Phận của thần linh?

Ví dụ, ta có thể nhắc đến công trình của Eliade, Lévi-Strauss, Dumézil, Wikander, Durchesne-Guillemin v.v… Vì giới hạn của bài viết này, tôi không thể khảo sát những vấn đề chuyên môn được tranh luận như một kết quả của việc nghiên cứu mới này. Nói đúng hơn, điều tôi muốn làm là miêu tả vắn tắt loại trải nghiệm tôn giáo mà ta tìm thấy nơi những khu vực văn hóa cổ đại trước khi xuất hiện tư tưởng triết học. Tôi sẽ tự giới hạn chủ yếu nơi những thần thoại của Ấn Độ và Nhật Bản cổ đại với thỉnh thoảng đề cập đến những ngữ cảnh khác.

Những thần thoại được phản ánh trong Ṛg-Veda của Ấn Độ và Avesta của Iran có nhiều điểm tương đồng – chẳng hạn ở nơi tên của các vị thần và những thuật ngữ khác – cho thấy rằng cả hai hệ thống thần thoại có một nguồn chung vào thời cổ đại. “Chúng ta cần thấy mối liên hệ ở nơi lĩnh vực thần thoại giữa Veda và Avesta là vấn đề quan trọng, mà không phải sự cải cách tôn giáo của Zarathustra, điều tất nhiên xảy ra sau sự tách rời các nhánh Ấn Độ và Ba Tư…”1 Cả hai thần thoại đều có một vị thần liên quan đến mặt trời (Mitra trong Veda = Mithra trong Avesta), một vị thần được gọi là “con trai của sông hồ” (apāṃ napāt trong Veda = apām napāt trong Avesta), và một vị thần được nối kết với soma (Gandharva trong Veda = Grandereva trong Avasta). Từ những bản văn sớm nhất của Ấn Độ và Iran, rõ ràng rằng những người Ấn-Iran thừa nhận hai loại thần linh, thứ nhất là các arura trong Veda hay ahura trong Avesta, và thứ hai là các deva trong Veda và daeva trong Avesta.2 Nhóm trước ban đầu được quan niệm như những vị vua hùng mạnh, đi khắp không trung trên những cỗ xe của họ được kéo bởi những chiến mã phóng như bay, họ có tính cách nhân từ, và hầu như hoàn toàn không có những điểm xấu xa và xảo trá.3

Những bản văn cho biết rằng trải nghiệm tôn giáo của con người thời Veda tập trung vào thế giới này. Có một sự tương quan giữa thế giới tự nhiên, vũ trụ, và đời sống đoàn thể của con người. Con người thực hiện các tế lễ đối với thần linh, và chính các hiện tượng tự nhiên hoặc được thần linh hóa hoặc được nối kết với nghĩa thiêng liêng hầu như ở mọi thời điểm. Những nhà tiên tri Veda ưa thích chiêm nghiệm thế giới tự nhiên và chìm đắm trong sự kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Đối với họ, mưa gió, mặt trời, các vì sao là những thực thể sống và là một phần không thể tách rời đời sống tinh thần. Nhiều bài thánh tụng không nói đến một vị thần mặt trời, thần mặt trăng hay một vị thần lửa v.v…; mà chính mặt trời chiếu sáng, mặt trăng sáng tỏ ở trên bầu trời về đêm, ngọn lửa cháy rực trong lò sưởi hay trên bàn thờ, hay thậm chí ánh sáng chiếu qua đám mây, tất cả là những biểu hiện của cái thiêng liêng huyền bí. Sự thâm nhập thiêng liêng này của thế giới hiện tượng tự nhiên vào đời sống tập thể của con người có thể được xem là hình thức sớm nhất của tôn giáo Veda.

Một thái độ như vậy cũng là đặc điểm của Thần đạo sơ kỳ. Tôn giáo của Nhật Bản sơ kỳ nhấn mạnh lòng biết ơn đối với những tác lực tốt của tự nhiên, trong khi ở một mức độ nào đó cũng nhân nhượng những tác lực xấu. Những tác lực này được gọi một cách dễ dãi là “kami” mà thường được dịch là “thần linh”.

Tiếp theo giai đoạn này là sự xuất hiện những suy nghiệm khác nhau về ý nghĩa của đời sống tôn giáo. Những bài thơ Veda tìm cách khám phá bản chất của hiện tượng tự nhiên. Những nhà thơ diễn đạt những trải nghiệm của bản thân họ thành những hình ảnh thiêng liêng và tìm cách giải thích hiện tượng bằng những nguyên nhân mà chúng giống với trải nghiệm của chính họ. Hiện tượng tự nhiên dần được làm cho quan trọng lên, được biến đổi thành những nhân vật thần thoại, tôn thành thần và nữ thần.

