Lời Bài Hát Một Cõi đi Về

Video lời bài hát một cõi đi về

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như sau “ Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như là nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng… Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi… Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn… Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn”.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về

…..

Một cõi đi về là ca khúc có chiều sâu tâm linh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng là tác phẩm tâm đắc nhất của ông trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Một cõi đi về được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất được gọi là Cõi chết, theo nghĩa “sinh ký tử quy” sống gửi thác về của nhà Phật. Hoặc cũng có thể hiểu theo một nghĩa khác là kiếp nhân sinh -“Trăm năm trong cõi người ta” của Nguyễn Du vậy. Và sự thấm lặng linh hồn trong từng ca từ của “Một cõi đi về” như đôi mắt lặng thinh của nhạc sĩ đang nhìn đời, nhìn người, nhìn kiếp nhân sinh, nhìn đôi chân lang bạt đang mỏi mệt tìm đường trở về nhà của những kiếp nhân sinh khác đã từng ngang qua trước mắt ông.

Xem thêm  Lời Bài Hát Xót Xa

Có lẽ nhạc sĩ là người hiểu rất sâu về triết lý nhà Phật, với mỗi vấn đề ông nhắc đến trong bài hát chúng ta đều có thể liên tưởng đến những điển tích, đến những bài thơ Thiền. Phật trước khi giác ngộ cũng là một người lang thang, lang thang loanh quanh đi tìm nhà.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Một sự biểu đạt của nỗi buồn vô định hướng, những bước chân loanh quanh lang thang từng ngày từng tháng, đi tìm gì để mãi bao nhiêu năm? Cho đến khi mỏi mệt. Như là một câu hỏi, cũng như câu trả lời chắc nịch, hay cũng như một lời nhắc nhở như ông đã từng viết trong nhạc phẩm Ngẫu Nhiên “ Không có đâu em này/ Không có cái chết đầu tiên/ Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng”

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về

Lời nhắc nhở như được nhấn mạnh ở câu hát này, đôi vầng nhật nguyệt ở đây được coi như chân tâm trong sáng, sự minh bạch rõ ràng của con người, bị những chốn mê của cõi nhân gian che lấp, để rồi trăm năm cứ còn mãi bến mê chôn vùi chẳng thể thoát ra.

Đoạn nhạc này thấm đẫm hồn, nặng trĩu ưu tư bức bối của một tâm hồn đẹp, khao khát bứt phá khỏi sự luẩn quẩn của cõi nhân sinh. Đoạn nhạc buồn da diết nói lên nỗi lòng trăn trở suy tư bằng cái nhìn tịnh tâm, im lặng với bão tố trong lòng để day dứt, để ngẫm và để thấm.

Sự tĩnh lặng này có thể giúp ông nghe rõ cả lời cỏ cây, nghe trong trạng thái Say, say để rồi thấy đời thật nhẹ ngày qua ngày, với xuân hạ thu đông, với cả một đời nhẹ bẫng.

Xem thêm  Lời Bài Hát Money

Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ

Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ

Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Thời gian qua đi vô tình, chẳng hề trở lại với bốn mùa cây thay áo. Tình yêu của tuổi trẻ còn ôm ấp trong trái tim yêu, nhưng tuổi xế chiều tóc trắng như vôi thì tất cả chỉ còn lại là ký ức phôi pha, nhạt nhòa. Tất cả những trái ngọt tình thơm ấy chỉ là những khoảnh khắc thăng hoa ngắn ngủi, rồi lại trôi về hư vô, cái còn sót lại chỉ là khổ đau sầu nhớ, là bến mê con người không tự thoát ra nổi, mãi loanh quanh, luẩn quẩn lạc lối.

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Hình ảnh “Mây tre trên đầu và nắng trên vai” là hình ảnh ẩn dụ nhất trong đoạn này, như muốn nói đến sự biến đổi xoay vần của tạo hóa, mà con người dưới cõi mê thật nhỏ bé, sự u tối của tâm hồn cũng như những đám mây đen đè nặng lên để đến ánh nắng đậu trên vai cũng chẳng còn nhìn thấy. Chỉ đến khi con tim yêu cất lời trong rêu phong, thì trái tim lại hiện hữu tình người.

Một sự buồn thương, những sự được mất chốn nhân gian được Trịnh Công Sơn cứ thế chở nặng, đong đầy tràn trong từng câu hát với giai điệu da diết buồn, của kẻ lang thang tìm không thấy chốn quê nhà.

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa

Xem thêm  Dubai porta potty

Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Trong những nốt nhạc cuối cùng của ca khúc này, nhạc sĩ như muốn gửi gắm, nói lên nỗi khát khao cháy bỏng thoát ra khỏi nỗi buồn thương, đi tìm lối thoát cho hành trình cuộc đời. Hành trình này phải vượt núi cao, biển rộng, vượt lên trên cả những bến mê níu chân dù “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”,thì kết quả của bên kia là biển rộng, là mùa xuân, và mùa xuân ấy không còn gió buốt….

Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao đi về biển rộng

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì…

Xin được kết bài bằng lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn về nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Nhạc của Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới”.

Lời nhận xét trên cũng chính là lời nhận xét chính xác dành cho nhạc phẩm Một cõi đi về của cố nhạc sĩ Trịnh, mặc dù buồn, mặc dù da diết, khắc khoải cho một kiếp nhân sinh loanh quanh, đầy bến mê mỏi mệt, sự ưu tư tĩnh lặng ấy mang dư âm vang mãi cho người nghe, ngay cả khi nhạc phẩm đã kết thúc. Nhưng không thể phủ nhận, đây là một tác phẩm thấm đẫm đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

  • Diễm xưa – Diễm ngày xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn