Lời Bài Hát Hương Tình Yêu

Video lời bài hát hương tình yêu

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn hai thi khúc “Phượng Hồng” (“Chút Tình Đầu”), “Hương Tình Yêu” (“Không Phải Tơ Trời – Không Phải Sương Mai”) của Thi sĩ Đỗ Trung QuânNhạc sĩ Vũ Hoàng.

Thi sĩ Đỗ Trung Quân sinh 19 tháng 1 năm 1955 – là một nhà thơ và diễn viên điện ảnh. Nhiều bài thơ của anh được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như “Quê Hương”, “Phượng Hồng”… Anh còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè anh hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình.

Anh sinh tại Sài Gòn. Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của anh. Theo bài phỏng vấn trên báo Vietnam News giữa năm 2005 thì trong khai sinh của anh không có tên cha. Anh được mẹ là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn đến năm 15 tuổi thì mẹ mất. Anh tiếp tục mưu sinh và sau khi tốt nghiệp Tú Tài, anh vào học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Thi sĩ Đỗ Trung Quân.
Thi sĩ Đỗ Trung Quân.

Anh bắt đầu sáng tác vào năm 1979. Một số bài thơ của anh trở thành nổi tiếng như “Hương Tràm”, “Bài Học Đầu Cho Con”…

Anh từng làm việc với tòa báo Sài Gòn Tiếp Thị và là chủ của trang blog nổi tiếng chungdokwan.

Ngày 11/05/2015, Đỗ Trung Quân và gần 20 nhà văn, nhà thơ khác tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam. Trong bản tuyên bố này, các nhà văn, nhà thơ cho rằng tình trạng “suy thoái” của Hội Nhà Văn đã trở nên “không thể cứu vãn”.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng tên thật là Vũ Bảo Hoàng, sinh ngày 23/04/1956 tại Biên Hòa. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, Sài Gòn (1976 – 1979), tốt nghiệp Khoa Sáng Tác – Nhạc Viện Sài Gòn (1984 – 1989). (Theo NS Trần Quang Hải)

dotrungquan_ĐB1

Thi phẩm “Chút Tình Đầu” (Thi sĩ Đỗ Trung Quân)

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng Em chở mùa hè của tôi đi đâu ? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi có gì ? Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp Là áo người trắng cả giấc ngủ mê Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp Giữa giờ chơi mang đến lại… mang về.

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại Ngày khai trường áo lụa gió thu bay… Mối tình đầu của tôi có gì ? Chỉ một cây đàn nhỏ Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.

Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng Em hái mùa hè trên cây Chở kỷ niệm về nhà Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa. (1984)

dotrungquan_Phượng Hồng

Thi khúc “Phượng Hồng” (Nhạc sĩ Vũ Hoàng)

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, Em chở mùa hè của tôi đi đâu, Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mối tình đầu của tôi Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, Là áo ai bay trắng cả giấc mơ Là bài thơ còn hoài trong vở, Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ, Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây, Và mùa sau biết có còn gặp lại, Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Mối tình đầu của tôi Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi, Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu, Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa.

dotrungquan_ĐB4

Thi phẩm “Không Phải Tơ Trời – Không Phải Sương Mai” (Thi sĩ Đỗ Trung Quân)

Mong manh nhất không phải là tơ trời Không phải nụ hồng Không phải sương mai Không phải là cơn mơ vừa chập chờn đã thức Anh đã biết một điều mong manh nhất Là tình yêu Là tình yêu đấy em !

Xem thêm  Lời Bài Hát Tình Xa

Tình yêu, Vừa buổi sáng nắng lên, Đã u ám cơn mưa chiều dữ dội Ta vừa chạy tìm nhau… Em vừa ập vào anh… … Như cơn giông ập tới Đã như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi.

