Lời Bài Hát Lời Ca Dâng Bác

Sau cuộc họp giao ban sáng ngày 3/5/1968, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng – Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) đưa cho tôi bản nhạc “Lời ca dâng Bác” và nói: “Hôm qua họp bên quân đội anh Trọng Loan gửi bài hát này. Anh Loan đã hát cho mình nghe, cậu đưa lại cho anh Tuân, anh Tuyên xem, rồi thu thanh cho kịp phát ngày 19/5”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên xem xong bảo tôi chép thêm một bản đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường để lo phối khí và mời dàn nhạc, còn một bản tôi đi mời người hát. Vừa dắt xe ra cổng Đài thì gặp nhạc sĩ Trọng Loan. Tôi mừng quá liền nhờ luôn anh lo cho phần người hát.

Nhạc sĩ Trọng Loan (ảnh: Lao Động)

Đúng hẹn chiều ngày mùng 9/5, tốp ca nữ 5 người cùng nhạc sĩ Trọng Loan đến phòng thu số 58, phố Quán Sứ và tranh thủ tập lại. Trong khi chờ nghệ sĩ Thanh Huyền đến hát phần “lĩnh xướng”, chúng tôi được nghe nhạc sĩ Trọng Loan trò chuyện:

“…Năm 1962, giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu một đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Đến thăm Bác Hồ, giáo sư đã được Bác ôm chặt trong vòng tay và nói “Miền Nam trong trái tim tôi” Câu nói cảm động ấy của Bác đã gợi cho mình suy nghĩ đến chủ đề một bài ca. Năm 1967, nhân một lần họp, Quốc hội tổ chức trao tặng Huân chương Lê-nin và Huân chương Sao Vàng cho Bác, Bác khẳng định đến ngày thống nhất sẽ di thăm đồng bào Miền Nam và nhận một thể. Ý nghĩ vô cùng vĩ đại và sâu sắc này đã như thôi thúc mình phải viết nhanh bài hát. Nhưng vì tự khó tính với mình mà loay hoay mãi vẫn chưa hoàn thành được. Đến nay (năm 1968) mới viết xong. Bài này viết về Bác Hồ nhưng cũng nói lên nguyện vọng của quân và dân hai miền mong ngày thống nhất đất nước, để bắc nam đoàn tụ một nhà, đón Bác vào thăm…”

Xem thêm  Tháng 7 Mưa Ngâu

Với chất liệu dân ca miền Trung gần gũi với quê hương của Bác. Một giai điệu hết sức cô đọng, hàm súc, giản dị mà lại rất phong phú, bài hát được ra đời với phần lời thứ nhất nói đến tình cảm của Bác đối với miền Nam. “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác – Có mối tình nào thủy chung son sắt – Như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam – Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình”

Bài hát được viết ở thể một đoạn đơn, chỉ có hai câu nhạc được mở rộng. Hình thức này rất khó vì nó ngắn gọn, tinh giản, đòi hỏi tác giả phải bố cục tác phẩm sao cho chỉ trong một đoạn ấy, ý tứ âm nhạc trọn vẹn, hoàn hảo. Giai điệu được tiến hành khá bình ổn, không có những quãng nhảy đột biến, có khuynh hướng lên cao dần dần, diễn tả tình cảm của Bác đối với miền Nam và miền Nam đối với Bác là một cái gì hết sức bình dị, tự nhiên, ngày càng đằm thắm, sâu sắc. “Vang lên từ Miền Nam vang lên từ Miền Bắc – Tiền tuyến thành đồng, hậu phương lũy thép – Theo tiếng Người giục bước tới thắng lợi vẻ vang – Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng”

Tác giả sử dụng nhiều nốt luyến láy, tạo sự uyển chuyển cho giai điệu, cũng chính là đặc điểm của dân ca miền Trung, nhưng vẫn dễ hát. Nhạc sĩ Trọng Loan khéo xử lý hòa thanh nên cả ba lần kết cho ba lời đầu (kết bằng nốt son ở bậc 5) và lần kết cuối cho lời bốn (bằng nốt đô chủ âm) đều tạo cảm giác mới mẻ, không giống hơi hướng nhiều ca khúc khác. Đặc biệt, lần kết cuối cùng tuy về chủ âm nhưng giai điệu bài hát có khuynh hướng như chưa hoàn toàn ổn định, còn muốn mở ra. Đó là sự cố ý của tác giả và đã có hiệu quả. Cũng vì vậy mà đã có khá nhiều người cho rằng bài hát này viết ở gam son trưởng (vì ba lần kết bài ở nốt son nghe lại có vẻ ổn định hơn). Nhưng nếu phân tích như vậy thì khi xử lý phần đệm cho dàn nhạc sẽ không được ổn lắm, nếu đi sâu vào kỹ thuật.

Xem thêm  Lời Bài Hát Về Dưới Mái Nhà

Hầu hết các chương trình ca nhạc trong ngày 19/5 năm ấy đều truyền đi ca khúc này với giọng hát của nghệ sĩ Thanh Huyền cùng tốp nữ. Thời gian sau đó chúng tôi đã nhận được nhiều thư thính giả gửi về yêu cầu được nghe lại bài hát này. Chiến sĩ Đỗ Đức La đóng quân ở giới tuyến Vĩnh Linh viết: “…Bài hát rất hay, rất cảm động. Đúng là chỉ có Trọng Loan mới nói lên được nỗi lòng của Bác với mièm Nam và nỗi lòng của miền Nam với Bác, và chỉ có Thanh Huyền mới chuyển tải hết nội dung đó qua giọng hát của mình. Mỗi khi nghe bài hát này nước mắt cứ rưng rưng. Cảm ơn anh Trọng Loan, chị Thanh Huyền đã tạo cho chúng tôi sức mạnh để vượt qua gian khổ và chiến thắng. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng hơn nữa trong mọi nhiệm vụ được giao để góp phần thực hiện những ước ao của Bác…”.

Tôi chuyển lá thư này cho nhạc sĩ Trọng Loan, ông đã cảm động đến rơi lệ sau khi đọc lá thư này. Âu cũng là một phần thưởng cho người sáng tác, cho các văn nghệ sĩ.