Vũ Thành An đời đá Vàng Lời Bài Hát

Năm 21 tuổi, nhạc sĩ Vũ Thành An ra mắt ca khúc đầu tiên với khán giả yêu nhạc là bài Tình Khúc Thứ Nhất (thơ Nguyễn Đình Toàn). Từ đó về sau, Vũ Thành An luôn là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình Việt Nam.

Một năm sau đó, ông tiếp tục ra mắt ca khúc có thể xem là bài nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình: Bài Không Tên Cuối Cùng, được sáng vào tác năm 1965 để từ giã mối tình sâu đậm với 1 nữ sinh viên trường Luật.

Tuy là Bài Không Tên Cuối Cùng nhưng lại được sáng tác đầu tiên, với ý nghĩa đó sẽ là nỗi đau cuối cùng. Thời gian sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An viết thêm một loại bài không tên khác được đánh số Bài Không Tên từ số 1 đến số 9. Tất cả đều được công chúng đón nhận và yêu thích suốt 50 năm qua.

Nhạc sĩ Vũ Thành An năm 1973

Sau năm 1975, nhạc sĩ Vũ Thành An viết thêm nhiều ca khúc không tên khác nữa, trong đó nổi tiếng nhất là bài số 12 (Bên Nhau Chiều Gió Lộng), bài số 37 (Rưng Rưng Lệ), và đặc biệt là bài số 40, được mang tên Đời Đá Vàng.

Ca khúc này được Vũ Thành An hoàn thành năm 1993 tại Hoa Kỳ, nhưng trong hồi ký của mình, ông kể rằng những lời hát đầu tiên của Đời Đá Vàng đã được hình thành từ năm 1974. Khi đó ông mới 31 tuổi nhưng đã đạt được những thành tựu lớn về danh vọng mà nhiều người phải mơ ước.

Năm 30 tuổi, Vũ Thành An đã là Trưởng Ty Thông Tin Gia Định. Năm 31 tuổi, ông nhậm chức Vụ trưởng Vụ văn hóa, trải qua nhiều vị trí như Giám đốc báo chí, Chánh sở Chương trình kiêm Chánh sở kế hoạch của Đài phát thanh Sài Gòn, đồng thời đã là một nhạc sĩ nổi tiếng đã gần 10 năm. Đường công danh rực rỡ như vậy, nhưng cũng chính thời điểm đó, một đôi lần ông vẫn cảm thấy đời mình chông chênh như là bị mất phương hướng.

Xem thêm  Lời Bài Hát Tiếng đàn Ta Lư

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng vào một ngày của khoảng cuối năm 1974, ở một mình trong gian phòng với tâm trạng tồi tệ, ông đứng nhìn vách tường thẳng đứng trước mắt, cảm tưởng như mình là con thạch sùng đang bò trên vách dựng, rồi những câu hát vang lên trong đầu:

Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầuTa tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đauƯớc vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nàoSuốt đời còn ước ao khát vọng còn cấu cào

Vì sao một người mới 31 tuổi, đã có tất cả hào quang danh vọng như Vũ Thành An, nhưng lại tự thấy mình như một con thạch sùng nhỏ bé không leo nỗi qua vách sầu của cuộc đời, và mang suy nghĩ rằng “ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào”? Có lẽ sẽ không ai trả lời được câu hỏi đó, cho đến khi gần đây, chính nhạc sĩ đã lên tiếng giải thích về những câu hát này.

Ông nói rằng thói đời thường là con người có tham vọng rất lớn. Người có quyền thì say mê quyền lực, người có của thì luôn tham lam muốn nhiều hơn nữa, không bao giờ có giới hạn. Vì vậy, với nhiều người, những thành tựu có được không bao giờ là đủ, bao giờ cũng thấy thiếu, nên suốt đời vẫn còn ước ao, khát vọng vẫn luôn cấu cào.

Trong một phút giây nào đó nghĩ về thời thế, nhạc sĩ Vũ Thành An đã buông lời thở dài:

Ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiềnTa xin tháng ngày rồi bình yênÔ hay tại sao ta sống chốn nàyQuay cuồng mãi hoài, có gì vui?

