“Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” là ca khúc được giới mộ điệu âm nhạc Việt Nam quen thuộc và yêu thích. Bài hát do nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Đỗ Quý Doãn. Tác giả thơ tiết lộ, tác phẩm ra đời năm 1981, khi hai ông đang học tập tại thủ đô nước Nga. Giờ đây, mỗi khi bài hát được ngân lên, những cảm xúc về nước Nga lại ùa về trong ký ức của tác giả bài thơ – cựu sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về năm tháng học tập tại nước Nga vẫn luôn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất đó chính là kỷ niệm giữa ông và cố nhạc sỹ Trần Hoàn. Tại xứ sở Bạch dương xa xôi, đã ra đời tác phẩm âm nhạc nổi tiếng xuất phát từ sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ khi nhớ về quê hương. Bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” mỗi khi ngân lên đã lay động người nghe trong suốt hàng thập kỷ qua. Ngay tên gọi của bài hát đã thể hiện được nỗi lòng của những người xa quê.
Ông Đỗ Quý Doãn kể lại: “Vào một chiều thu năm 1981, khi tôi đang học ở Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, còn nhạc sỹ Trần Hoàn học ở Viện Hàn lâm khoa học trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Chiều đó có chương trình của đoàn nghệ thuật Bông Sen sang biểu diễn tại Moscow, trong đó ca sỹ Hồng Vân hát bài “Giận thì giận, thương thì thương”, một làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh. Lúc đó trên trời mây xanh rất đẹp, tâm trạng của người xa Tổ quốc khi nghe dân ca thì nhớ không chịu nổi. Sau chương trình đó, hai anh em đi dạo trên đồi Lênin, nay là đồi Chim Sẻ, thì ông Trần Hoàn bảo tôi viết lời thơ. Thế là về nhà tôi ngồi viết trong 2 tiếng đồng hồ rồi chuyển cho nhạc sỹ và ông ấy bắt đầu ngồi ôm đàn sáng tác phần nhạc”.
Bài hát sau đó được nhạc sỹ Trần Hoàn đưa về nước tiếp tục chỉnh sửa trong cùng năm đó và dần dần được phổ biến khắp cả nước. Từ ấy, ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” luôn được các lưu học sinh Việt Nam ở Nga yêu thích trong mỗi dịp gặp gỡ, như để phần nào làm vơi đi nỗi nhớ quê hương, Tổ quốc.
Đã nhiều năm sống xa quê hương xứ Nghệ, nơi có làn điệu dân ca ví giặm, cảm nhận về bài hát này, chị Trần Thị Hưng, công tác tại Hà Nội, cho biết: “Bài hát này nổi tiếng không những ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước. Bà con Kiều bào ở nước ngoài mỗi lần nghe bài hát này rất cảm xúc, nhất là những người con quê hương xứ Nghệ thì rất xúc động và có cảm giác ấm áp, gần gũi với quê hương”.
Với nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn, quãng thời gian sinh viên sôi nổi của mình từ năm 1980 đến 1986 luôn để lại cho ông những kỷ niệm đẹp không thể phai nhòa. Từng con phố, cánh rừng, từng hàng bạch dương, mùa đông, mùa thu hay mùa xuân – tất cả những hình ảnh đó in đậm trong ký ức ông.
Giờ đây, mỗi khi đi nghe lại bài hát này, trong ông lại hiện về những kỷ niệm của đất nước mà ông đã từng sống rất lâu như vậy: “Có thể nói trong cuộc sống cũng như công việc của mình, nước ngoài mà tôi được sống nhiều thời gian nhất đó là nước Nga, và kỷ niệm với nước Nga thì mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi. Thời gian học tập của tôi ở Trường Đại học Lomonosov khá lâu, đặc biệt trong 6 năm trời chỉ ở trong một ký túc xá, cho nên mọi thứ trở nên thân thuộc. Những cánh rừng, những con đường mùa đông tuyết phủ trắng xóa…, tất cả những hình ảnh đó tôi không bao giờ quên được. Đặc biệt tấm lòng của người Nga, đó là những con người hết sức nhân hậu, chân tình”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn vẫn cho mình là người may mắn khi năm nào cũng có dịp sang Nga công tác. Mỗi lần trở lại đất nước này, ông đều về thăm ngôi trường cũ, thăm người thầy đáng kính của mình là Giáo sư, Tiến sĩ Yasen Zasurskiy, nguyên Trưởng khoa Báo chí và hiện là Chủ tịch khoa Báo chí của Trường Đại học Lomonosov. Đất nước Nga, con người Nga và thiên nhiên Nga luôn để lại những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn. Đó là những kỷ niệm mãi mãi gắn bó với những tình cảm và suy nghĩ của ông cho đến hết cuộc đời./.