Ví dụ, việc thờ phụng thần mặt trời là một trường hợp dễ thấy.4 Ở Ấn Độ, mặt trời được thần linh hóa là sūrya (tham khảo Phoebus-Apollo, Sol).5 Trong Hindu giáo về sau, việc thờ phụng mặt trời trở thành một nghi lễ tôn giáo quan trọng. Trong các Purāṇa, việc này do các hoàng gia thực hiện, mà họ tự thừa nhận là hậu duệ của mặt trời. Chính Đức Phật được cho là thuộc về một gia đình có tổ tiên từ mặt trời (ādicca-bandhu). Ở Nhật Bản, mặt trời được thần linh hóa là Nữ thần Amaterasu-Ō-mikami (天照大神/ Thiên chiếu đại thần, hoặc 天照大御神/ Thiên chiếu đại ngự thần, hoặc 天照皇大神/Thiên chiếu hoàng đại thần), vị được thờ phụng như là tổ tiên của hoàng tộc. Người ta nghĩ rằng mặt trời giữa trưa được hóa thành thần. Thần thoại tổ tiên mặt trời của hoàng tộc được chấp nhận rộng rãi trong những thị tộc khác nhau cư trú ở Nhật Bản, bao gồm nhiều thị tộc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Khuynh hướng này không có ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Nữ thần Mặt Trời của Nhật Bản được hầu hết tín đồ Thần đạo xem như là một nhân vật lịch sử thật sự, trong khi thần mặt trời của Ấn Độ không như vậy. Về người Hy Lạp, được nói rằng, “Mỗi triết gia Hy Lạp, bất kể vị ấy có nghĩ gì vào lúc trưởng thành, đều được dạy vào thời thơ ấu là hãy xem mặt trời và mặt trăng như những vị thần; Anaxagoras bị truy tố tội bất kính bởi vì ông nghĩ rằng chúng đã chết”6.

Cũng vậy, bình minh được tán dương trong các Veda như là Uṣas, một thiếu nữ xinh đẹp và e ấp. Ở phương Tây, chúng ta có Eos và Aurora, và chúng ta tìm thấy một hình mẫu tương tự của người Nhật ở nơi Nữ thần Waka-hirume-no-mikoto (稚日女尊/Trĩ Nhật Nữ Tôn), sự thần linh hóa mặt trời mọc. Trong các Veda, mặt trăng được thờ phụng như là Soma; ở Nhật Bản, việc thờ phụng mặt trăng không có chứng cứ vững chắc, nhưng thần Tsuki-yomi-no-mikoto (月読尊/Nguyệt Độc Tôn) thì được nhắc đến7. Trong các Veda, gió được thờ phụng như là Vāyu hay Vāta, và sấm sét là Maruts. Chúng ta cũng tìm thấy những điều tương tự ở Trung Quốc và Nhật Bản8. Các Veda đã thần linh hóa nước thành Āpas. Ở Nhật Bản, có thể là nước không được thần linh hóa, nhưng được xác nhận là có một vị thần sống ở trong đó. Ở Ấn Độ, nữ thần của ao hồ, Sarasvatī, xuất hiện vào một giai đoạn sớm. Việc thờ phụng bà được Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayāna) tiếp nhận,9 và bà cuối cùng được giới thiệu vào Nhật Bản, được tiếp nhận như một vị thần dân gian với tên gọi “Benten” (弁財天/Biện Tài Thiên). Việc thờ phụng bà hiện vẫn phổ biến trong dân chúng Nhật.

Tên gọi của những vị thần này ở cả Ấn Độ và Nhật Bản, và cũng ở nơi nhiều quốc gia khác, cho biết nguồn gốc của họ.10 Nhiều nhân vật nổi bật trong thần thoại Ṛg-Veda đã xuất phát từ việc nhân cách hóa những hiện tượng tự nhiên đặc biệt.11

Cũng có những nhân vật khác trong thần thoại Veda nối kết mật thiết hơn với đời sống của cộng đồng. Họ được kính trọng như những nhân vật hùng mạnh, được phân biệt thông qua những việc làm thần kỳ của họ. Nhóm này thuộc về Indra, Varuṇa, Mitra, Viṣṇu, Pūṣan, hai vị Aśvin (nghĩa đen là kỵ sĩ, có thể so sánh với dioskouroi của Hy Lạp) và Rudra. Thần Aditi (vô hạn), tương ứng với Apeiron (không giới hạn) của Hy Lạp, được cho là không trung, mẹ, cha và con. Bà bao hàm tất cả.