Tuy nhiên bài hát này chỉ dừng lại ở đó, với những lời than van không đoạn kết, nhạc sĩ dự định khi nào có cảm hứng sẽ viết tiếp.

Xem thêm  Lời Bài Hát Lời Của Gió

Không ngờ rằng bài ca bị dang dở đến gần 20 năm.

Sau năm 1975, vì có chức vụ quản lý về báo chí, truyền thông trong chính quyền cũ, nhạc sĩ Vũ Thành An bị giam giữ đến 10 năm.

Năm 1985, ông được tự do trở về thì gia đình đã ly tán, vợ và con đã ở bên kia bờ đại dương. Năm 1986, ông gặp một người phụ nữ khác, đã góa chồng từ năm 1972, bà ở vậy để nuôi con suốt 15 năm với sự tất cả sự vất vả, chịu thương chịu khó, xây dựng cuộc sống bằng đôi tay mềm yếu vào thời điểm mà ai cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thương người đàn bà hiền hậu, giỏi giang, Vũ Thành An đã hỏi cưới chỉ sau 1 năm quen nhau.

Năm 1991, họ sang định cư tại Hoa Kỳ. Sau 2 năm vất vả xứ người, vào một ngày mùa đông năm 1993, ở trong căn phòng nhìn ra ngoài trời mưa tuyết lạnh giá, sau khi trải qua một đoạn đời đau thương, Vũ Thành An có tâm trạng để viết tiếp và hoàn thành đoạn cuối của ca khúc Đời Đá Vàng:

Có một lần mất mát, mới thương người đơn độcCó oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêuQua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng vềCó một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng.

Ông đã viết đoạn cuối bài hát dang dở của 20 năm trước đó để nói về người vợ hiện tại của mình. Cả hai đều đã đi qua những mất mát, đau thương, nên càng trân trọng thêm cuộc sống, và biết “thương người đơn độc” cũng giống như mình. Lời hát này chính là là lời cảm thông dành cho nhau.

Click để nghe Tuấn Ngọc hát Đời Đá Vàng

Xem thêm  Lời Bài Hát Lời Người Ra đi

Để hoàn thành được bài hát, nhạc sĩ đã trải qua nhiều mối tình, nhiều thăng trầm nổi trôi của kiếp sống, đã cảm nhận được hết những nỗi đau của đời người, của những cuộc tình, để hiểu ra rằng chỉ có qua dầm dề mưa tuyết thì mới được vui ngày nắng về, và có oằn mình đớn đau mới có thể hiểu được tình yêu. Chỉ khi vượt qua được những gian nan trong cuộc sống, người ta mới hiểu rõ được giá trị và trân trọng cuộc sống bình yên đang có.

Về ý nghĩa của tựa đề bài hát “Đời Đá Vàng”, nhạc sĩ Vũ Thành An giải thích rằng Đá nghĩa là sự buồn tủi, nỗi đau khổ, còn Vàng là niềm hân hoan hạnh phúc. Đời Đá Vàng có nghĩa là cuộc sống của bất kỳ ai cũng luôn tồn tại song song nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc. Vì vậy ai cũng nên mở lòng để đón nhận những yêu thương hạnh phúc lúc nào cũng ở cạnh bên mà có thể chúng ta không nhận thấy, từ đó có thể vơi đi được những nỗi khổ đau của một kiếp người.

Người vợ thứ 2 của nhạc sĩ Vũ Thành An

Nói thêm về người vợ thứ 2 của nhạc sĩ Vũ Thành An, bà tên là Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1946, lập gia đình lần thứ nhất năm 1967 với một sĩ quan Pháo Binh và có 2 người con. Năm 1972 chồng hy sinh, bà Vân ở vậy nuôi con. Năm 1986, nhạc sĩ Vũ Thành An được gặp bà Vân, thương tấm lòng trung trinh của bà cũng như việc quán xuyến nuôi dạy 2 con nên người, 2 người đã kết nghĩa trăm năm. Bà Vân luôn ủng hộ chồng trong mọi sinh hoạt tôn giáo và từ thiện cũng như âm nhạc từ đó cho đến nay. Bà cũng là người đầu tiên nghe những sáng tác mới của Vũ Thành An và đóng góp ý kiến.

Bài: Đông KhaBản quyền bài viết của nhacxua.vn