Rồi đây Một Mai Lối Xưa Tôi Về

Video rồi đây một mai lối xưa tôi về

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh, được sáng tác vào năm 1962, là lời dặn dò người yêu nơi phố thị của một chàng trai đã quyết chí coi nợ nước nặng hơn tình nhà, trước khi chàng lên đường băng mình vào sương gió để sống trọn kiếp trai hùng.

‘Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ,’ nhạc tình của Minh Kỳ và Hoài Linh
Nhạc phẩm “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” của Minh Kỳ và Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam tự do, tâm tư của biết bao nhiêu cặp trai gái yêu nhau đã bị giằng xé giữa tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa. Ở đây, chàng trai đã không để cho tâm hồn nặng câu lưu luyến trong giây phút biệt ly, mà trước lúc ra đi, đã tìm lời lời an ủi, vỗ về người yêu bé bỏng nơi quê nhà.

“Người ơi một mai nếu tôi đi rồi/ Thì nghìn lần thương cũng thế mà thôi/ Tình em và tôi dẫu chưa đẹp đôi/ Hãy quên những chiều mưa rơi/ Giấc mơ nhớ gọi đến tôi.”

Đến một ngày nào đó khi anh rời xa đô thành để lên đường nhập ngũ tòng quân thì cho dù chúng mình có yêu thương nhau tới bao nhiêu đi nữa cũng đành phải gác lại thôi. Mặc dù tình yêu giữa đôi ta vẫn còn dang dở, xin em hãy quên đi những mưa chiều kỷ niệm thấm ướt lối đi từ những ngày xưa yêu dấu và tìm đến nhau khi mộng đẹp về trong đêm lắng mơ.

“Mình vui được sao nếu chưa thanh bình/ Từng đoàn người trai đi viết sử xanh/ Thì gian nhà xinh vắng đi mình anh/ Cũng thôi chớ buồn em nhé/ Tiễn đưa nhớ ngày đăng trình.”

Một khi chiến tranh vẫn còn kéo dài trên quê hương thì đôi ta chưa thể vui cuộc sum vầy được, nhất là khi hàng hàng lớp lớp người trai đang lên đường đi giúp núi sông. Nếu lúc vắng anh không có ai dìu em đi trong chiều lộng gió thì xin em chớ buồn trong kỷ niệm khi nhớ về ngày biệt ly hai đứa cứ đứng nhìn nhau.

“Tám hướng bốn phương trời mây/ Thôi nhé anh đi từ đây/ Kỷ niệm nào không có vui hay buồn/ Chiều không có hoàng hôn/ Tình nào hơn nước non.”

Thôi nhé, xin em chớ buồn, xin em chớ buồn khi anh dứt áo ra đi vì đời trai sông hồ muôn lối. Trong mớ kỷ niệm của ngày xa xưa, mình phải chấp nhận có lúc vui, lúc buồn. Chuyện này cũng hiển nhiên như chiều nào rồi cũng dẫn đến cảnh hoàng hôn lá rơi bên thềm. Nghĩ cho cùng, tình non sông lúc nào cũng lớn lao hơn tình yêu bé nhỏ của đôi ta, em ạ!

“Rồi đây một mai lối xưa tôi về/ Kể chuyện buồn vui hai đứa mình nghe/ Một gian nhà tranh giấc mơ đềm êm/ Lắng nghe tiếng nhịp con tim/ Hai người gọi chung một tên…”

Và chúng mình hãy giữ vững niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng khi đôi ta lại có lúc sum vầy, bởi vì không phải chia ly nào cũng là đoạn tuyệt. Lúc đó, anh sẽ lại về với em, như chim liền cánh, như cây liền cành. Và lúc đó, hai đứa mình sẽ như đôi chim cùng nhau chắp đôi cánh, nhịp đôi tim. Rồi em sẽ có dịp lắng nghe anh kể chuyện buồn vui đời lính sau khi đôi ta đã nên vợ thành chồng dưới một mái nhà tranh và một vừng trăng tròn để tha thiết yêu cho hết tơ lòng…

Xem thêm  Heo ăn Bao Nhiêu Kg 1 Ngày
‘Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ,’ nhạc tình của Minh Kỳ và Hoài Linh
Bìa nhạc phẩm “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” của Minh Kỳ và Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

***

Nhìn chung, những bản “nhạc lính” của Việt Nam Cộng Hòa tuy không mang tính “sắt máu” của những lời hô hào các cán binh Cộng Sản phải hy sinh tất cả cho “bác” và đảng trong cuộc xâm lược miền Nam tự do, nhưng đều biểu lộ xu hướng tích cực của những chàng trai thế hệ tại miền Nam Việt Nam. Đó là giữa nợ nước và tinh nhà, tuyệt đại đa số đều chọn đặt tình nước lên trên tình nhà.