Trời được nhân cách hóa và thần linh hóa thành Dyaus trong Veda, và nhân vật tương ứng trong tôn giáo Hy Lạp giống nhau về mặt ngữ âm là Zeus (=Dyaus). Tuy nhiên, Zeus là một nhân vật phức tạp hơn nhiều, giống một con người hơn Dyaus của Veda. Những thi sĩ của Ṛg-Veda nói đến Thiên phụ với hình thức xưng hô “Dyauṣ pitaḥ”12 (hỡi Thiên phụ!), điều tương tự với “Zeus pater” trong tiếng Hy Lạp và “Juppiter” (Jovis Pater = fatherly Jove) trong tiếng La-tinh. Ở Trung Quốc cổ đại, trời được gọi Thần chủ. Vua Chu tự gọi mình là “Thiên tử”, và nhà Chu (周朝) biện minh với dân chúng rằng việc xâm chiếm nhà Thương (商朝) của họ là theo mệnh lệnh của trời (天命/thiên mệnh). Họ như vậy là những người trung gian giữa con người và thế giới tự nhiên.13 Nơi thần thoại Nhật Bản, trời không phải là một vị thần mà là nơi các vị thần cư ngụ, hoàn toàn khác với Dyaus hay Varuṇa của Ấn Độ và Zeus của Hy Lạp. Tuy nhiên, nó giữ một vị trí cốt yếu trong thần thoại Nhật Bản. So sánh với những truyền thống khác, việc thờ phụng trời không phát triển đầy đủ ở Ấn Độ.

Xem thêm  Cập nhật nhiều hơn 15 cách làm logo team không thể bỏ qua

Trái đất được gọi là một người mẹ trong Ṛg-Veda. Đây cũng là trường hợp ở trong tôn giáo Hy Lạp,14 mà không có trong Nhật Bản cổ đại.15 Trong các thánh tụng của Ṛg-Veda, trời và đất thường cùng được cầu khẩn trong hình thức một cặp đôi như Dyāvāpṛthivī. Ở Thessaly, Zeus được thờ phụng cùng với nữ thần tương ứng, Dione, những Dione về sau bị lãng quên.16 Quan niệm về trời và đất là cha mẹ chung có lẽ có nguồn gốc từ thời cổ xưa, vì quan niệm này phổ biến nơi thần thoại Trung Quốc và thần thoại New Zealand, và có thể được suy ra từ nơi thần thoại Ai Cập.17

Thần lửa,18 Agni (La-tinh: Ignis; Anh: Ignition) là vị thần tối cao trong các tế lễ ở Ấn Độ. Lửa mang những đồ cúng tiến từ mặt đất lên cho các vị thiên thần. Có một sự thật được nhiều người biết đến rằng lửa được kính trọng trong tôn giáo của Iran, và trong những người Parsi. Ở Nhật Bản, thần lửa được thờ phụng dưới tên gọi Kagu-tsuchi (người cha sáng chói)19 hay Homusubi (bốc lửa lên). Quan điểm lửa như là thứ tỏa khắp là điểm chung đối với cả Ấn Độ và Nhật Bản cổ đại.20 Nhưng khó để nhận biết đặc điểm của thần lửa của người Ấn cổ đại. Mặc dù lửa cốt yếu đối với việc hiến tế của những chủng tộc Ấn-Âu, Thần Lửa (Agni), vốn rất phổ biến trong tôn giáo Ṛg-Veda, dần đánh mất vị thế trước đó của nó. Một khái niệm về lửa như nguyên lý cơ bản của vũ trụ, như được Heraclitus chủ trương, không xuất hiện nơi những triết gia Hindu, những người tìm kiếm một trạng thái phần nào tịch lặng và bình yên.

Trong số nhiều vị thần của người Ấn thời Veda, Indra là vị thần nổi tiếng nhất. Được trang bị vũ khí sấm sét, ngài được tin đã giết chết một ác quỷ được gọi là Vṛtra. Biệt danh chính và riêng của ngài là Vṛtrahan (Kẻ giết chết Vṛtra). Indra Vṛtrahan, Thần Indra giết ác quỷ, xuất hiện nơi Avesta với khả năng của Indra đã được thay đổi, và như một vị thần Vərəthragna chiến thắng (một sự thay đổi rõ ràng được tạo ra bởi sự biến đổi thần thoại do việc cải cách tôn giáo của Zarathustra tạo ra). Nhiều học giả nghĩ rằng Indra vốn là một vị thần sấm sét, và rằng những ngọn núi mà ở đó nước bao bọc xung quanh tượng trưng cho những đám mây. Vṛtra – ác quỷ hạn hán – được nghĩ đã giam cầm nước.21 Có nhiều thánh tụng trong các Veda nói về Indra. Bởi vì những người Aryan thời Veda vẫn đang đánh nhau một cách bạo lực với người bản xứ, Indra được trình bày như một vị thần vô cùng hiếu chiến. Sức mạnh khủng khiếp và tính hiếu chiến của ngài được mô tả lặp đi lặp lại. Những thi sĩ Veda đặc biệt thích liên hệ những trận đánh của Indra với các ác quỷ, mà ngài đã hủy diệt chúng bằng sấm sét của mình. Trời và đất đã run sợ khi Indra giết Vṛtra. Ngài hủy diệt rồng không chỉ một lần, mà tái diễn nhiều lần, và ngài luôn được thỉnh cầu giết Vṛtra trong tương lai để giải phóng nước. Ngài có thể được xem giống như Teutonic Thunar, vị luôn vung cái búa sấm sét Mojohnir.

