Right Here Waiting

Video right here waiting

Có người từng nói đùa rằng : Richard Marx được sinh ra để sáng tác nhạc và nhất là để bán đĩa hát. Về điểm này, ông đã có may mắn chào đời trong một gia đình nghệ sĩ, sống nhờ nghề viết nhạc. Thân phụ của ông chuyên sáng tác nhạc phim quảng cáo hay các nhạc hiệu cho đài truyền hình. Từ thời niên thiếu, Richard Marx đã nhiều lần thực hiện các bản ghi âm cho các đoạn nhạc quảng cáo của bố mình.

Khi đến tuổi trưởng thành, Richard Marx rời gia đình ở Chicago đến Los Angeles lập nghiệp. Tuy chỉ mới có 18 tuổi, nhưng nhờ có kinh nghiệm trong nghề thu âm, Richard Marx sớm gia nhập nhóm sáng tác của Lionel Richie, một nhạc sĩ khác biết hái ra bạc triệu đô la nhờ sáng tác. Trong vòng 5 năm rèn luyện tay nghề, Richard Marx từng tham gia hát phụ họa trên một số bản nhạc ăn khách của Lionel Richie, đồng thời ông cũng viết một số bài hát cho các nghệ sĩ nổi tiếng như Kenny Rogers hay là ban nhạc Chicago.

Đến năm 24 tuổi (1987), Richard Marx cuối cùng ký được hợp đồng thu âm đầu tiên cho riêng mình. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ năm 1987-1991, ông trở thành nghệ sĩ đầu tiên có tới bảy đĩa đơn lọt vào (Top Five) danh sách năm bài hát ăn khách nhất thị trường Mỹ. Điều đó giải thích vì sao Richard Marx trở thành giọng ca yêu chuộng nhất của giới trẻ trong thập niên 1990. Riêng bản tình ca “Right Here Waiting” (Nơi đây anh vẫn chờ) là bản nhạc thành công nhất trong sự nghiệp âm nhạc của tác giả, trở nên cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Khán giả Việt Nam từng được nghe Richard Marx hát bài này khi ông đến biểu diễn tại hà Nội tháng 12 năm 2016.

Xem thêm  Trần Tiến Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng Lời Bài Hát

Được ghi âm vào cuối năm 1988 rồi được phát hành trên đĩa đơn vào đầu mùa hè năm 1989, bản nhạc “Right Here Waiting” đã được Richard Marx viết như một bức thư tình gửi cho người yêu (nữ diễn viên Cynthia Rhodes), hai người quen nhau từ năm 1983, lúc Richard còn chưa nổi tiếng. Ca sĩ kiêm tác giả người Mỹ từng kể lại đầu đuôi câu chuyện đằng sau bài hát này khi trả lời phỏng vấn tờ báo The Indian Express vào năm 2010. Theo đó, ông đã viết bài hát này cho Cynthia, trong lúc cô đang đóng phim ở Nam Phi. Vào cuối năm 1988, hai người vẫn chưa làm hôn thú và do công việc, đôi tình nhân buộc phải xa nhau trong vòng nhiều tháng. Richard quyết định mua vé máy bay sang Nam Phi, nhưng vào giờ chót đơn xin visa của ông (quốc tịch Mỹ) lại bị từ chối, do vào thời bấy giờ quan hệ giữa Nam Phi và các nước Âu Mỹ đang căng thẳng vì chính sách apartheid.

Trên đường lái xe về nhà, giai điệu và những ca từ đầu tiên nảy sinh trong tâm trí của Richard Marx. Do sợ bị mất nguồn cảm hứng, khi vừa về tới nhà, ông lao thẳng vào phòng thu thanh, ghi lại ngay những cảm xúc trên một bản ghi âm thử (demo). Rốt cuộc, “Right Here Waiting” trở thành bài hát ông viết nhanh nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút. Vào thời ấy, các phương tiện liên lạc thông tin, không phát triển như bây giờ : không có Skype mà cũng chẳng có các mạng xã hội để nhắn tin cho nhau. Ông chuyển bản thu âm thử (demo) bằng cách gửi bưu kiện qua ngõ cấp tốc, nhưng mãi tới 10 ngày sau, người yêu của ông là Cynthia mới nhận được.