Họ là những chàng trai trong nhạc phẩm “Hàng Hàng Lớp Lớp” của Nguyễn Văn Đông: “Người đi giúp núi sông/ hàng hàng lớp lớp chưa về/ hàng hàng nối tiếp câu thề giành lấy quê hương” cũng chỉ vì “tình đất nước ôi lớn lao không đành lòng dệt mối thắm riêng tư”…

Chàng trai trong “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Trúc Phương thì “tình nước /lòng trai/ anh hiên ngang đối diện mặt trời,” mặc dù biết chắc rằng “chân qua chốn nào/ thương cất lên cao”…

Còn chàng trai trong “Đêm Trao Kỷ Niệm” của nhạc sĩ Hùng Cường thì coi cảnh đời ly biệt của những cặp tình nhân giữa mùa chinh chiến là chuyện thường tình, bởi vì người trai đã bằng lòng chấp nhặt đặt tổ quốc lên hết: “Ngàn ngày xưa trong sách sử đến ngàn ngày sau/ Khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu/ đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau”…

Cũng vậy, chàng trai trong ‘Hành Trang Giã Từ” của Trường Sa thì ra sức khuyên nhủ người yêu đừng hờn dỗi khi mình ra đi vì sông núi trong niềm tin son sắt rằng cách chia này là cho hạnh phúc mai sau, bởi vì hiện tại đang có “bao lớp người đi/ đầu mây chân gió/ vai nặng gánh sông hồ”…

Ở đây, chàng trai trong ca khúc “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” của Minh Kỳ và Hoài Linh cũng có lập trường dứt khoát như thế. Ngay trước lúc giã từ người yêu để lên đường đáp lại tiếng gọi của non sông trong cơn nguy biến, chàng trai đã nhẹ nhàng khuyên nhủ người yêu: “Tình em và tôi dẫu chưa đẹp đôi/ Hãy quên những chiếu mưa rơi”…

Chàng trai nói vậy vì hiểu rõ rằng khi quê hương mình vẫn còn đắm chìm trong khói lửa chiến chinh thì những con người yêu nước đều phải lên đường tòng quân chứ đâu có nỡ lòng nào mà vui hưởng hạnh phúc riêng tư nơi chốn quê nhà cho được: “Mình vui được sao nếu chưa thanh bình/ Từng đoàn người trai đi viết sử xanh”…

Chàng trai tìm mọi cách để thuyết phục người yêu rằng, vì cuộc đời này có lúc vui thì cũng có lúc buồn, có sum họp thì cũng phải có chia ly, cho nên chúng ta hãy bằng lòng chấp nhận tạm xa nhau, một khi đâu có “tình nào hơn nước non”…

Xem thêm  Lời Bài Hát Lạc Mất Mùa Xuân

Rồi chàng trai vẽ nên một tương lai tươi sáng khi thanh bình trở lại trên đất nước thân yêu. Đó chính là lúc những kẻ yêu nhau, như đôi bạn lòng trong nhạc phẩm này: Thôi chia lìa nhau sau khi đã nên vợ, thành chồng dưới một túp lều tranh với hai quả tim vàng và bên túp lều lý tưởng của anh và của em, của em và của anh: “Một gian nhà tranh giấc mơ đềm êm/ Lắng nghe tiếng nhịp con tim/ Hai người gọi chung một tên”…

***

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc người Huế nhưng sinh tại Nha Trang và là cháu sáu đời của Vua Minh Mạng. Chàng trai Vĩnh Mỹ học nhạc hồi mới 14 tuổi ở trường Gagelin tại Quy Nhơn, sau đó đi du học tại trường Bách Khoa Paris bên Pháp. Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Minh Kỳ là ca khúc “Chị Hằng,” được sáng tác vào năm 1949 lúc Minh Kỳ mới 19 tuổi.

Năm 1957, Minh Kỳ vào định cư tại Sài Gòn và trở thành một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia với cấp bậc sau cùng là đại úy. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Minh Kỳ bị bắt đi “học tập cải tạo” tại trại An Dưỡng ở Biên Hòa, nơi ông thiệt mạng vì một quả lựu đạn bỗng nổ tung giữa bữa cơm với các bạn tù. Lúc ấy Minh Kỳ mới có 45 tuổi.