Vào thời kỳ đầu tiên, Indra hiếu chiến rõ ràng là chúa tể của các vị thần. Ngài giống với Zeus22 của Olympus của Hy Lạp, hay Jupiter của những người La Mã mà họ liên hệ sự có mặt của ngài với chúa tể của các thần linh.23 Những đặc điểm của Zeus thì rất giống với những đặc điểm của Indra,24 và tuy vậy ngài có một đặc điểm mà nó thiếu ở nơi Indra: Zeus hành động như quan tòa công chính. Đặc điểm này cũng vắng mặt ở nơi huyền thoại Nhật Bản. Người ta cho rằng những vị thần của thần thoại Nhật Bản không làm công việc xét xử. Đây là một đặc điểm mà nó đóng vai trò quan trọng nơi tư duy pháp lý của những quốc gia Đông Á. (Một ngoại lệ là Yama, vị cai quản người chết nơi thần thoại Veda. Trong Đại sử thi, ngài trở thành vị xét xử người chết. Nhân vật này du nhập vào trong Đạo giáo Trung Quốc, và sau đó vào trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản. Ngài được gọi là “enma”, sự phiên âm của Nhật Bản từ Sanskrit “Yama”. Nhưng ở Trung Quốc và Nhật Bản, ngài có phần được xem là xa lạ đối với quần chúng nói chung). Trong thần thoại Nhật Bản, ta có thể tìm thấy một số nhân vật tương ứng với Indra, chẳng hạn như thần sấm sét (Narukami/鳴神/Minh Thần) v.v… Thần bão tố Susano-wo-no-mikoto (須佐之男命)25 đã giết một con rồng tám đầu bằng một thanh gươm thần diệu, mà nó được cho do hoàng tộc truyền lại như một biểu tượng của vương quyền. Tính cách mạnh mẽ và đôi khi tàn bạo là hoàn toàn giống với tính cách của Indra. Tuy nhiên, trong khi Indra thuần túy là một vị thần, Susano-wo-no-mikoto vừa là một vị thần và đồng thời là một con người, và xuất hiện ở nơi một khung cảnh lịch sử như một người bà con của tổ tiên hoàng gia Nhật.

Trong số những vị thần được đề cập ở trên của tôn giáo Veda, những vị thần sinh sản không được thấy rõ. Ngược lại, những vị thần dạng như vậy dễ nhận thấy nơi Thần đạo sơ kỳ. Vị thần của sự sinh trưởng (musubi) là một sự nhân cách hóa một đặc điểm sinh sản trừu tượng. Tajikara-no-wo (天手力男神/Thiên thủ lực nam thần) là một dạng người được nhân cách hóa và nâng lên thành hàng thần.

Toàn bộ những vị thần Veda đôi khi được gọi chung là “tất cả thần” (viśve devāḥ). Trước đây, “tất cả thần” có con số lên đến 3.339 vị, phản ánh ba phương diện của thế giới: đất, không khí và bầu trời.26 Ở Nhật Bản cổ đại, có một khái niệm tương tự là “vô số thần” (nghĩa đen là “tám triệu thần” [Yao-yorozu-no-kami-gami]). Con số các vị thần trong Thần đạo luôn thay đổi bất thường. Một số bị lãng quên và một số được tái hình thành về sau dưới tên gọi mới; hoặc mặt khác, toàn bộ những vị thần mới được bổ sung vào hệ thống chư thần. Tính cách của vô số những vị thần này thì không rõ ràng. Tuy nhiên, tương tự như sự phân chia giữa những vị thần Olympia và những vị thần huyền bí ở trong thần thoại Hy Lạp, một sự phân chia được thực hiện giữa những người con của Thần Bão và những vị thần liên quan đến Nữ thần Mặt Trời (Ama-terasu – Ō-mi-kami). Trong thần thoại Nhật Bản, “lĩnh vực hữu hình” thuộc về nhóm sau, còn “lĩnh vực vô hình” thuộc về nhóm trước.

