Lời Bài Hát đi Cấy

Chào các bạn,

“Đi cấy” là bài dân ca Thanh Hóa. Bài có nhiều chi tiết thú vị.

Đây là lời bài hát hiện nay:

Lên chùa bẻ một cành senĂn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăngBa bốn cô có hẹn cùng chăngCó bạn cùng chăngThắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềmMuốn cho trong ấm ngoài êm…

Ngay câu đầu tiên đã thấy là lạ: “Lên chùa bẻ một cành sen”. Hái sen thì có nhưng có ai nói “bẻ cành sen” đâu, vì sen làm gì có cành mà bẻ, sen thì có cuống sen thôi.

Cách đây 6, 7 năm, báo chí nổ ra một vụ tranh luận xung quanh chuyện cây hoa sen trong dân gian xưa là cây gì. Có lẽ câu chuyện bắt nguồn từ nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long khi anh cho rằng “cành hoa sen” trong câu hát: “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…” hay trong câu ca dao: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”… chính là cành của “cây sen đất” ở chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Đây là loại cây thân gỗ, hoa gần giống sen đầm và “khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây hoa sen đất lâu đời”.

(Xem ảnh hoa và cây sen đất ở chùa Bối Khê, HN.)

Nếu cho rằng cuống sen (của sen trong đầm) yếu ớt thì làm sao vắt được chiếc áo, phải là cành cây cứng cáp thì mới vắt được áo (trong câu “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”), thì cây sen đất ở trên quả là khá thuyết phục. Thế nên cây sen trong câu “Lên chùa bẻ một cành sen” cũng có thể là cây sen đất đó lắm. Tuy nhiên đây là một câu chuyện cần nghiên cứu kỹ hơn.

Câu tiếp theo: “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”. Tại sao đã có trăng sáng rồi, đã đi cấy bằng ánh trăng rồi, lại không ăn cơm bằng ánh trăng mà lại ăn bằng đèn?

Nói thêm về chuyện “đèn”:

Bài hát “Đi cấy” này nằm trong trò diễn dân gian vùng Kẻ Rủn (Thanh Hóa) vào đầu xuân. Các con trò (người diễn) đều đội đĩa đèn to trên đầu với ngọn bấc đang cháy sáng, trong khi đó miệng thì hát, tay và chân thì múa, có khi còn nằm sấp, rồi lật ngửa bên này bên kia. Trò diễn này được gọi là Múa đèn Kẻ Rủn. Thế nên, “đèn” ở đây rất quan trọng.

Đèn là hình ảnh của thần lửa. Tổ tiên ta từ lâu đã tôn thờ lửa. Ta có thể thấy dấu tích còn sót lại ở ngày nay trong tục thờ thần bếp, thờ ông táo…, cho đến việc làm lễ dâng cúng ông bà tổ tiên cũng phải dùng nhang đèn trước tiên.

Quay lại với câu hát “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”, tại sao các tác giả dân gian lại đặt hai hành động này cạnh nhau? Hẳn là có ý nghĩa sâu xa nào đó. Hãy xem lời giải thích của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (sinh năm 1934, mất năm 2021) về câu này:

“Chuyện trai gái yêu đương, vợ chồng ân ái được bày tỏ trước thần linh, chung quanh làng xã, trong khi các con trò phải chọn gái thanh tân, liệu có phạm tội bất kính chăng? Hoàn toàn không. Tín ngưỡng phồn thực dường như đã lùi về quá khứ xa vời. Thực chất chúng ta vẫn nhận ra qua biểu tượng âm – vầng trăng, dương – ngọn đèn, cặp âm dương là nguồn gốc của sinh sôi. Chúng ta sẽ còn gặp lại hai biểu tượng âm dương – đực cái này ở tiết đoạn múa hát ‘Đi cấy’, một trong những công đoạn quan trọng của mùa vụ. Nói rõ hơn đi cấy và động tác ‘cấy’ là sự giao hợp kỳ diệu sáng tạo nên bông lúa, nên mùa vàng.

