lòng cứu quốc
Bình: Vậy là tiến quân ra tiền tuyến, cứu quốc.
+Câu 3: Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Bình: Câu này lộn xộn, không sát sự thực. Bước chân dồn vang là hình ảnh binh sĩ đi thành hàng ngũ thao dượt hoặc diễu hành, tiếng giày nện xuống đường nghe vang, nhịp nhàng.
Đường gập ghềnh xa là nói hành quân dã ngoại, xuyên rừng… di chuyển ở địa hình không bằng phẳng vai mang ba lô quân dụng cá nhân, tay xách súng… và bước chân khó thể dồn vang mà là “đi” hoặc “lê” trên đường đã gập ghềnh mà còn xa.
Câu 3 không ăn khớp nội bộ và với câu 2 là đi ra chiến trường.
*Diễu hành. *Hành quân dã ngoại. *Hành quân xuyên rừng
(Tiến Quân Ca: “Đoàn quân Việt Nam đi…Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa?”)
+Câu 4: Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Bình: câu này có hào khí, ý nói đoàn quân chiến thắng trận đánh khốc liệt, đổ máu nhiều thấm vào cờ. Song cờ in máu lại có nghĩalà “cờ giống máu” hoặc “cờ được thiết kế in bằng máu” từ trước và được mang theo mỗi bận hành quân?
Theo bản gốc viết “cờ pha máu” ý miễn cưỡng nói thấm, nhuộm, vấy, đẫm máu… sau được sửa thành “cờ in máu” có nhiều nghĩa. Cờ đã in máu là vĩnh viễn, không thể tẩy xóa.
Các từ ngữ “in máu” và “pha máu” đều không chỉnh nhưng được dùng vì là vần bằng.
+Câu 5: Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Bình: Câu này gây nhầm lẫn. “Súng ngoài xa” là nóiđang đánh nhau đâu ở xa ngoài biển, hải chiến. Súng từ xa, đằng xa, gần xa là đang đánh nhau ở trong đất liền không xa lắm. “Chen khúc quân hành ca”: giữa tiếng súng trận thì không có quân nhạc chen khúc như lúc diễu binh, trình tấu và tiếng hát ở xa cũng không thể vọng về cùng tiếng súng.
+Câu 6: Đường vinh quang xây xác quân thù,
Bình: Câu này ở quốc hội bị nhiều người đòi sửa vì tạo hình ảnh máu lạnh ghê rợn, kém văn minh. Gom nhặt xác xây đường vinh quang để rồi người giẫm bẹp, xe nghiến nát nghe kinh tởm không nhẹ nhàng như “xuyên, chôn, tan bóng quân thù v.v…” thụ động hơn.
+Câu 7: Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.
Bình: Sau khi đánh tan quân thù tại sao không về doanh trại lại cùng nhau đi lập chiến khu?
Đây là quân đội Việt Nam hay là quân cách mạng chưa cướp được chính quyền, còn ẩn náu?
Lập chiến khu thì có gì mà phải thắng gian lao! Câu này là tào lao.
Trong bản gốc là: “Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu.” Đoàn Việt là đoàn Việt Minh do đó mới đúng là “lập chiến khu.” Song ở đây đã là “đoàn quân Việt Nam đi…”(1)
+Câu 8: Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Bình: câu này thì sai vần với câu trước. Câu nguyên thủy của bài ca là: “Thề phanh thây uống máu quân thù” gieo đúng vần /u/ nhưng nghe man rợchẳng kém“xây xác, bêu xác”. (2)
Câu ở Lời 2 được đem qua: “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,” nhưng lại không đúng vần và giá trị chuyển tiếp kém. Nếu là (nguy nan) không lùi, công đầu” thì gieo khá đúng vần và chuyển tiếp tốt. Xem thêm bình luận cũng câu này ở Lời 2.
+Câu 9 và 10: Tiến mau ra sa trường, Tiến lên, cùng tiến lên.
Bình: đang trong chiến khu mà tiến mau ra sa trường cũng không là dễ, “đường gập ghềnh xa.”
+Câu 11: Nước non Việt Nam ta vững bền.
Bình: câu này nguyên thủy là: “Chí trai là đây nơi ước nguyền” bị gạch bỏ, viết giống câu cuối bên Lời 2 cũng đã sửa (để tạo chức năng một điệp khúc?). Câu này thì được.