Những vị thần27 trong Ṛg-Veda được thỉnh mời đến ăn như những vị khách vào những lễ cúng. Họ lấy đồ ăn và uống rượu; họ được cầu khấn, tôn thờ, được làm cho nguôi giận, hài lòng. Con người có sự liên hệ trực tiếp với thần linh mà không có bất kỳ sự trung gian nào; các vị thần được xem như những người bạn thân thiết của những người phụng thờ họ. Họ được nói đến với những từ như “Thiên Phụ”, “Địa Mẫu”, “Angi anh em”. Có một mối liên hệ rất mật thiết giữa con người và thần linh, và mọi hiện tượng hàng ngày được xem là phụ thuộc vào thần linh. Trong cùng cách, những dân làng Nhật Bản đôi khi cầu nguyện những vị thần riêng lẻ, đôi khi cầu nguyện những vị thần cụ thể, và đôi khi chư thần nói chung. Những lời cầu nguyện bao gồm những lời cầu xin mưa, mùa màng bội thu, được bảo vệ trước những trận động đất và hỏa hoạn, cầu xin con cái, sức khỏe và thọ mạng cho vua, và cầu nguyện hòa bình và thịnh vượng cho quốc gia.28 Ở mức độ nào đó, phương diện vật lý của những vị thần trong Ṛg-Veda mang hình hài con người, giống như phương diện vật lý của những vị thần Hy Lạp; đầu, mặt, mắt, cánh tay, bàn tay, chân, và những bộ phận khác của cấu trúc con người được gán cho họ; tuy nhiên hình thù của họ thường không rõ và chân tay của họ thường chỉ mang nghĩa ẩn dụ để miêu tả những hoạt động của họ. Do đó, lưỡi và chân tay của thần lửa chỉ là những ngọn lửa của ngài, tay của thần mặt trời chỉ là những tia chiếu của ngài, trong khi mắt của ngài tượng trưng cho hình mặt trời.29 Các vị thần không phải luôn mang đặc điểm đạo đức. Họ thường mang những nhược điểm của con người và dễ được làm cho vui lòng bằng sự nịnh hót. Họ ban tặng lợi ích để đổi lấy đồ cúng được dâng cho họ. Ở nơi một thánh tụng, các vị thần bàn bạc về những gì họ nên trao. “Đây là điều ta sẽ làm – không phải điều kia; ta sẽ ban cho ông ta một con bò hay một con ngựa đây? Ta muốn biết là ông ta có thật sự cúng rượu Soma cho ta hay không.”30 Một luật đơn giản về cho và nhận trở nên phổ biến.

Xem thêm  Top 10 games to play on Australia Day - Brisbane Kids

Trong tôn giáo Hô-me, chúng ta thấy các vị thần được sắp xếp theo cấp bậc, được tổ chức như một gia đình thần linh, nằm dưới sự cai trị của một vị thần tối cao.31 Giống như những vị thần trong Veda, họ là những con người, nhưng họ không phải là những con người mơ hồ và không rõ ràng; họ là những vị thần cụ thể và thuộc con người có tính cách mạnh mẽ và được xác định rõ ràng.32 Họ không phải là những thần linh, mà là những con người bất tử có thân xác và linh hồn siêu nhân.33 Một sự phân chia các vị thần tỉ mỉ như vậy với những tính cách cụ thể là hoàn toàn khác với khái niệm của Veda về thần linh. Ta có thể hoài nghi rằng những vị thần trong Veda đại diện cho một giai đoạn sớm hơn trong việc phát triển thần thoại, nhưng đặc điểm riêng của mỗi vị thần trong Veda hay Ấn giáo không rõ ràng trong những thời kỳ về sau. Sự khác nhau không phải là sự khác nhau của giai đoạn phát triển, mà đúng hơn là sự khác nhau về bản chất những khái niệm riêng về thần linh. Những vị thần trong các thần thoại Ấn Độ có ít nét đặc trưng riêng, và cuối cùng những nhà tư tưởng Hindu chính thống đi đến phủ nhận tất cả tính cách dành cho các vị thần. Ví dụ, Indra, vị thần rất được kính trọng trong Ṛg-Veda, đi đến được xem như chỉ là một danh xưng chung – tức là người sùng đạo nào nắm giữ vị trí đó thì được gọi bằng danh xưng “Indra”. Vị ấy không phải là một người cụ thể.34 Trong sự nối kết với vấn đề tính cách của các vị thần, chúng ta có thể chỉ ra rằng trước khi Phật giáo xuất hiện, Bà-la-môn giáo không có các tượng thần. Nghệ thuật Ấn Độ có thể truy nguyên nguồn gốc chính yếu từ thời đại Maurya, khi Phật giáo hưng thịnh.