Phần lớn các sáng tác của Minh Kỳ hồi trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đều là những bản nhạc tình cảm, kể cả những bản “nhạc lính.” Số lượng các nhạc phẩm do Minh Kỳ viết ra rất nhiều và rất đa dạng, bởi vì Minh Kỳ thường hợp soạn với các nhạc sĩ khác: “Xuân Đã Về,” “Nha Trang” (lời Hồ Đình Phương), “Lá Vàng Rơi,” “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương,” “Tình Hậu Phương,” “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Đường Về Khuya” (với Lê Dinh), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” (với Lê Dinh), “Cánh Buồm Chuyển Bến” (lời Hoài Linh), “Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Mấy Độ Thu Về” (lời Hoài Linh), “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Sầu Tím Thiệp Hồng” (lời Hoài Linh), “Tiếng Hát Học Trò” (với Nguyễn Hiền)…

‘Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ,’ nhạc tình của Minh Kỳ và Hoài Linh
Nhạc sĩ Minh Kỳ (trái) và nhạc sĩ Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

Hoài Linh, tức Lê Văn Linh, sinh tại Hải Phòng, là một trong các nhạc sĩ nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh hoạt động trong Đoàn Văn Nghệ Vì Dân với cấp bậc trung úy dưới quyền của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Hoài Linh bắt đầu sáng tác từ năm 1955, với các bản nhạc tình mang lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh, trong đó có bản “Em Ơi! Nếu Đừng Dang Dở” từng được nữ danh ca Lệ Thu trình bày qua làn sóng điện của các đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam.

Kể từ đầu thập niên 1960, Hoài Linh bắt đầu nổi tiếng nhờ nhạc phẩm “Sầu Tím Thiệp Hồng” (cùng với Minh Kỳ). Ca khúc này đã trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như Chế Linh-Thanh Tuyền và sau này là Tuấn Vũ-Giao Linh. Từ đó cho đến năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh liên tục cho ra đời những tác phẩm được khán, thính giả khắp nơi yêu thích.

Xem thêm  Lời Bài Hát Feliz Navidad

Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh không chỉ hấp dẫn nhờ giai điệu tình tứ mà lời ca cũng đầy ý nghĩa và sâu sắc. Lời nhạc của Hoài Linh được đánh giá là bay bướm, văn hoa và có vần, có điệu. Vì vậy, ông nổi tiếng là người nhạc sĩ có tài đặt tựa bài hát và viết lời cho các ca khúc, kể cả những sáng tác chỉ có phần nhạc của các nhạc sĩ khác.

Nhạc sĩ Hoài Linh qua đời đúng vào ngày 30 Tháng Tư, 1995, tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi. Hoài Linh sáng tác rất mạnh, với hàng trăm ca khúc giá trị, vừa nhạc tình vừa “nhạc lính,” được phổ biến từ hậu phương ra tới tiền tuyến, từ các nhà hàng sang trọng nơi đô thành cho tới những xóm nghèo vùng ngoại ô, và luôn cả các tiền đồn heo hút trên bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam.

Các sáng tác được nhiều người mến mộ của Hoài Linh, ngoài “Lá Thư Trần Thế” (từng được các ca sĩ Giang Tử, Ngọc Minh và Đan Nguyên trình bày trong đĩa nhạc Asia 66), còn gồm “Căn Nhà Màu Tím,” “Dù Hoa Lạc Lối,” “Hai Đứa Giận Nhau,” “Lính Nghĩ Gì?,” “Nhịp Cầu Tri Âm,” “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”…

Vì chuyên viết lời cho những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, Hoài Linh còn là đồng tác giả của các nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi tại miền Nam Việt Nam trước và ngay cả sau năm 1975.

Chung với Minh Kỳ: “Chuyến Tàu Hoàng Hôn,” “Mấy Độ Thu Về”…

Chung với Song Ngọc: “Chiều Thương Đô Thị,” “Một Chuyến Bay Đêm”…

Chung với Mạnh Phát: “Bóng Thu Xưa,” “Nỗi Buồn Gác Trọ”…

Chung với Tuấn Khanh: “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Quán Nửa Khuya”…

Chung với Tấn An: “Bài Ca Của Nàng,” “Đầu Xuân Lính Chúc”…

Chung với Văn Phụng: “Bóng Người Đi,” “Tiếng Hát Đường Xa”… (Vann Phan) [qd]

Nhạc phẩm “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” của Minh Kỳ và Hoài Linh

Người ơi một mai nếu tôi đi rồiThì nghìn lần thương cũng thế mà thôiTình em và tôi dẫu chưa đẹp đôiHãy quên những chiều mưa rơiGiấc mơ nhớ gọi đến tôi.

Mình vui được sao nếu chưa thanh bìnhTừng đoàn người trai đi viết sử xanhThì gian nhà xinh vắng đi mình anhCũng thôi chớ buồn em nhéTiễn đưa nhớ ngày đăng trình.

Tám hướng bốn phương trời mâyThôi nhé anh đi từ đâyKỷ niệm nào không có vui hay buồnChiều không có hoàng hônTình nào hơn nước non.

Rồi đây một mai lối xưa tôi vềKể chuyện buồn vui hai đứa mình ngheMột gian nhà tranh giấc mơ đềm êmLắng nghe tiếng nhịp con timHai người gọi chung một tên…