Ngọn Lửa Tuổi 20

Video ngọn lửa tuổi 20

Các bạn sinh viên tái hiện câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội của những người lính năm xưa – Ảnh: HÀ THANH

Lần đầu tiên hơn 400 sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM cùng sum họp một nhà, góp mặt trong đêm nghệ thuật mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.

Tuổi đôi mươi xếp bút nghiên lên đường…

Những thước phim đầu tiên là hình ảnh dinh Độc Lập, biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất đất nước. Một đoàn khách là nhóm sinh viên được chứng kiến cuộc hội ngộ giữa cựu chiến binh với cựu thanh niên xung phong năm xưa.

Giây phút gặp lại, họ bồi hồi trao nhau kỷ vật là cuốn nhật ký của một đồng đội đã ngã xuống trong chiến trận. Và những giọt nước mắt đã rơi trong giây phút ấy khi những thước phim chầm chậm trên màn hình, hòa trong giai điệu hòa bình.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 – hồi tưởng những kỷ niệm chiến đấu một thời. Ông nói về tình đồng chí, đồng đội, tình cảm của người con nhớ về gia đình khi đất nước được giải phóng.

“Tôi thật sự xúc động khi xem lại những hoạt cảnh của các bạn sinh viên, những thước phim tư liệu. 30-4 với cả dân tộc là sự kiện vui mừng, còn với người lính trên chiến trường là một dấu ấn rất đặc biệt” – trung tướng Hưởng nói.

Xem thêm  Về Bên Anh Lyric

Bà Trần Hồng Dung – phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 – cảm ơn các bạn trẻ hôm nay đã mang đến đêm nghệ thuật tuyệt vời với sự kết nối linh thiêng giữa hai thế hệ, vừa là lời tri ân gửi đến người lính năm xưa, vừa giúp người trẻ hôm nay thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, trân trọng quá khứ, cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Qua đó bồi đắp tình yêu nước, khơi dậy trong sinh viên, thế hệ trẻ khát khao cống hiến cho đất nước.

Viết tiếp câu chuyện hòa bình

Đêm nghệ thuật này là ý tưởng của Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Không cần đạo diễn chuyên nghiệp, chính các sinh viên Câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20 phối hợp cùng khoa du lịch học của trường đảm nhiệm. Các bạn tự phân bổ thời gian, đảm bảo việc học, tranh thủ tập luyện vào các buổi chiều tối.

Bạn Bùi Minh Thủy – phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20 – nói tên gọi “Nối liền Việt Nam” thể hiện khát vọng của thế hệ cha anh đi trước, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, và trách nhiệm của người trẻ hôm nay phải viết tiếp câu chuyện hòa bình.

“Chúng tôi muốn lan tỏa những câu chuyện của thế hệ đi trước đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa, và cố gắng chọn lựa những hình ảnh, câu chuyện gần gũi nhất, lồng ghép cùng sự kiện lịch sử để các bạn dễ tiếp nhận” – Thủy cho biết.

Xem thêm  Lời Bài Hát Cô Hàng Xóm

Nhận nhiệm vụ tuyên truyền, Trần Đức Mạnh (20 tuổi) nói điều quan trọng là ý tưởng, làm sao để biến lịch sử tưởng chừng khô khan trở nên thú vị hơn, giúp người trẻ dễ tiếp cận hơn. Mạnh cho biết tham gia câu lạc bộ giúp bạn và các thành viên khác sống tích cực hơn, biết trân trọng hơn giá trị hai tiếng hòa bình.

“Tuổi mười tám, đôi mươi, thế hệ cha anh đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, tình nguyện viết đơn nhập ngũ để hôm nay chúng mình được sống trong hòa bình. Nhiệm vụ của chúng mình chính là viết tiếp, lan tỏa câu chuyện hòa bình và phát triển hơn nữa giá trị ấy” – Mạnh nói.

Bạn Đỗ Thương Huyền – sinh viên năm 2 khoa báo chí – chia sẻ nhớ mãi những chuyến đi về nguồn cùng các cựu chiến binh. Trực tiếp chứng kiến cuộc hội ngộ đầy xúc động của tình đồng chí – đồng đội những năm tháng đôi mươi đã thôi thúc cô sinh viên tự hứa cần làm nhiều hơn để lan tỏa giá trị lịch sử đến với nhiều người.