Ở Nhật Bản, nơi những thời kỳ về sau, được khẳng định có chủ ý rằng mọi thứ ở trong thế giới tự nhiên đều thiêng liêng. Kitabatake Chikafusa (1293-1354) nói: “Đất nước chúng ta do hai vị thần, nam và nữ tạo lập. Ngay cả sông núi và cây cối của đất nước này tất cả đều có tên gọi thiêng liêng. Thần núi là Oyama-tsumi, thần nước là Mizahanome, thần biển là Wadatsumi-no-mikoto, thần hải cảng là Haya-aki-tsuhi-no-mikoto, thần đất là Haniyasu, thần lửa là Kagutsuchi, và thần gió là Shinatobe-no-mikoto. Không có một mảnh đất nhỏ bé nào mà ở đó không có thần. Kỳ lạ thay, mọi thứ có thể xúc chạm, nghe hay nhìn thấy đều mang bản chất thần thánh. Còn những gì nữa khi ta nhìn lên bầu trời, thần mặt trời mà ngài chiếu sáng ban ngày là Ō-hirume-muchi-no-mikoto, đấng tổ tiên tối cao của hoàng gia chúng ta, trong khi mặt trăng soi sáng ban đêm là Tsuki-yomi-no-mikoto, và Shihatobe-no-mikoto là thần gió, vị đã thổi bay tất cả mọi uế nhiễm. Và hơi thở quý giá của một người, mà đó là hơi thở cuộc sống của người ấy, chính là vị thần này. Do đó người ấy không được lạm dụng nó.”35 Motoori Norigana, nhà nghiên cứu Thần đạo xuất chúng đầu thời kỳ hiện đại, nói: “Thuật ngữ kami được áp dụng trước hết cho những vị thần Trời và Đất khác nhau mà họ được đề cập trong những tài liệu cổ, cũng như những linh hồn (mi-tama) của họ cư ngụ trong những miếu thờ mà ở đó họ được thờ cúng. Ngoài ra, không chỉ con người, mà chim muông, cây cối, sông núi, biển cả và tất cả những thứ khác mà chúng xứng đáng được kính trọng và nể sợ bởi sức mạnh phi thường và vượt trội mà chúng có, đều được gọi là kami. Chúng kiệt xuất không nhất thiết vì sự cao quý, lòng tốt, và hữu ích vượt trội. Những sinh vật độc ác và kỳ dị cũng được gọi là kami, nếu chúng là những đối tượng tạo nên nỗi sợ hãi chung. Trong số những kami mà họ là con người, tôi cần đề cập đến những Mikado… Trong số những thứ khác, có sấm sét (tiếng Nhật là Naru kami hay Minh thần/鳴神), rồng, tiếng vang (trong tiếng Nhật được gọi là Kodama/木霊), và cáo, mà chúng là kami bởi bản chất kỳ bí của chúng. Thuật ngữ kami được dùng trong Nihongi và Manyōshū – một tuyển tập thơ cổ – để chỉ cho cọp và chó sói. Izanagi đã đem cho trái đào, và cho đồ trang sức đeo quanh cổ, những tên gọi mà nó ngụ ý rằng chúng là kami… Có nhiều trường hợp về biển và núi được gọi là kami. Nhưng đó không phải chỉ cho những vị thần của biển và núi. Từ này được áp dụng trực tiếp cho chính biển hay núi, như là những thứ rất đáng kinh sợ.”36

Đặc điểm khác của Thần đạo là sự thật rằng nhiều vị thần Nhật Bản được xem là những con người lịch sử có phẩm chất cao quý. Đối với người Nhật cổ đại, thế giới thần thoại và thế giới tự nhiên thâm nhập lẫn nhau đến một mức độ mà những hoạt động của con người được giải thích và chấp nhận dưới dạng những gì mà kami, tổ tiên hay những vị anh hùng, đã làm ở thời ban sơ. Toàn bộ đời sống của con người và vũ trụ là thiêng liêng, được thấm nhuần bản chất kami.

Nguyên Hiệp dịch

(Nguồn: Hejima Nakamura, A Comparative History of Ideas, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi 1992, tr.26-35)

______________

(1) A. A. Macdonell, Comparative Religion, p.60.

(2) The Concise Encylopedia of Living Faiths. Edited by R. C. Zaehner. New York, Hawthorn Books, Inc. 1959, p.210.

(3) A. A. Macdonell, Comparative Religion, p.60.

(4) Trong thần thoại Ai Cập, “Người ta nói ở trong Turin Papyrus rằng, Thần Mặt Trời là Khepera vào buổi sáng, Ra vào buổi trưa, và Atum vào buổi tối, nhưng sự phân biệt không bao giờ được thực hiện một cách nhất quan; ví dụ, một cổ thư miêu tả mặt trời mọc là Ra và mặt trời lặn là Khepera.” James George Frazer, The Worship of Nature, vol. I (London: Macmillan and Co., Ltd., 1926, vol. 1, p.559). “Thần Mặt Trời Tum hay Atum nguyên thủy là vị thần địa phương Heliopolis, và vào thời kỳ này, nơi mọi trường hợp, ngài được xem là một hình thức của vị Thần Mặt Trời vĩ đại Ra, và nhân cách hóa mặt trời lặn với Khepera, đối nghịch với mặt trời buổi sáng”. (Ibid., p.570). Ở Nhật Bản, người ta cũng quan niệm thần mặt trời như một vị nam thần, Hiruko hay Hiko, nhưng quan niệm về thần mặt trời như một nam thần không phát triển. Trong Ryukyu, mặt trời được gọi là “Tedako”, là một nam thần. Genchi Katō, Shintō no Shūkyō Hattatsushi teki Kenkyū, Tokyo, Chūbunkan, 1935, p.38. “Ở Babylonia, Thần Mặt Trời Shamash luôn là giống đực, nhưng ở Nam Arabia, tên gọi Shams của ngài là thuộc giống cái.” (Frazer, op. cit., vol. 1, p.529). Những người Angami Naga đã nhân cách hóa mặt trời khi xem mặt trời như là nữ giới, vợ của mặt trăng, mà được họ xem như là một nam giới (Frazer, ibid., p.635).