Không phải đâu em – không phải tơ trời Không phải mây hoàng hôn Chợt hồng … chợt tím … Ta cầm tình yêu như đứa trẻ cầm chiếc cốc pha lê Khẽ vụng dại là… thế thôi … tan biến

Anh cầu mong – không phải bây giờ Mà khi tóc đã hoa râm Khi mái đầu đã bạc Khi ta đã đi qua những giông – bão – biển – bờ Còn thấy tựa bên vai mình Một tình yêu không thất lạc … 1987

dotrungquan_KPTT

Thi khúc “Hương Tình Yêu” (Nhạc sĩ Vũ Hoàng)

Không phải là tơ trời Không phải là sương mai Không phải là cơn mơ vừa chập chờn đã thức Em đã biết một điều mong manh nhất Là tình yêu, là tình yêu ngát hương

Tình yêu như buổi sáng nắng lên Ðã ào ạt cơn mưa chiều bất chợt Tình yêu như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi Sao sóng vô tình, sóng lại ngược ra khơi…

Không… phải sương mai Không… phải tơ trời Không phải mây hoàng hôn chợt hồng chợt tím Tình yêu mang bóng dáng pha lê Nên thầm mong không vỡ bao giờ Theo thời gian dẫu mái tóc hoa râm Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu của anh Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung.

Dưới đây mình có bài:

– Mối Tình Đầu Với “PHƯỢNG HỒNG” – Nhạc sĩ Vũ Hoàng: Âm nhạc thực thụ tự nó sẽ có cách “ở lại”

Cùng với 9 clips tổng hợp hai thi khúc “Phượng Hồng”, “Hương Tình Yêu” do các ca sĩ trong nước và hải ngoại diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Thi sĩ Đỗ Trung Quân.
Thi sĩ Đỗ Trung Quân.

Mối Tình Đầu Với “PHƯỢNG HỒNG”

(Yến Lan)

Bài thơ Chút tình đầu của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và trở thành bức thư tỏ tình của nhiều chàng nam sinh bao thế hệ. Ca khúc Phượng hồng cũng khiến hình ảnh hoa phượng trở nên gắn liền với những mối tình tuổi học trò.

Lời ca là những day dứt, luyến tiếc vì mối tình đầu thầm kín của chàng trai- mối tính tuổi học trò gắn liền với hình ảnh phượng hồng rực cháy. Màu hoa đỏ thắm như máu trong tim, như khát khao của tuổi trẻ:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, Em chở mùa hè của tôi đi đâu ? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mỗi năm, khi vào hạ, phượng vẫn lặng lẽ và bừng thắp nỗi nhớ học trò. Lại cũng đều đặn mỗi năm có biết bao mối tình đầu lặng thầm của tuổi học trò đã đi qua bên những cánh phượng hồng đầy lưu luyến. Rời xa ghế nhà trường với biết bao những niềm luyến tiếc chưa thực hiện được càng khiến mỗi người thêm bâng khuâng khi nhìn những hàng phượng vĩ nở rộ.

Mối tình đầu của tôi Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ Là bài thơ còn hoài trong vở, Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.

Ai đã đi qua tuổi học trò đầy mộng mơ, sôi nổi hẳn sẽ dưng dưng trong lòng khi được trở về kí ức với Phượng hồng. Những hình ảnh thật trong sáng, đẹp đẽ về mối tình đầu câm nín của chàng trai 18 tuổi. Đâu rồi những cơn mưa giăng ngoài cửa lớp, tà áo trắng ai bay trắng cả giấc mơ và bài thơ tỏ tình nằm im trong vở… Những cảm xúc rung động đầu đời bao giờ cũng là kỉ niệm đẹp nhất của mỗi con người. Chính vì thế, tình yêu tuổi học trò sẽ mãi không phai mờ trong kí ức của chúng ta. Cái cảm giác chia xa thầy cô, bạn bè và bóng hình người thương mỗi khi hè về sao mà day dứt:

Xem thêm  Lá đổ Muôn Chiều

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ, Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây, Và mùa sau biết có còn gặp lại, Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ hay lòng người đang rối bời nỗi tiếc nuối, chia xa để rồi dẫu có nghỉ hè thì cũng lén đến trường khắc nỗi nhớ lên cây. Trường vẫn còn đây mà người thương đang ở nơi đâu? Mùa khai giảng mới liệu có còn gặp lại tà áo lụa vẫn bay trong gió thu ngày nào? Những hoài niệm, tự sự cứ mãi khắc khoải chìm trong nỗi nhớ:

Mối tình đầu của tôi Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi, Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu, Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

Ở cái tuổi còn vụng về, thơ ngây, bài thơ tình giấu trong cặp sách, nỗi nhớ được khắc lên cây thì hình ảnh các chàng nam sinh ôm cây đàn ghi ta gửi tiếng lòng mình vào lời ca, tiếng hát cũng đã trở thành kinh điển trong thơ ca. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, những chàng trai 17-18 bẻ gãy sừng trâu với bao trò đùa nghịch ngợm, quậy phá, vậy mà đứng trước bạn gái lại ấp úng chẳng nói nên lời. Mối tình đầu nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi để có người không hiểu:

Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa

Nàng thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài trắng với chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng như chở mùa hè đi qua và đi rất xa. Bóng nắng ngập đường cũng như vô tình đồng lõa, xóa nhòa đi bóng dáng thân thương.