Lên chùa bẻ một cành senĂn cơm bóng đèn* đi cấy sáng trăngBa bốn o có lịch* cùng chăngCó bợm* cùng chăngThắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềmMuốn cho trong ấm ngoài êm…

(lời hát cổ)

* Bóng đèn = ngọn đèn.* Lịch = từng trải.* Bợm = mạnh bạo.

Động tác cấy lúa giống như động tác giao phối mà cả mùa cấy là cuộc giao hoan, âm dương gặp gỡ giao hòa kỳ diệu. Cây lúa cũng đến thì con gái xanh tươi mơn mởn tuổi dậy thì rồi mang thai, hình thành đòng đòng – bông lúa non như đứa bé nằm trong bụng mẹ – dân gian xưa ví hát: ‘Thứ nhất là tội giết con, thứ nhì là tội ăn non đòng đòng’. Đứa con đòng đòng ấy ra đời lớn dần kết thành hạt ấm, hạt no, hạt vàng, hạt ngọc, như bông sen của cành sen hái trên chùa thơm ngát hương hoa…

Xem thêm  Lý Cây Bông Lời Bài Hát

Ở thôn quê trước kia, vào thời vụ cấy hái, tuyệt đẹp là những đêm trăng sáng, nam nữ tha hồ hò hát, tùy ý giao tình, tỏ tình dưới ánh trăng, trong lao động, thế mà vẫn ‘trong ấm ngoài êm’. Giai điệu âm nhạc kết hợp lời ca láy lại ‘êm lại ngoài êm’, họ yêu nhau trong lao động dù trần tục hay thầm kín vẫn thơm tho, thanh tịnh như cảnh chùa, cành sen, vẫn trong sáng như ánh trăng, như ‘chơi trăng’. Múa đèn Kẻ Rủn với bài Đi cấy sáng trăng là viên ngọc qúy trong kho tàng dân ca Việt Nam.”

Các bạn có thể đọc toàn bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (dưới đây).

Dưới đây là 3 clips. Clip đầu là bài hát “Đi cấy”. Hai clips sau nói về Múa đèn Kẻ Rủn (tên hiện tại là Tổ khúc múa đèn Đông Anh), trong đó có 1 clip ngắn và 1 clip dài.

Mời các bạn cùng thưởng thức và suy ngẫm một chút về một mảnh văn hóa dân tộc.

Chúc các bạn ngày vui.

PTH

***

Biểu diễn múa đèn dân ca Đông Anh (Đông Sơn). Ảnh: HÀ HIỆP

Năm 1961-1962 nhạc sĩ Lê Quang Nghệ sưu tầm và ghi âm chủ yếu phần âm nhạc và lời ca tại xã Đông Anh (nay là xã Đông Khê) lân cận, đặt tên Đông Anh cho điệu múa đèn là “Tổ khúc múa đèn Đông Anh”, Nhà Xuất bản âm nhạc – Hà Nội cho in vào cuốn Dân ca Việt Nam, chọn bài Đi cấy sáng trăng với lời ghi chú như trên. Theo ý kiến của Nhân dân các xã như Đông Xuân, Đông Thịnh, Đông Khê thuộc vùng Kẻ Rủn, tên gọi ấy không chính xác vì đây là một “Trò diễn dân gian” sáng tác dân gian với sự đóng góp tập thể của cả vùng Kẻ Rủn, xưa làng nào cũng diễn trò này vào đầu xuân năm mới tại nghè, đình làng mình để thờ thần cầu mong ngài phù hộ phong đăng hòa cốc. Bởi vậy, tôi lấy lại tên cổ của trò diễn dân gian xưa để đảm bảo tính chính xác khoa học…