Xem thêm  100+ hình nền desktop máy tính LMHT 4K cực đẹp 2023

(5) Heinrich Robert Zimmer, Philosophies of India (New York, Pantheon Books, 1951), p.10.

(6) B. Russell, A History of Western Philosophy, in lần thứ năm, (New York: Simon and Schuster, 1945), p.204.

(7) Trong những tác phẩm cổ điển của Nhật Bản, thần mặt trăng được xem như một nam thần với tên gọi Tsukiyomi-no-otoko. (Manyōshū, vols. 4; 6. Genchi Kato, Shinto no Shūkyō Hattatsushi teki Kenkyū, Tokyo, Chūbunkan, 1935, p.38f.)

(8) Gió cũng được thần linh hóa ở Nhật Bản, và được gọi là Hayachi. Ở Trung Quốc, thần gió được nhân cách hóa một cách rõ ràng ở nơi những danh xưng như “Phong chủ” hay “Phi hành chủ”. Katō, Shintō, p.26f.

(9) Ngay ở trong văn học Phật giáo không thuộc Kim Cương thừa, Sarasvatī là một nhân vật quan trọng. Tham khảo kinh Suvarṇaprabhāsa (kinh Kim quang minh).

(10) Chúng ta có thể đề cập thêm nhiều trường hợp tương tự. Ví dụ, thần mưa trong Veda, Parjanya, về từ nguyên giống với thần sấm sét của người Lithuania, được gọi là Perkunas. Tham khảo Friedrich Max Muller: India. What can it teach us? Loạt bài giảng được trình bày tại Đại học Cambridge, London, Longmans, 1910 Lecture VI, pp.189-192. Những trường hợp khác thuộc loại này cũng được đề cập trong tác phẩm này.

(11) H.A. Frankfort, John A. Wilson, Th. Jacobson, Before Philosophy; the intelectual adventure of ancient man. An essay on speculative thought in the Ancient Near East. Middlesex, 1951, (A Pelican Book), pp.12-13.

(12) Ṛg-Veda, Vi, 51, 5, ect.

(13) Ewin O. Reischauer and John K. Fairbank, East Asia. The Great Tradition, Boston, Houghton Mifflin Company, 1958, p.50. Thảo thuận đầy đủ của T’ang Chun-I (Thiên mệnh nơi Trung Quốc tiền Tần, Philosophy East and West, vol. XI, No. 4, Jan. 1962, pp.195-218). Honer H. Dubs cố gắng tìm thuyết hữu thần ở nơi Trung Quốc tiền Hán (Theism and Naturalism in Ancient Chinese Philosophy, Philosophy East and West, vol. IX, Nos. 3 and 4, Oct. 1959-Jan. 1960, pp.145-162).

(14) “Nữ thần Đất thực sự của người Hy Lạp là Gaia hay Ge, mà tên của bà có nghĩa là không có điều gì ngoài mặt đất vật chất, và luôn được những tác giả Hy Lạp từ thời cổ xưa nhất đến gần đây sử dụng ở nghĩa này.” (Frazer, Worship of Nature, vol. 1. p.318).

(15) Ở Nhật Bản, đất không được thần linh hóa, hoàn toàn khác với Pṛthivi-mata của Ấn Độ và Gaiga hay Demeter của Hy Lạp mà đó là sự thần linh hóa trái đất. Trái đất phần nào được xem như lối vào Hades (Yomi-no-kumi; tức là cõi tối tăm), một nơi đầy hiểm nạn. (Katō, Shinto, op. cit., p.43f).

(16) George Aaeron Barton, The Religions of the World, 3rd ed. Chicago, University of Chicago Press, 1929, p.247.

(17) Izanagi và Izanami ở trong thần thoại Nhật Bản có thể là những nhân vật được thần linh hóa từ trời và đất, nhưng ở đó vẫn không có bất kỳ đặc điểm gì để thừa nhận một cách chắc chắn một sự phỏng đoán như vậy.

(18) “Lửa là một ví dụ tuyệt vời về một hiện tượng được thờ phụng mà thực chất không hàm ý có một vị thần ở trong đó. Thậm chí những người Aryan văn minh trong Veda xem ngọn lửa bốc cháy là một sinh vật sống mà nó nuốt những đồ vật dâng cúng, trong khi nó cũng làm việc như sứ giả của các thiên thần. Họ không cầu nguyện một vị thần lửa mà lửa chính nó được tưởng tượng trong hình hài thấy tế nhưng vẫn thuộc thế giới hiện tượng, một sinh vật thiêng liêng có đầy sinh lực và sức mạnh.” (W. Hopkins, Origin and Revolution of Religion, New Haven, Yale University Press, 1923, p.50).

(19) Ho-musubi-no-kami thì giống như Kagutsuchi-no-kami trong Kojiki.

