Hội An ca
Giữa đêm phố cổ lung linh như thực như hư, tôi lắng nghe người dân thị xã xôn xao bàn tán quanh các sự kiện chuẩn bị diễn ra.
Nào là Giải bơi quốc tế vượt biển Cù lao Chàm – Hội An lần thứ III tổ chức trong hai ngày 26 và 27-4-2003, với sự tham gia của các vận động viên Nhật Bản cấp kiện tướng và các tuyển thủ Việt Nam sắp thi đấu SEA Games XXII. Giải bơi này là hoạt động thể thao chào mừng 30 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.
Nào là đề án cấm xe máy lưu thông trong khu phố cổ với mục đích tiết giảm tiếng ồn công nghiệp và ngăn ngừa sự cố đáng tiếc có thể xảy ra cho khách bộ hành. Đề án đã được chính quyền phê duyệt, sẽ bắt đầu thực thi từ tháng 5-2003. Dư luận phân thành hai luồng trái ngược. Người cư ngụ trong khu phố cổ (chủ yếu gồm các trục đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai) than phiền:
– Trước, chỉ cấm ô tô chạy trong khu phố cổ. Chừ cấm tiệt luôn xe máy thì bất tiện cho tụi tui quá! Há lẽ mỗi khi đi làm, đi học, hoặc lui tới giao dịch, chở hàng, tụi tui phải tắt máy mà đẩy bộ hoặc phải gởi xe máy tuốt ngoài xa hử?
Người sống ngoài địa bàn nói trên lại đồng tình:
– Đề án ni có những mặt tích cực. Tối thiểu cũng làm giãn lượng du khách lâu ni quá tập trung vô mấy dãy phố cổ. Nhờ rứa, hàng quán ở khu vực ngoại vi mới mong được chia sẻ thị phần chơ. Vả lại, coi tivi, thấy một số đường phố trong các đô thị cổ ở nước ngoài chỉ toàn người đi bộ, còn các phương tiện giao thông cơ giới tuyệt nhiên vắng bóng. Rứa mới giữ được nét xưa êm ả chơ.
Sau Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản, những gì đọng lại sâu bền với Hội An? Thời gian sẽ tổng kết công minh. Trước mắt, tôi thử nêu một trường hợp: ca khúc Đêm hội phố Hoài của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái.
Guitarist Dương Hạ Châu nói:
– Bài hát Đêm hội phố Hoài xuất hiện năm ngoái, năm tê chi đó. Nhưng từ lễ hội vừa qua, bài hát chẳng mấy chốc trở nên phổ biến khắp cả thị xã và được dân địa phương xem như “Hội An ca”.
Tôi gật:
– Ca từ đẹp, lãng mạn, cứ như thơ tình. Giai điệu, tiết tấu thấp thoáng âm hưởng nhạc cung đình Huế.
Anh Châu mỉm cười:
– Bởi lẽ Duy Khoái là nhạc sĩ gốc miền Hương Ngự mà. Hay hỉ?
Tôi rời phố Hội. Một nhà giáo công tác tại Đại học Đà Nẵng trao tặng tôi món quà thơm thảo trước phút tạm biệt. Đó là CD Quảng Nam yêu thương mới ghi âm, có Đêm hội phố Hoài do Duy Dũng cùng Thủy Trúc song ca.
Quay lại Sài Gòn, ngồi viết những dòng này, tôi vừa nghe bài hát nọ:
Tìm lại ngày xưa đã mất bến sông Hoài tôi về chiều nay Thấy bông hoa vàng rụng ven sông ngày xưa đã qua qua rồi Loanh quanh trên những con đường nhỏ Lang thang qua phố xưa nhà cổ Đi đâu cũng một màu xanh trong vắt hồn phố xưa.
Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phố Vẫn ánh đèn đêm xôn xao chợ khuya Vẫn tiếng rao trăm năm vọng về Trên thuyền hoa, lời tình xưa ru ai xao xuyến Sáng trên sông Hoài, ánh trăng đêm nào Cùng ngàn hoa đăng lung linh trôi bồng bềnh nỗi nhớ bóng người xưa Ai ngồi đợi ai trên bến sông này. (…)
Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phốVẫn tiếng đàn ai ngân trong vườn khuyaTiếng guốc khua trên con đường gầyMái chùa cong, vầng trăng trong câu thơ nghiêng chénMái rêu u trầm, nét hoa Kim BồngLời người từ trăm năm xa xưa gởi lại ngàn sau dấu vàng sonAi ngồi đợi trăng trên bến sông nàyCó người ngẩn ngơ đêm hội phố Hoài.
Sông Nhớ hỡi! Cảng Chờ ơi! Tôi đang nắm độc quyền nguồn thông tin cực kỳ chính xác. Rằng khắp cõi trần, ít nhất có một gã lãng du, dù rong ruổi bất cứ chốn nao, đêm đêm vẫn luôn hoài phố Hội.♥
● Phanxipăng
Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 462 (10-6-2003) & 463 (20-6-2003)
Mời quý bà con thưởng thức khúc hát Đêm hội phố Hoài của Nguyễn Duy Khoái được song ca bởi:
- Duy Dũng & Thuỷ Trúc http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=pAlhOAadcE
- Thanh Vân & Thu Hiền http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=posyGSC1-O