Lời Bài Hát Nắng ấm Quê Hương

“Nắng ấm quê hương” - khúc tình ca quê lúa anh hùng

Không ít người vẫn nghĩ rằng tác giả ca khúc này hẳn phải là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình bởi tình cảm gắn bó, thiết tha với thấm đẫm trong từng giai điệu, ca từ. “Cho em về quê mình, cùng làm lúa, cùng làm đay/ Cùng dệt cói, cùng đan mây/ Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc/ Làm giàu cho quê hương/ Hỡi người em gái mà anh yêu thương”…

Thật ra, ca khúc “Nắng ấm quê hương” lại do một người con của đất Tây Sơn, Bình Định sáng tác, đó là nhạc sĩ Vĩnh An (1929 – 1994). Trong những lần về thăm Thái Bình, nhạc sĩ Vĩnh An thực sự yêu mến mảnh đất “quê hương 5 tấn”, vừa sản xuất giỏi, vừa anh dũng chiến đấu, đóng góp to lớn sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Và ngay sau ngày đất nước thống nhất (1975), “Nắng ấm quê hương” ra đời và được người dân Thái Bình yêu mến, coi đó là khúc “Thái Bình ca” tươi sáng, hồn hậu.

Nhạc sĩ Vĩnh An từng tham gia hoạt động bí mật, sau đó làm công tác tuyên huấn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và nổi tiếng với các ca khúc: “Dấu chân trên rừng”, “Gửi anh lính bờ Nam”, “Như cánh chim Kơ-tia”.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Vĩnh An xông xáo đi thực tế ở vùng đất lửa Quảng Bình và cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng: “Bà mẹ trên sông Quảng Bình”, “Mùa về bên bờ sông Kiến Giang”, “Khúc hát đảo xa”… Ông được coi là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc viết về quê hương mang âm hưởng dân ca như “Nắng ấm quê hương” (Thái Bình), “Đi tìm người hát Lý thương nhau” (Nghĩa Bình), “Về lại sông Trà” (Quảng Ngãi), “Bên bờ sông Côn” (Bình Định)… Ông còn viết hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc, nhạc cho ca kịch truyền thống, viết lời ca cho các làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam.

Xem thêm  Lời Bài Hát Nỗi Buồn Mẹ Tôi

Nhạc sĩ Vĩnh An được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2007 với cụm tác phẩm “Dấu chân trên rừng”, “Nắng ấm quê hương”, “Đi tìm người hát Lý thương nhau”, “Về lại sông Trà”, “Câu hò sông nước miền Trung”.