Múa đèn Kẻ Rủn là bài ca lao động sản xuất nông nghiệp gồm nhiều công đoạn phản ánh công việc theo quy trình mùa màng khép kín trong năm. Hơn mười con trò biểu diễn đều đội đĩa đèn to trên đầu, ngọn bấc đang cháy sáng để tay múa miệng hát, biểu diễn những động tác mô phỏng có nghệ thuật. Đặc điểm Múa đèn, đĩa đèn, ngọn đèn vừa là đạo cụ, vừa không phải đạo cụ. Nó như là một bộ phận gắn liền với con người, được tạo hóa ưu ái ban cho diễn viên – con trò – thêm ánh hào quang trên đầu, giúp họ con mắt kỳ diệu nhìn rõ không gian, thời gian lao động sản xuất để sáng tạo ra những mùa vàng làm nên hạnh phúc ấm no. Nhưng ngọn đèn, đĩa đèn đội trên đầu lại là trở ngại cho biểu diễn nghệ thuật. Chắc chắn các cụ ta xưa không lạ gì điều này. Nhưng tại sao ngọn đèn, đĩa đèn vẫn phải ở trên đầu, cháy sáng rực trên đầu con trò mà không thể khác? Ngọn đèn, ngọn lửa ấy chỉ có thể là hình tượng hóa tư tưởng và nghệ thuật của trò diễn, của một vị thần thiêng – thần lửa.

Người Việt ta từ thời đại nguyên thủy, thời đại đồ đá Cũ đã tôn thờ Lửa, lửa được xem là vị thần tối cao. Trong ngôn ngữ người Việt người ta gọi ngọn đèn là thần đăng, “Nói đây có bóng thần đăng” chứng giám, vị thần thiêng liêng như Trời Phật. Tục thờ thần lửa, thần bếp, thờ ông táo, táo quân phổ biến ở mọi nhà. Những tục kiêng như không ngồi chính giữa bếp, không gõ lên đầu ông bếp, ngày 23 nặn ông bếp mới để thay ông bếp cũ…

Xem thêm  Luộc Trứng Vịt Trong Bao Lâu

Lễ tế giao – Nam giao là lễ tế trời, người ta đốt lửa, lấy ngọn lửa làm lễ vật dâng cúng ông thần Trời tối cao. Cho đến lễ vật dâng cúng tổ tiên cũng phải có, phải dùng trước tiên là hương đăng, đèn hương – đèn là lửa, hương cháy sáng cũng là lửa. Các tôn giáo phương Đông, phương Tây ngàn xưa cũng đều như vậy.

Múa đèn là bản trường ca lao động sản xuất mùa vụ, phải có ngọn đèn – ánh sáng, sức nóng, như mặt trời mùa xuân ấm áp cho hạt giống nảy mầm, cây lá tốt tươi, vạn vật tăng trưởng. Lậy trời mưa xuống, ơn trời mưa gió phải thì… mọi thứ nhờ trời, gốc ở trời, trời là lửa, vị thần Lửa có thể ban phát cho mọi thứ, cũng có thể thiêu cháy tất cả!

Trò diễn dân gian Múa đèn, con trò được tuyển đóng vai diễn phải là nam nữ thanh tân, nếu không thần linh quở trách, chẳng may đèn bị đổ, làng xã bắt phạt, mọi người lo lắng năm ấy mùa vụ thất bát! Nhưng gia đình nào có con được tuyển chọn đều vinh dự tự hào động viên con cháu cố gắng làm tròn nhiệm vụ.

Các con trò phải tập trung luyện tập từ tháng 11 âm lịch để ngày rằm tháng Giêng đầu xuân mới biểu diễn dâng cúng thần linh tại đình, nghè cũng là vui xuân phục vụ dân xã. Đó là đêm Tết Nguyên tiêu vầng trăng tròn vành vạnh, trong sáng vằng vặc ngự trên bầu trời ba tổng, chín làng vào hội diễn trò Múa đèn và một số trò vui xuân, mừng xuân khác. Theo các cụ già xưa truyền lại, đèn đội đầu chưa bao giờ bị đổ do được thần linh phù hộ, nếu đĩa đèn bị nghiêng đổ, ngọn đèn bị tắt là điềm chẳng lành, năm ấy mưa nắng thất thường, mùa màng thất bát.