B) Lời 2.
+Câu 1 và 2: Đoàn quân Việt Nam đi. Sao vàng phấp phới
Bình: đi hành quân có mang cờ bay phấp phới để làm gì? Câu sau nói rõ.
+Câu 3: Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Bình: như vậy là đoàn quân VN đi để dắt giống nòi qua nơi lầm than.
Song nhận vơ tức cười vì dẫn dắt dân không phải là nhiệm vụ của quân đội. Công việc của quân đội là bảo vệ dân.
Dẫn dắt là nhiệm vụ các nhà lãnh đạo lãnh tụ. “Bác đưa một nước qua nô lệ. Tôi dắt năm châu đến đại đồng.” (Hồ ChÍ Minh “Ngẫu Hứng” nhân viếng đền thờ Đức Thánh Trần).
Thêm một chỗ vụng là chữ “qua” trong “qua nô lệ, qua nơi lầm than” có thể làm liên tưởng đến một nghĩa khác, /đến nơi/ thay vì /xa, rời, thoát/.
Hãy so sánh: Dắt giống nòi quê hương qua nơi giàu sang coi như đồng nghĩa với qua nơi lầm than (?).
Tiếng Việt “qua cầu”= đi quá cầu và “qua Pháp”= đi đến Pháp. Ngoài ra có những nghĩa bóng: qua đời, qua mặt, qua quít v.v…
+Câu 4: Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Bình: quân đội có khi cũng được điều động chống thiên tai bão lụt, đắp đê, giúp dân lợp lại mái nhà, cày cuốc đôi chút… nhưng không có nhiệm vụ phấn đấu chung sức cùng nhân dân xây đời mới. Nếu họ làm thì là với tư cách một người dân.
+Câu 5: Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Bình: lạc đề, đập tan gông xích là chuyện của nhân dân bị áp bức, đứng vùng lên. Quân đội không bị áp bức, lại được o bế. Nhiều chính thể xem quân đội là của tư hữu, dùng như là công cụ để trấn áp nhân dân, song có khi khi gặp tác dụng ngược.
+Câu 6: Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Bình: như trên, nhân dân bị áp bức, từ lâu nuốt căm hờn, không phải quân đội. Binh sĩ có thể căm hờn trong tư thế một người dân.
+Câu 7: Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Bình: câu này lúng túng. Hi sinh là để đời ta cao quí hơn, có ý nghĩa hơn; tươi thắm hơn là nói về đời sống của đồng bào.
+Câu 8: Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Bình: Có thể phấn đấu học tập không ngừng nâng cao tinh thần chiến đấu, nhưng quân đội chiến đấu thì chỉ trong thời chiến. Là cầu mong có chiến tranh để chiến đấu không ngừng chăng?
+Câu 9 và 10: Tiến mau ra sa trường, Tiến lên, cùng tiến lên.
Bình: câu này là được. Chỉ rõ quân đội trở về đúng nhiệm vụ của mình mà nhân dân giao phó thay vì xen vào những nhiệm vụ khác..
+Câu 11: Nước non Việt Nam ta vững bền.
Bình: câu này cũng được song tốt hơn nên viết khác câu cuối của Lời 1. Có thể dùng câu “Chí trai là đây nơi ước nguyền”.
Từ câu 6 đến câu 11 của Lời 2 đều có sửa nhiều. Câu 10, 11 nguyên thủy là “Hỡi ai! Lòng chớ quên! Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên !”
Nói chung quốc ca có thể là một ca khúc mới được sáng tác hoặc chọn một ca khúc có sẵn từ trước song nếu dùng một “đảng ca” thì khó gột bỏ những đặc thù quá riêng biệt, những nhiệm vụ ngộ nhận, lẫn lộn.
Những từ ngữ : lập chiến khu, chiến đấu không ngừng, dắt giống nòi, nuốt căm hờn, xiềng xích ta đập tan v.v… trong bài hát Tiến Quân Ca là tác phong đặc trưng của một đội quân cách mạng trong giai đoạn khởi nghĩa, khác nội dung và ngôn từ một quốc ca. Về quốc kỳ cũng tương tự.
