Dọc đường đi, những câu hát mở đầu ca khúc bật lên trong đầu ông: “Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la”. Hình hài bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” cứ thế hình thành, sau đó được nhạc sĩ chỉnh sửa và hoàn chỉnh đúng vào dịp Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca, vang lên rộn rã trong không khí nhân dân miền Nam và cả nước hân hoan mừng đại thắng: “Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà/ Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca/ Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời/ Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/ Mùa xuân về rợp bóng cờ bay”…
Nhạc sĩ Xuân Hồng từng tâm sự, đó là mùa xuân của chính nghĩa, mùa xuân của đại thắng, xuân cả nước đoàn tụ, hạnh phúc. Bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” mãi gắn liền với sự kiện lịch sử đại thắng mùa xuân 1975, non sông thu về một mối.
Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Châu Thành, Tây Ninh, tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1960, ông làm chính trị viên, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng. Năm 1967, ông tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam rồi trở lại chiến trường tiếp tục hoạt động. Sau năm 1975, ông từng là Trưởng phòng Nghệ thuật sân khấu Sở Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thành phố, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn ghi ta của đại đội ba”, “Người mẹ của tôi”…
Nhạc sĩ Xuân Hồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2014), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (2000), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2004) cùng nhiều Huân, huy chương cao quý khác trong suốt hai cuộc kháng chiến.