Chỉ vào vết sẹo ở tay phải, Khưu Dịch Tiến (học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang) giải thích bị cua đinh cắn trong lần đầu thí nghiệm.
Mất hơn một năm rưỡi mày mò nghiên cứu, máy ấp trứng cua đinh thông minh của Tiến đã giành giải nhất nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Vị Thanh, từ nhỏ Tiến đã tiếp xúc với cua đinh, loài vật quen thuộc với người dân Nam Bộ, thuộc bộ rùa và có giá trị kinh tế cao, từ 800.000 đến 2 triệu đồng một kg. Thu nhập chính của nhiều người dân tại Hậu Giang đến từ việc nuôi và bán cua đinh.
Ý tưởng tạo ra máy ấp trứng đến với cậu học trò dân tộc Hoa một cách tình cờ, khi mùa hè năm lớp 8 đến thăm trang trại nuôi cua đinh của chú. Tiến thấy chú chỉ biết sử dụng phương pháp thủ công như tưới nước, thắp điện để ấp trứng cua đinh, cực nhọc nhưng tỷ lệ nở không cao.
Thông thường, một năm cua đinh đẻ hai lần vào tháng 5 và 12, mỗi lần 8-12 trứng, nhưng chỉ 5-7 trứng nở thành con. Người dân thường tìm các biện pháp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ trứng nở, nhưng kết quả không khả quan. Tiến rủ bạn thân Mai Trí Công cùng nghiên cứu và tạo ra máy ấp trứng cua đinh thông minh để hỗ trợ người dân trong việc nuôi và kinh doanh loài vật này.
Hai học sinh lựa chọn thùng ấp làm từ xốp, chứa được tối đa 60 trứng cua đinh, sau đó lắp thêm cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, máy phun sương, bóng đèn và quạt điều hòa lên giàn phía trên thùng.
Máy hoạt động theo nguyên lý nếu nhiệt độ môi trường cao hơn mức lý tưởng để trứng phát triển và nở thành con (27-29 độ C, độ ẩm 75-85%), giàn phun sương sẽ làm mát và ngược lại khi quá lạnh, bóng đèn được bật để sưởi ấm trứng. Hệ thống được lập trình tự động thông qua máy cảm biến nhiệt độ, độ ẩm được kết nối với điện thoại thông minh để can thiệp khi có sự cố.
Tiến chia sẻ gặp khó khăn là hiện chưa có nghiên cứu về máy ấp trứng cua đinh để tham khảo. Các em phải tự mày mò thông tin trên mạng với nhiều kiến thức chưa được học tại trường.
Nhờ tiền tiết kiệm và xin thêm bố mẹ, Tiến và Công đặt mua vật liệu trên mạng. Nhiều lần, cảm biến gửi về không giống hàng đã đặt, các em phải sửa, lập trình và mã hóa lại cho phù hợp với thiết bị còn lại. Chiếc máy ấp đầu tiên được hai học sinh hoàn thành vào tháng 7/2018 sau hơn một tháng lắp ghép.
Vì nhà không có cua đinh trong độ tuổi sinh sản, Tiến và Công mang máy đến gặp một người nuôi cua đinh lâu năm, xin được thử nghiệm ấp trứng mới sinh. “Lúc đầu họ không đồng ý, không tin những cái em nói vì trong vùng chưa ai có thể khiến trứng cua đinh nở thành con với tỷ lệ 100%. Tụi em phải vừa thuyết phục, vừa xin thì họ mới cho thử nghiệm với 9 trứng mới sinh”, Tiến kể.