Nhiều người nhận xét duy nhất chỉ có quốc ca của nước CHXHCN VN là mô tả quân đội – thoát thai từ Đảng, tận trung với Đảng, nói lên tương quan thuận lợi, chặt chẽ với chế độ – khác hẳn mọi bản quốc ca trên thế giới lấy người dân và non sông làm đối tượng đề cập, thêm lời cầu nguyện cho nhà vua ở nước quân chủ (3).
Bởi lẽ non sông có hùng khí, dân tộc có cang cường thì quân đội ắt có truyền thống anh dũng.
Đó là những ý kiến của tôi về lời của bài quốc ca nước CHXHCN Việt Nam.
Lê Bá Vận (hình LBV.1990)
Chú Thích:
(1) Bài Tiến Quân Ca năm 1945 tôi hát là đúng theo bản gốc. Ba mươi năm sau, sau ngày 30/4/1975 tôi biết lời của ca khúc đã sửa đổi song tôi không để tâm. Nay tôi mới xem kỹ lại căn cứ trên những gì tôi hát năm xưa.
Các nơi sửa ở Lởi 1 là *câu 4: cờ pha máu sửa là cờ in máu, *câu 7: đoàn Việt lập chiến khu sửa là cùng nhau lập chiến khu, *câu 8: thề phanh thây uống máu quân thù sửa là vì nhân dân chiến đấu không ngừng, *câu 11: chí trai là đây nơi ước nguyền sửa là nước non Việt Nam ta vững bền.
Lời 2 thì 6 cuối câu đều có sửa đổi nhiều. Các câu trong bản gốc là: Dù thây tan xương nát không sờn. Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn. Từ bao lâu ta nuốt căm hờn! Vũ trang đâu, lên đường ! Hỡi ai! Lòng chớ quên! Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên! Sáu câu này gieo vần tốt.
Đó là những điều tôi nhớ. Các nước trên thế giới cũng nhiều lần sửa ca từ của quốc ca.
Quân hành khúc “Tiến Quân Ca” độc đáo ở “lập chiến khu”, nhiệm vụ “dắt giống nòi quê hương” cũng như có tác dụng tốt nuôi dưỡng căm hờn thù hậncần thiết.
(2) “Thề phanh thây uống máu quân thù?” Có lần nhân chuyện trò với một ông bạn người nước ngoài, tôi vô tình hỏi: “Tại sao Quốc ca các ông nghe hiền lành ủy mị, không có “phanh thây uống máu quân thù?”
Ông ta rất đỗi ngạc nhiên hỏi lại tại sao phải có uống máu quân thù (chắc ông nghĩ đến qui ước Quốc tế Geneva đối xử với tù binh chiến tranh). Tôi bừng tỉnh thấy mình vô lý, văn minh kém xa người liền đổi hướng câu chuyện (LBV “Chuyện Những Con Nòng Nọc Giữ Đuôi.”)
(3) Đối chiếu một số bài quốc ca trên thế giới.
+1. Quốc ca Hoa Kỳ. “The Star-Spangled Banner” Lá cờ lấp lánh ánh sao: Ô! Kìa bầu trời cao. Phất phới bay cờ sọc sao. Dù trời sáng hay ban chiều Nhìn cờ bay với bao tự hào Giữa sa trường đầy gian lao. Vẫn tung bay cờ sọc sao… Điệp khúc: Người ơi hay chăng lá cờ hào hùng, trong gió bay vẫy vùng. Miền Tự Do lòng ta yêu dấu! Là quê hương những anh hùng.
+2. Quốc cacủa Trung Cọng: Nghĩa dũng quân tiến hành khúc. Toàn bài: Đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ! Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới! Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc hiểm nguy, Mỗi người hãy cất lên tiếng thét. Đứng lên! Đứng lên! Đứng lên! Chúng ta muôn người như một, Bất chấp đạn lửa quân thù, tiến lên! Bất chấp đạn lửa quân thù, tiến lên! Tiến lên! Tiến lên! Tiến!
+3. Quốc ca Pháp. La Marseillaise: Hãy tiến lên, hỡi những người con của Tổ quốc. Ngày vinh quang đã đến rồi. Chúng ta hãy chống lại sự áp bức. Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên… Điệp khúc: Hỡi những công dân. Hãy cầm lấy vũ khí. Hãy tập hợp lại thành đội ngũ! Tiến lên! Tiến lên!