Mở đầu trò diễn Múa đèn, các vai diễn đứng sắp hàng chữ “nhất” trước hương án thờ thần, chắp tay vái lạy đức Đại vương Lê Ngọc rồi vừa múa vừa hát do sự điều khiển của các trò bằng trống tiểu cổ hay cái mõ tre hoặc chiếc mèng mèng:

Lời hát:

Thấp thoáng có ngọn đèn quang

Còn không ta lấy, dở dang ta đừng.

Trong nhà đèn thắp tứ* ngày ràng rạng

Lòng ta lại muốn chơi trăng ngày thềm

Muốn cho trong ấm ngoài êm…

Lời ca mộc mạc không phải là dân ca nghi lễ hay chúc tụng làng xã như nhiều trò diễn dân gian. Đây là một khúc ca trữ tình, nhịp điệu vui tươi, giai điệu đằm thắm, vũ điệu giao duyên. Chuyện trai gái yêu đương, vợ chồng ân ái được bày tỏ trước thần linh, chung quanh làng xã, trong khi các con trò phải chọn gái thanh tân, liệu có phạm tội bất kính chăng? Hoàn toàn không. Tín ngưỡng phồn thực dường như đã lùi về quá khứ xa vời. Thực chất chúng ta vẫn nhận ra qua biểu tượng âm – vầng trăng, dương – ngọn đèn, cặp âm dương là nguồn gốc của sinh sôi. Chúng ta sẽ còn gặp lại hai biểu tượng âm dương – đực cái này ở tiết đoạn múa hát “Đi cấy”, một trong những công đoạn quan trọng của mùa vụ. Nói rõ hơn đi cấy và động tác “cấy” là sự giao hợp kỳ diệu sáng tạo nên bông lúa, nên mùa vàng.

Lên chùa bẻ một cành senĂn cơm bóng đèn* đi cấy sáng trăngBa bốn o có lịch* cùng chăngCó bợm* cùng chăngThắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềmMuốn cho trong ấm ngoài êm…

(lời hát cổ)

Động tác cấy lúa giống như động tác giao phối mà cả mùa cấy là cuộc giao hoan, âm dương gặp gỡ giao hòa kỳ diệu. Cây lúa cũng đến thì con gái xanh tươi mơn mởn tuổi dậy thì rồi mang thai, hình thành đòng đòng – bông lúa non như đứa bé nằm trong bụng mẹ – dân gian xưa ví hát: “Thứ nhất là tội giết con, thứ nhì là tội ăn non đòng đòng”. Đứa con đòng đòng ấy ra đời lớn dần kết thành hạt ấm, hạt no, hạt vàng, hạt ngọc, như bông sen của cành sen hái trên chùa thơm ngát hương hoa…

Ở thôn quê trước kia, vào thời vụ cấy hái, tuyệt đẹp là những đêm trăng sáng, nam nữ tha hồ hò hát, tùy ý giao tình, tỏ tình dưới ánh trăng, trong lao động, thế mà vẫn “trong ấm ngoài êm”. Giai điệu âm nhạc kết hợp lời ca láy lại “êm lại ngoài êm”, họ yêu nhau trong lao động dù trần tục hay thầm kín vẫn thơm tho, thanh tịnh như cảnh chùa, cành sen, vẫn trong sáng như ánh trăng, như “chơi trăng”. Múa đèn Kẻ Rủn với bài Đi cấy sáng trăng là viên ngọc qúy trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Xem thêm  Mơ Lời Bài Hát

