ánh Mắt Hình Viên đạn

Chợt nghe ồn ào, la hét, khóc lóc ngoài sân ga. Những đoàn tàu ở đâu đó chở về kín mít những đám đông hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em.

Ngoài phố bụi mù những đoàn xe chở bộ đội đi đâu đó. Bạn tôi là nhà thơ lính vội vàng về cơ quan trực chiến. Đêm đó, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã nổ ra.

Bóng hình những người chạy về và những người cầm súng đi ngược ra biên giới ám ảnh tôi.

“Đoàn quân vội đi

Đi về biên giới

Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ

Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé

Từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn…”.

Bài hát Những đôi mắt mang hình viên đạn hoàn thành sau hai tiếng ngày hôm sau, và tôi “phi” ngay lên gửi ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. Bị trả lại. Họ nói sao không hát rõ đích danh “quân Trung Quốc – bọn bành trướng Bắc Kinh”? Tôi lặng lẽ quay về.

Tôi yêu nước và chống chiến tranh. Người nghệ sĩ nào trên thế giới cũng sẽ làm điều đó. Nhưng tiếng hát căm giận khi quê hương bị giày xéo thì không ai ngăn cản được:

“Từng đôi mắt bao lần tiễn biệt

Từng đôi mắt bao lần ước hẹn

Từng đôi sáng lên

Cháy lên như ngàn ánh lửa

Từng đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân

Xem thêm  Có Những Mối Tình Có Những Có Những Nỗi Buồn

Người chiến sĩ hãy giữ lấy…”.

Tôi chép bài này cho anh Phạm Trọng Cầu trong một lần vào TP.HCM rồi bất ngờ vài tháng sau, các đoàn ca nhạc và các nhóm ca khúc chính trị thành phố ra Hà Nội biểu diễn đều hát và hát thành công, công lao đó thuộc về anh Cầu cùng các nhạc sĩ trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Tuy vậy, nhiều người vẫn nhầm bài hát này viết trong cuộc chiến biên giới Tây Nam.

Ông Võ Văn Kiệt, bí thư Thành ủy TP.HCM, ngày đó có dịp nghe bài hát đã đem lòng yêu quý và bộc lộ tình cảm của mình trên báo Nhân Dân.

Từ bài báo đó, ca khúc này lại có giấy thông hành đến với các phương tiện truyền thông chính thức phía Bắc. Đài Tiếng nói Việt Nam sau đó cũng phát. Bài hát Những đôi mắt mang hình viên đạn đã sống bốn mươi năm nay.