Điều đáng nói là nhạc điệu bài Tiến Quân Ca chịu ảnh hưởng nhiều bài quốc ca này của Pháp và quốc ca của VNCH cũ là bài Tiếng Gọi Công Dân: “Này công dân ơi! Nước ta…”
Bài La Marseillaise bản tiếng Pháp trước năm 1945 lũ học trò chúng tôi hát thuộc lòng như cháo, vừa hay vừa hùng dũng kêu gọi công dân hãy tập hợp lại, cầm vũ khí…
+4. Quốc ca của Nhật Bản. Đây cũng là một trong những bài quốc ca ngắn nhất trên thế giới: Toàn bài: Hoàng triều hạnh phúc vạn tuế của Người. Xin Hoàng đế hãy trị vì cho đến khi những viên sỏi bây giờ qua thời gian kết thành những tảng đá. Với bề mặt cổ kính đầy rêu phong.
Bài quốc ca của Anh: God save the Queen cũng tương tự, cầu nguyện cho Nữ Hoàng, dài hơn.
+5. Quốc ca của Đức: Das Lied der Deutschen (Bài hát người Đức). Toàn bài: Đoàn kết và Công lý và Tự do cho Tổ quốc của người Đức này! Vậy tất cả chúng ta hãy đấu tranh với tình huynh đệ cùng trái tim và bàn tay! Đoàn kết và Công lý và Tự do là những gì đảm bảo cho hạnh phúc; hưng thịnh trong phúc lành của hạnh phúc này, hưng thịnh, Tổ quốc Đức.
+6. Quốc ca Nga, sử dụng lại bài Quốc ca Liên bang Xô viết với lời mới, xóa tên Lenin, Stalin:
Ôi nước Nga – nhà nước thánh thần của chúng ta… Vinh quang thay, Tổ quốc tự do của chúng ta…Chúng con tự hào về Người. Từ biển Nam tới vùng cực Bắc Đồng lúa và rừng xanh của chúng ta trải dài …. Bài này có vẻ tương tự bài quốc ca Đăng Đàn Cung: “Kìa núi vàng bể bạc…”
+7. Quốc ca Cuba. Toàn bài: Hãy gấp rút chiến đấu! các người xứ Bayamo. Vì đất mẹ hãnh diện trông chờ. Các người đừng sợ chết vinh quang. Vì chết cho tổ quốc ấy là sống. Sống xiềng xích. Là sống ô danh nhục nhã. Hãy nghe tiếng kèn thúc. Các người anh dũng, hãy gấp rút chiến đấu!
+8. Quốc ca Campuchia, tôn vinh Hoàng triều và Phật giáo.
+9. Quốc ca Lào: Nhân dân Lào làm rạng danh tổ quốc, đoàn kết, bình đẳng, tiến tới, bảo vệ tổ quốc, tự do, không còn cho phép đế quốc và phản bội làm hại. Quyết tâm chiến đấu đạt thắng lợi để dẫn nước nhà đến thịnh vượng.
+10.Quốc ca Bắc Hàn. Aegukka: vẻ đẹp non sông cẩm tú năm ngàn năm lịch sử, hào khí núi Baekdu… người dân khôn ngoan, cần cù, chiến đấu kiên cường, cống hiến thân mình và trí tuệ cho Triều Tiên này, vinh quang, phú cường muôn năm.
Quốc ca Nam Hàn cũng nói lên những ý đó.
Xem ra cả hai bài đều tương tự bài Đăng Đàn Cung: “Kìa núi vàng bể bạc…nguyện nhà Việt muôn đời thạnh trì” là quốc ca đầu tiên của Việt Nam, thời triều Nguyễn mà nhạc điệu rất trang trọng đài các.
Các bản quốc ca kể trên có những nét hay riêng biệt và ngôn từ đúng đắn không thể bắt bẻ chỗ nào được. Các câu đáng suy gẫm là: * Đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ! (Trung Cọng) * Hỡi những công dân. Hãy cầm lấy vũ khí (Pháp). * Đoàn kết, Công lý và Tự do là những gì đảm bảo cho hạnh phúc (Đức).* Vì chết cho tổ quốc ấy là sống (Cuba).
Hành quân dã ngoại: “Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa?“