Trò diễn Múa đèn đầu trò “chơi trăng” giữa trò “chơi trăng”, kết trò không “chơi trăng” mà chơi trò “Đánh lá lật”. (Các nhà sưu tầm không giải thích được). Tôi cho rằng: Bài hát: Đi cấy sáng trăng mới là khúc ca dạo đầu. Nó phát triển lên cao trào để kết thúc là “Đánh lá lật”. Diễn viên nằm sấp, lật ngửa nghiêng bên này, bên kia, đôi tay vẫn múa, mười ngón tay guộn vào, mở ra đều đặn, dẻo dang và đĩa đèn thần với ngọn lửa thiêng vẫn cháy sáng rực trên đầu. Tín ngưỡng phồn thực chúng ta còn thấy ở tục người Mường trước 1945 cắm hình âm vật, dương vật ở ruộng lúa, trò Chụt buổi cuối cùng lễ hội trai gái ôm nhau tha hồ… Lại có trò đêm 30 tết toàn dân ra nghè lễ thần, nam nữ phải giao cấu với nhau khi tắt đèn để vui lòng thần, con cái sinh ra được xem con thần, con thánh cả xã chúc mừng, gia đình, làng xóm làm ăn thịnh vương.

Múa đèn Kẻ Rủn là một hoạt cảnh gồm mười khúc đoạn. Trong trò diễn phải có người “cầm cái” có lời hỏi và tiếng đế trả lời khi chuyển cảnh. Ví dụ: Bà con ơi! Bây giờ tháng giêng, tháng hai, ta đi luống bông luống đậu phải chăng? Tiếng đáp lại vang cả sân đình: Phải rồi! Phải rồi! Ta đi luống bông luống đậu…

Điệu Múa đèn của Kẻ Rủn là bóng dáng của Múa Bài Bông ca trù và Múa Bông nổi tiếng của cung đình Huế. Múa Bài Bông nguồn gốc từ múa Bát Dật thời cổ dùng cho vua chúa, thân vương gồm những 64 người (8 x 8 = 64). Múa Bài Bông 16 người hay 12 hoặc 8 người chỉ để thờ cúng thành hoàng, thần tổ. Múa Bông thời Trần do Chiêu văn vương Trần Nhật Duật chỉnh lý dùng trong Hát Nhà trò (sau gọi là Ca trù) cũng phải như vậy (64 người). Về sau vì thiếu người phải giảm bớt dần. Múa Bông cung đình Huế thay đĩa đèn dầu trên đầu bằng hai chiếc đèn lồng gánh trên vai. O thôn nữ xứ Thanh được tuyển vào kinh đô Huế để làm đào nương múa hát phục vụ vua chúa, trước phải bỏ đi “cái trống mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không”, thay bằng bộ xiêm y, áo quần quyền qúy. Và rất quan trọng là dùng đèn lồng bỏ đĩa đèn dầu để chắp thêm đôi cánh nghệ thuật bay lên. Rồi đèn lại được chuyển biến thành hoa: Hoa đèn, đèn hoa cũng là bước phát triển tất yếu của con đường nghệ thuật, bởi hoa – đèn, đèn với hoa vốn có duyên tương hợp mà tục lệ – lễ hội treo đèn kết hoa đã thấy quốc sử ghi chép từ thế kỷ X đời vua Lê Đại Hành.

Múa đèn Kẻ Rủn, trò diễn dân gian này như là một hoạt cảnh ca vũ nhạc mang yếu tố sân khấu sơ khai của nghệ thuật chèo hát sân đình. Những điệu múa tay của tỉa đậu, vãi mạ… là cơ sở ban đầu để trở thành múa tay không trong nghệ thuật chèo cổ, mà cô đào chèo bằng đôi tay tuyệt diệu của mình làm mưa làm gió trên sân đình thời chiếu trải thuở xưa. Nó mang bóng dáng đôi bàn tay dẻo dang khéo léo của o thôn nữ xứ Thanh trong Múa đèn Kẻ Rủn, trong “Đi cấy sáng trăng”.

* Tứ ngày = cả ngày.

* Bóng đèn = ngọn đèn.

* Lịch = từng trải.

* Bợm = mạnh bạo.

Hoàng Tuấn Phổ

***

1. Đi cấy – Tốp Ca Nữ CMVN (Thu thanh trước 1975) | Official Lyric Video by Hà Nội Vi Vu

2. Đặc sắc Tổ khúc múa đèn Đông Sơn

3. Múa đèn (Dân ca Đông Anh)CLB VHVN Hội người cao tuổi Làng Viên Khê phối hợp Hội VHNT thực hiện.