Xem thêm  Lời Bài Hát Chú Voi Con

Cũng chính bài hát “Right Here Waiting” đã làm cho cô xiêu lòng, chấp nhận lời cầu hôn của Richard Marx. Hai người làm lễ cưới vào năm 1989, sống chung với nhau trong vòng 25 năm. Tuy sau đó, họ chia tay nhau vào năm 2014, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới ‘‘giá trị tình cảm’’ của bài hát từng được viết cho một khoảnh khắc riêng tư nhưng lại ghi khắc lòng người, để rồi nhớ mãi trọn đời.

Có lẽ cũng vì trong bài hát này, Richard Marx thổ lộ những tình cảm của riêng mình, theo như tác giả nói ông sáng tác một cách “ích kỷ” để cho vơi nỗi niềm thương nhớ, cho nên lúc đầu ông không có ý định phổ biến cho mọi người cùng nghe, nhưng bản thân tác giả không ngờ rằng rất nhiều người nghe đã nhiệt tình đón nhận bài hát này như thể bài hát kể lại những kỷ niệm của chính họ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CBS vào năm 2013, tác giả cho biết là vào cuối năm 1988, ông đã từng gửi bài hát này cho nữ danh ca Barbra Streisand. Bà rất thích giai điệu, nhưng lại thấy lời bài hát không hợp với mình cho nên mới yêu cầu Richard Marx đổi lời, điều mà có lẽ sẽ thay đổi hẳn bối cảnh và không còn diễn đạt trọn vẹn ý tưởng ban đầu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đẩy đưa, rốt cuộc bài hát này lại được tung ra thị trường với giọng ca trầm ấm của Richard Marx chứ không phải là với tiếng hát cao vút thánh thót của diva người Mỹ Barbra Streisand.

Đối với tác giả, “Right Here Waiting” là kỷ niệm của mối tình đầu với biết bao thương nhớ và khao khát. Có lẽ vì thế Richard Marx đã chấp bút sáng tác một tình khúc tuyệt đẹp, giai điệu từng câu trau chuốt, lời ca từng chữ chân thành. Bản nhạc được phối một cách bài bản, đậm chất pop ballad của những năm 1980, hoà quyện tiếng đàn ghi ta trong điệp khúc, làm nổi bật tiếng dương cầm trong khúc nhạc mở đầu. Chất giọng trầm ấm của Richard Marx diễn đạt tất cả những nỗi thổn thức ray rức trong tim, ở phần chuyển tiếp cuối điệp khúc lại đạt tới nốt cao nhất để thể hiện bao niềm thương nhớ khôn nguôi.

Xem thêm  Lợn Bỏ An Không Rõ Nguyên Nhân Tiêm Thuốc Gì

Ba mươi năm sau ngày ra đời, bài hát “Right Here Waiting” vẫn tiếp tục làm cho hàng triệu con tim rung động thổn thức. Cho tới bây giờ, tác giả Richard Marx vẫn thường nhận được nhiều lá thư của nhiều người phải sống xa nhà, hay là những người lính. Họ thường chọn bài hát này để gửi tặng người yêu vì bài hát thật sự lột tả tâm tư của những kẻ nhung nhớ đến dại khờ ‘‘một nửa trái tim” còn lại của mình, bị ngăn cách đôi bờ.

Từ một bài hát rất riêng tư kể lại kỷ niệm giữa hai người, Right Here Waiting lại đạt tới mức phổ quát để rồi trở thành câu chuyện của mọi người và còn hơn thế nữa ở mọi thời, mọi lứa tuổi. Có lẽ cũng vì thế mà bản nhạc rất được yêu chuộng vào mùa Valentine và nhất là đối với tất cả những ai đang yêu nhưng vì hoàn cảnh lại phải xa nhau nghìn trùng, biệt ly cách trở. Trong giai điệu Right Here Waiting, phút chốc thăng hoa nỗi mòn mỏi đợi chờ, chấp cánh vụt bay muôn ngàn nỗi nhớ.