Ca từ trong sáng, ý nghĩa cùng những giai điệu đẹp đẽ và rất dễ nghe, dễ nhớ đã giúp Phượng hồng ghi điểm trong lòng khán giả. Tuy Phượng hồng không hề dễ hát, nhưng lúc nào ca khúc này cũng là lựa chọn của rất nhiều ca sĩ. Nếu qua tiếng hát của Tấn Minh, Bằng Kiều, bạn có thể cảm nhận những cung bậc da diết, nồng nàn hoàn toàn khác nhau thì với Đàm Vĩnh Hưng, nhiều người lại tìm thấy một chút mạnh mẽ, cá tính. Từ những giọng ca như Đan Trường, Quang Linh tới những ca sĩ hải ngoại như Elvis Phương, Thanh Tuyền và trẻ trung hơn là Dương Triệu Vũ… đều hơn một lần thử giọng cùng ca khúc Phượng hồng.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng: Âm nhạc thực thụ tự nó sẽ có cách “ở lại”

(Thành Lê)

Có một thực tế, dù không ồn ào liveshow này đêm nhạc nọ, người nghe vẫn biết có một nhạc sĩ Vũ Hoàng luôn “nắm giữ” một góc riêng không trộn lẫn với bất kỳ ai, giữa một đời sống đương đại không thiếu những hư ảo, nhốn nháo…

Từ “Phượng hồng”, “Hương thầm”, “Hương tình yêu” đến “Mùa hè xanh”, “Khát vọng tuổi trẻ”, âm nhạc Vũ Hoàng khi trong trẻo lúc hùng tráng, khi lưu luyến lúc thiết tha, bài nào cũng đầy cảm xúc, cũng rất… bản năng. Như con người anh, sâu sắc, phóng khoáng và hừng hực nhiệt huyết.

***

TL: Có khi nào Vũ Hoàng viết theo đơn đặt hàng không nhỉ?

VH: Có nhiều lời mời, nhưng tôi rất ít viết. Về cơ bản tôi chỉ viết khi nào tôi thích, có cảm xúc mà thôi. Nhiều người cũng hỏi những câu đại khái như anh thường sáng tác lúc nào? Anh gửi gắm điều gì qua bài hát này? Vv và vv. Tôi chỉ nói đơn giản, là nghệ sĩ, thích viết lúc nào thì viết lúc ấy, thích viết về điều gì thì viết điều ấy.

TL: Bây giờ không thiếu những người được gọi là nhạc sĩ. Tuổi đời còn trẻ, học hành khắp Đông Tây. Cơ hội xuất hiện trước công chúng nhiều. Công nghệ quảng bá cũng đã phát triển… Nhưng, thực tế thì chúng ta không có nhiều bài hát hay, đủ sức lay động cả một thế hệ, và hơn thế, vượt qua thời gian như “Phượng hồng” của anh, chẳng hạn…

VH: Đây là câu hỏi khó. Khó để trả lời cũng như không dễ tìm ra căn nguyên. Có những chương trình bỏ ra hàng mấy tỉ, phát sóng ầm ĩ trên kênh truyền hình quảng bá trung ương, ai cũng có thể xem, nghe, và xem nghe lại nhiều lần, nhưng tác phẩm thì lại không mấy người nhớ và hát. Tuy nhiên, giải thích vì sao thì lại rất khó.

Xem thêm  Lời Bài Hát Chiều Hôm ấy

TL: Có thể là chưa chạm tới cảm xúc của người nghe, lúc này, thời điểm mà bài hát ra đời chăng?

VH: Cũng không hẳn. “Mùa hè xanh” tôi viết cách đây 20 năm. Tại sao cho đến hôm nay các bạn sinh viên vẫn thích nghe và hát?

Nhạc sĩ Vũ Hoàng và sinh viên tình nguyện.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng và sinh viên tình nguyện.