(20) Thờ lửa ở Nhật Bản được ghi nhận ở nơi Hi-shizume-no-matsuri-no-norito trong Engishiki, mà theo đó Ho-musubi-no-kami (Thần Lửa) điều khiển những thể thức lửa khác nhau (tham khảo Vedic Vaiśvānara Agni) không được phân biệt rõ với ngọn lửa vật lý có thể nhận biết bằng các giác quan (tham chiếu Vedic Agni). (Katō, Shinto, p.24f). (Engishiki, vol. 8, Kokushi Taikei, vol. 13. p.271). Thờ lửa cũng tồn tại trong những người Ainu (Katō, op. cit., p.1002f.)

(21) Gần đây, có một thuyết mới cho rằng vṛtra có nghĩa là một cái đập nước, thần thoại trình bày sự thật lịch sử rằng những đập nước được xây dựng bởi dân chúng của nền văn minh Indus đã bị những người xâm lăng Aryan hủy hoại. (Damodar Dharmanand Kosambi, An Introduction to the Study of Indian History. Bombay, Popular Book Depot, 1956). Nhưng để chứng minh thuyết này, từ vərəthra ở trong Avesta cũng phải được giải thích tương tự.

(22) “Zeuz, vị chúa tể hùng mạnh, nắm lấy dây cương của một cỗ xe ngựa có cánh, dẫn đường lên cõi trời, sai bảo tất cả và bảo vệ tất cả; và ở đó đội quân gồm các vị thần và á thần đã đi theo ngài, được sắp xếp thành 11 đội.” (Plato, Phaedrus, 246-247. Bản dịch Anh ngữ của Jowett, 3rd ed. Oxford University Press, Humphrey Milford, 1892, vol. 1, p.453). Điều này tương tự như nhân vật Indra trong Ṛg-Veda.

(23) Trước đây, P. Deussen đã đưa ra giả thiết sau: Nói chúng, sự thay đổi vị trí của vị thần chính tương ứng với sự khác nhau của những thời kỳ văn hóa: Vào thời kỳ xâm lược, vị thần của cõi trời (Ouranos, Dyaus) là quan trọng nhất; vào thời kỳ thuộc địa, vị thần của mệnh lệnh (Varuṇa, Chronos) là quan trọng nhất; và vào thời kỳ cai trị của những anh hùng thì vị thần của sức mạnh (Indra, Zues) là quan trọng nhất. (Paul Deussen, Allgemeine Geschichte der Philosophie I, Vierte Auflage, Leizig, F. A. Brockhaus, 1920, S. 83)

(24) Macdonell, Comparative Religion, p.95.

(25) Susano-wo-no-mikoto là một sự thần linh hóa bão tố, giống như Pallas Athene Hy Lạp, Rimmon của Babylone, hay Indra của Veda. Trong các cổ thư Nhật Bản, thần mưa được gọi là Kura-okami, Taka-okami, hay Mizuha-no-me. Okami có nghĩa là “thần rắn” (Katō, Shinto, p.47f). Thần sấm sét được tìm thấy ở nơi nhân vật Narukami (nghĩa đen là thần sấm sét). (Mannyōshū, vol. 8; tham chiếu Katō, Shinto, p.30f). Về sau thần sấm sét được gọi là Takatsu-kami hay Kandoki-no-kami (trong Engishiki, 8 và 3, Kokushi Taikei 13, pp.269; 134; 108). Nơi một số miếu thờ Nhật Bản, thần sấm sét được thờ phụng nhằm cầu cho mùa màng bội thu giống như Thor của người Đức. (Katō, Shinto, p.47f). Với việc du nhập Phật giáo, việc thờ Indra được giới thiệu vào trong Thần đạo tại Tenman. Trong những điện thờ Tenmangū (天満宮), Indra cũng được cầu khấn.

(26) Ṛg-Veda, III, 9, 9.

(27) Trong những ngôn ngữ khác, daeva, tivar, diewas, dia. (P. Deussen, Geschichte, op. cit., I, p.39.

(28) ERE, XV, p.468.

(29) Macdonell, Sanskrit Literature, pp.71-72. (30) Hermann Oldenberg, Ancient India: Its language and religions. Chicago, London, Open Court Publishing Company, 1896, p.1.

(31) Jane Ellen Harrison, Themis, A Study of the social orgins of Greek religion. Cleveland and New York, The Worlding Publishing Company. Meridian Books, 1962, p.134.

(32) Sophocles, Oedipus Coloneus, được đề cập trong S. Radhakrishnan, Eastern Religions and Western Thought (New York: Oxford Unviversity Press, 1959. A Galaxy Book), pp.4-5.

(33) Macdonell, Comparative Religion, p. 94.

(34) Śaṅkara ad Brahmasūtrabhāṣya I, 3, 28. (Ānadāśrama Sanskrit Series, No. 21. Poona, Anandasrama Press, 1900). Tham chiếu Richard Garbe, The Philosophy of Ancient India, Chicago, The Open Court, 1897, p.36.

(35) Jinnō-shōtō-ki, vol. 1.

(36) Theo bản Anh ngữ của W.E.Aston, ERE, XI, p.463.