Ai Lên Xứ Hoa đào

Video ai lên xứ hoa đào

ai len xu hoa dao co nho nhac si hoang nguyen

Nhạc sĩ Hoàng​​​ Nguyên.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên khai sinh là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau một thời gian học hành ở Huế, ông lên Đà Lạt dạy học từ năm 1954. Tại thành phố sương mù, bằng vốn kiến thức được trau dồi những ngày đi theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở Liên khu 4, anh giáo viên Cao Cự Phúc bắt đầu viết nhạc với bút danh Hoàng Nguyên. Ngay bài hát đầu tay “Ai lên xứ hoa đào”, tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được biết đến rộng rãi. Hơn nửa thế kỷ qua, “Ai lên xứ hoa đào” vẫn là bài hát hay nhất về Đà Lạt mà công chúng say mê từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa/ Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai/ Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa/ Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương/ Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên…”.

Ngoài ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”, nhạc sĩ Hoàng Nguyên còn có một bài hát nữa viết về Đà Lạt là “Bài thơ hoa đào” với giai điệu và lời ca đi vào lòng người.

Năm 1957, chính quyền Đà Lạt mở cuộc thanh lọc công chức. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên từng có giai đoạn tham gia kháng chiến, nên bị khám nhà. Mật vụ đã tìm thấy trong hộc tủ có bản nhạc “Tiến quân ca” của Văn Cao, nên anh giáo viên Cao Cự Phúc lập tức phải chịu án lưu đày ra Côn Đảo.

Xem thêm  Lời Bài Hát Xin Trả Nợ Người

Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào học khoa Anh văn ở trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và tiếp tục đi dạy học. Vì những bài tình ca nổi tiếng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên kết thân với nhiều nhân vật thành đạt trong xã hội Sài Gòn lúc ấy. Một trong những người có quan hệ gắn bó với nhạc sĩ Hoàng Nguyên là nữ diễn viên Huỳnh Khanh đã đưa tác giả “Ai lên xứ hoa đào” đến gặp chồng mình là tỉnh trưởng Phan Thiết – Phạm Ngọc Thìn. Không chỉ mến mộ nhạc sĩ Hoàng Nguyên, ông Phạm Ngọc Thìn còn nhờ nhạc sĩ Hoàng Nguyên làm… gia sư cho con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Kết quả, nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thuần không đậu đại học mà trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, và sinh cho ông 3 người con!

Ngày 21/8/1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời tại Vũng Tàu. Xung quanh cái chết bất ngờ ở tuổi 43 của nhạc sĩ Hoàng Nguyên có nhiều đồn đoán khác nhau. Báo chí Sài Gòn lúc ấy đặt câu hỏi rằng, có phải nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã để lộ thân phận “cộng sản nằm vùng” nên bị thủ tiêu! Suy luận ấy, không phải không có lý. Bởi lẽ, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Nguyên là “Đàn ơi, xa rồi” rất phổ biến ở những vùng tự do, có lời ca nhắc nhớ những ngày ông tham gia cách mạng ở liên khu 4: “Quên đi những chiều nhìn mây vương sau đèo/ Nắng vàng đùa thông reo bên bờ dòng suối lắng/ Cùng nhau vỗ súng ca cho đời biên khu/ Xa rồi ơi đàn/ Đâu đêm trăng vàng cùng chung vui bên rừng/ Tiếng trầm hùng vang vang, bóng từng đoàn chiến sĩ, nguyền dâng sức sống cho quê nhà…”. Nghi án về số phận của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đến tận hôm nay vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng, nhưng những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vẫn vang lên trong đời sống âm nhạc “lâng lâng theo sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương”.

Xem thêm  Lời Bài Hát để Trả Lời Một Câu Hỏi

Nhân 45 năm nhạc sĩ Hoàng Nguyên rời khỏi nhân gian, Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức “Toạ đàm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên” ngay tại quê nhà Diễn Châu của ông. Rất nhiều tham luận của giới chuyên môn đã đánh giá rất cao những đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Nguyên cho nền âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhấn mạnh: “Trong thời kỳ âm nhạc miền Nam không chỉ nhạc vàng tình yêu, nhạc xanh, nhạc sến mà còn nhạc trẻ, nhạc tây, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã đi từ dòng tiền chiến lãng mạn đến tình yêu sang trọng, rồi nhập vào dòng tân nhạc hiện đại. Những câu chuyện tình yêu trong âm nhạc của ông muốn vượt lên thực tại u ám, nhưng vẫn phảng phất nỗi niềm tủi đau…”.