TL: Lại đưa ra một giả thuyết, có lẽ, âm nhạc đương đại thiếu cái gọi là chất sống? Hơi thở cuộc sống. Ngày xưa, các nhà văn nhạc sĩ có khái niệm đi thực tế, dấn thân vào cuộc sống nhân dân để lấy cảm xúc và vốn sống rồi về mới viết. Bây giờ thì…

VH: Có lần, các em sinh viên điện thoại kêu ca với tôi. Đoàn thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh đi về bản, cũng có nhạc sĩ trẻ được mời đi theo để sáng tác. Nhạc sĩ đó đến nơi rồi đòi được ngủ… khách sạn. Vũ Hoàng khác. Vũ Hoàng đã dấn thân là cùng ăn bánh mì cùng ngủ lều trại với các bạn sinh viên. Phải uống nước suối ăn rau rừng xắn quần bì bõm lội bùn thì mới hiểu hết đời sống của sinh viên tình nguyện chứ.

TL: Tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí truyền hình, các thông tin về Vũ Hoàng rất ít?

VH: Tôi ngại trả lời phỏng vấn. Nói thật là không biết nói gì. Chẳng lẽ lại kể khi tôi viết “Mùa hè xanh” tôi khổ lắm, hay hạnh phúc lắm. Dở quá không được mà hay quá càng khó coi. Bảo nói vừa vừa chừng mực thôi, biết như thế nào là vừa vừa? Hãy cảm nhận về Vũ Hoàng qua âm nhạc. Cuộc đời Vũ Hoàng là trong sáng tác. Cảm nhận sao về Vũ Hoàng thì cứ viết vậy thôi. Xin đừng hỏi tôi cảm nhận thế nào về mình, hay âm nhạc của mình.

Cũng có người hỏi sao anh không làm đêm nhạc này nọ? Tôi bảo làm làm gì? Không cần có đêm nhạc, người ta vẫn biết Vũ Hoàng vẫn đang sống, và đang viết. Thế là đủ rồi. Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, mục đích sống khác nhau.

Bao nhiêu năm nay, các em sinh viên tình nguyện đã nuôi nấng tác phẩm của tôi. Dù cho tâm lý sở thích thế hệ sinh viên bây giờ đã khác 20 năm trước, nhưng “Mùa hè xanh” thì vẫn có chỗ đứng của nó. Hay như “Phượng hồng”. Tuổi ô mai bây giờ có khác xưa không? Khác nhiều chứ? Yêu cũng khác, mạnh dạn tự tin hơn thời của “Phượng hồng” nhiều. Nhưng các em vẫn hát. Và những “phượng hồng” ngày xưa vẫn còn nhớ. Điều đó cho thấy, nếu nhạc phẩm có được cảm xúc chân xác về cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì tự nó sẽ tìm được cách để “ở lại” trái tim người nghe.

Bài hát "Mùa hè xanh" của Vũ Hoàng gắn liền với phong trào sinh viên tình nguyện.
Bài hát “Mùa hè xanh” của Vũ Hoàng gắn liền với phong trào sinh viên tình nguyện.

TL: Nghe nhạc bây giờ thật khó. Khó để có thể đồng điệu với cả phần lời lẫn phần nghe…

VH: Nghe nhạc thì thời nào cũng khó. Nhưng tôi cho rằng, thế nào thì âm nhạc thực thụ cũng cứ có đất sống thôi. Bây giờ nhạc sĩ nhiều vô kể, ca sĩ cũng nhiều vô kể. Các giá trị thực ảo lẫn lộn. Nhưng nghệ thuật đích thực, những giá trị nghệ thuật đích thực thì chắc chắn sẽ còn lại. Làm nghệ thuật thì trên hết vẫn là cảm xúc, cảm xúc của người sáng tác sẽ quyết định nên số phận tác phẩm.

TL: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

(Thành Lê)

oOOo

Phượng Hồng – Ca sĩ Vũ Khanh:

Phượng Hồng – Ca sĩ Thái Châu:

Phượng Hồng – Ca sĩ Bằng Kiều:

Phượng Hồng – Ca sĩ Đan Trường:

Phượng Hồng – Ca sĩ Tấn Minh:

Hương Tình Yêu – Ca sĩ Thái Châu:

Hương Tình Yêu – Ca sĩ Hà Nguyên:

Hương Tình Yêu – Ca sĩ Lâm Bảo Phi:

Hương Tình Yêu – Ca sĩ Bảo Yến: