Thủ đi Rừng mấy ai biết

Video Thủ đi Rừng mấy ai biết

Chúng tôi hỏi thăm về ông Trung, một người dân địa phương hồi đáp “đặc sệt” phong cách Quảng Nam: “Hỏi ông Trung là ông Trung mô? Ở đây có tới mấy ông Trung lận, Trung hà thủ ô là phải hỏi ông Trịnh Ký Trung mới chính xác. Ổng là “ma rừng”, thứ gì cũng có”. Rồi một cậu bé đen nhẻm dắt chúng tôi đến con ngõ đá được xây lắp khá công phu. Trong sân, ông Trung tuổi xấp xỉ lục tuần, đang thong thả nhả từng ngụm khói thuốc.

Ông Trung phát hiện cây hà thủ ô và chỉ cho chúng tôi xem

Quang Viên

Mấy đời theo nghề rừng

Ông Trịnh Ký Trung kể nhà ông đã mấy đời nghề rừng, từ thuở cha ông hội với phường săn lội hết núi này sang núi khác. Hươu, nai, mang, lợn, cáo, chồn… không con nào mà ông chưa bẫy bắt. Nhưng rồi ông nhận ra vì kế sinh nhai mà thuở trước phải đi săn động vật, chứ làm như vậy là không ổn, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Rồi bây giờ ông theo nghề tìm cây thuốc là để cứu người. Hơn nữa, cái nghề đi rừng đối với ông như một thứ “máu”, một thứ năng khiếu. “Ngo ngoe mấy anh ngủ dòm ăn theo, chạy theo tui chừng dăm bữa thì bái tổ, giã biệt rừng. Có anh thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, đi mỏi mệt chỉ thấy toàn gai với góc”, ông Trung chia sẻ.

Tôi và anh bạn lội bở hơi tai, như rụng cả gối để theo chân ông vào rừng. Gần hết buổi sáng, ông Trung cũng tìm ra được cây hà thủ ô, rồi hì hục đào. Cho xem một gốc hà thủ ô dài chừng một mét rưỡi, trên đoạn đầu có ba chạc nhỏ như đầu đũa, ông cho biết: “Chừng ni non hai ký tươi. Các chú không rành không dễ phát hiện ra. Nó chỉ mọc lên ba chạc cây loe ngoe, nom như dây bìm bìm. Nhưng có nghề thì biết ngay, ba chạc này nếu khoét sâu vào lòng đất độ ba tấc thì chụm một, chỉ có một gốc mà thôi. Nhìn kỹ sẽ nhận ra thân cây sần sùi, u nần thì tuổi đời lâu lắm. Phải phân biệt, gặp anh nào cũng đào, moi lên cái rễ bằng đầu đũa con thì toi công lại phí tài nguyên rừng”.

Xem thêm  100+ hình nền desktop máy tính LMHT 4K cực đẹp 2023

Theo lời ông thì có bất tận mánh khóe, mưu mẹo đi rừng. Tìm mây rừng thì men ngược con suối, mây gần suối sợi dài bền. Tìm sa nhân thì men những dải tán rừng thấp nhiều bụi rậm. Ăn ong thì phải độ cuối tháng 3, khi các tổ đã no mật. Mỗi loại có một “nết” khác nhau. “Riêng anh hà thủ ô này dễ khai thác nhất ở những dải cây gai thấp giữa các mô đất cao thấp, dựa thế đất mà đào. Bởi có cây nằm sâu hai mét dưới đất núi, không khéo chọn thì đi rừng cả ngày chỉ kiếm non ký là cùng”, ông Trung nói và cho biết thêm mình có cái nghề tìm cây thuốc bổ túc vào vốn nghề rừng gia truyền, góp phần làm phong phú kho tàng thuốc quý VN.

Sau một ngày ông Trung đã thu hoạch chừng này hà thủ ô

“Từ bao giờ bác chuyển sang tìm hà thủ ô?”, tôi hỏi. “Độ vài năm gần đây. Thằng cháu về chơi tết, xin hũ hà thủ ô mang theo vào Nam. Mấy tháng sau nó nhắn về nói tui ngâm giúp mươi hũ. Rứa là tui vào rừng tìm”, ông Trung cho hay. Tôi lại hỏi: “Thế mươi hũ bác tìm độ bao lâu, công đoạn ngâm như thế nào?”. Ông kể mươi hũ đi rừng độ tháng trời. Hà thủ ô đem về, làm sạch, ngâm nước vo gạo một đêm cho nhả hết mủ ra, vì mủ cây rất nóng. Sau đó, phơi 3 tuần nắng, đoạn khúc vừa vặn cho vào hũ. Mỗi hũ độ 1 – 2 ký tùy yêu cầu. Nếu khách chỉ lấy hàng mà không ngâm thì phơi khô, gửi theo xe đường dài. Mỗi ký hà thủ ô khô giá hiện tại cũng gần triệu bạc.

Xem thêm  LMHT 12.14: Chi tiết bản cập nhật LOL mới nhất

Mặc dù hà thủ ô rừng nay còn rất ít, nhưng “ma rừng” cũng có khi trúng mánh. Đó là chuyến đi năm ngoái, sau trận lũ. Khi mưa xong, ông Trung vác mai lên núi. Nhìn bậc núi lở đất đá đổ lổng chổng, mắt nhà nghề của “ma rừng” phát hiện trên bờ vách treo lủng lẳng những rễ cây. “Ui trời, bữa nớ trúng mánh thiệt, tôi kiếm được một gánh đầy. Hà thủ ô củ nào củ nấy to như củ sắn”, ông Trung hỉ hả khi được một cú ăn may vui như người ta trúng số bạc tỉ. Ông nói thêm: “Chú nghĩ lặn lội núi này sang núi khác dễ gì tìm ra củ lâu năm, nay nó ngời ngời trước mắt. Mừng hết lớn!”.

Hỏi về thu nhập từ hà thủ ô rừng, ông Trung bảo không tính được vì đây là “nghề nằm”. Có lúc đi đào không có. Chỉ nôm na là sống được. Xe cộ, cưới hỏi, ma chay đều nhờ nó…

“Ma rừng” Trịnh Ký Trung

Khôn người, khó của

Theo ông Trung, hà thủ ô là một loại thảo dược đang được nhiều người tìm mua nên hiện bị khai thác rất mạnh. Mặc dù là “trùm” hà thủ ô rừng, nhưng ông Trung cũng trăn trở: “Dân địa phương lâu ni khai thác hà thủ ô tự nhiên kinh lắm! Chừ vô rừng dễ chi kiếm được thứ ni. Phải có cách bảo tồn cây thuốc quý ni chứ có ngày tiệt nọc”. Và “ma rừng” lại tỏ ra là người có trách nhiệm bảo vệ hà thủ ô rừng: “Lộc rừng có mấy rồi cũng hết. Tui định trồng hà thủ ô chứ không thể sống dựa vào hà thủ ô rừng miết”.

“Núi rừng tây Quảng Nam này thì từ Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà Mi tôi rành như cháo chảy. Dỏng tai nghe thiên hạ thiếu thứ gì, cần thứ gì thì tôi săn thứ ấy, miễn là thứ ấy còn được phép khai thác. Cần mật ong rừng tôi tăm mật ong rừng, cần sa nhân tôi tìm sa nhân. Khi thiên hạ đổ xô tìm hà thủ ô, tôi lại săn hà thủ ô”, ông Trịnh Ký Trung nói.

Xem thêm 

Chúng tôi và ông Trung rời rừng trở về nhà. Trong nhà, dưới chân tường gạch chưa tô vôi đã nhuốm màu thời gian là mấy hũ rượu ánh đủ màu sắc. Thấy tôi chăm chú nhìn, ông xởi lởi: “Thứ này là rượu sáp ong, vàng sánh, ngọt lịm. Thứ này là rượu ngâm ong vò vẽ, hơi đục màu, rất thấm. Kia, mấy hũ màu đỏ mận là hà thủ ô ngàn năm trên núi Liệt Kiểm”. “Những ngàn năm kia hả?”, ông bạn cùng đi với tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ông Trung cười vang: “Nổ với các chú cho vui, sâm tuyết liên Tây Tạng chắc gì đã ngàn năm”. Rồi ông chỉ mấy củ hà thủ ô vỏ đã ngả màu đen nhẻm, bảo: “Ngàn năm thì không, chứ ngang mấy mươi năm đời người thì có dư. Loại này nói không ngoa, anh nào xìu xìu ểnh ểnh, chơi một hũ, lại hăng như trai tơ. Tóc bạc trắng đầu, sắc nước uống vài ba tuần lại đen”.

Nâng ly rượu sậm màu “ma rừng” mời, tôi bâng khuâng nghĩ về lộc rừng. Người dân nơi đây đã bao đời sống dựa vào rừng núi. Rừng núi cũng mở lượng bao dung cho những ai sống hòa bình với nó. Rừng ta rừng bạc rừng vàng, câu thơ tôi học ngày còn bé lại ngân vang. Không thể để nguyên bạc vàng chôn nơi lòng đất, nhưng khai thác như thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, trong đó có các loại thảo dược quý, là bài toán cần được giải thấu đáo.

Chào tạm biệt “ma rừng”, anh bạn mua một hũ rượu ngâm sẵn làm quà. Ông Trung vui vẻ kèm theo một gói nhỏ và nói: “Đem thêm thứ này về, khi ngâm nước hai thì cho thêm vào, hà thủ ô già tuổi xắt lát phơi khô đó”. Tôi nhận ra tấm lòng người dân miền núi cũng thơm thảo và nồng nàn như rượu. (còn tiếp)

Khám phá thảo dược Việt