Trong suốt hơn 30 năm qua, ca khúc “Đất nước” đã “sống” đúng nghĩa trong lòng người dân Việt Nam. Những ca từ trong sáng hòa cùng nốt nhạc trầm bổng luôn làm thổn thức trái tim mỗi người khi nhớ về Mẹ, về quê hương, về Tổ quốc rất đỗi thiêng liêng.
Bài thơ Đất nước của tác giả Tạ Hữu Yên ra đời năm 1984, sau một lần nhà thơ thăm trại an dưỡng dành cho các bà mẹ có con là liệt sỹ ở Thái Bình. Và rất nhanh sau đó, nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đã phổ nhạc, được sự đón nhận của công chúng cả nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: vovworld.vn
Bài thơ tuy không bắt nguồn từ cảm hứng lớn lao như ở “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm hay Nguyễn Đình Thi nhưng với sự khắc họa của nhà thơ, hình ảnh đất nước vẫn hiện lên gần gũi như tình cảm gắn bó giữa hậu phương hướng về tiền tuyến, những mất mát hy sinh, những nỗi đau, những ân tình của Mẹ…
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầuNghe dịu nỗi đau của mẹBa lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽCác anh không về, mình mẹ lặng im…”
Tiếp nối mạch cảm xúc trữ tình, nhà thơ khắc họa hình ảnh đất nước trong những điều bình dị nhất như “giọng ca dao”, “tiếng mẹ ru con”, “tiếng sáo”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”… Những điều bình dị là vậy nhưng lại vô cùng lớn lao, nhẹ nhàng là vậy nhưng lại vô cùng sâu sắc để qua đó ta mới thấy được sự hi sinh thầm lặng mà cao cả của người mẹ, để giữ cho đất nước trường tồn mãi mãi…
Những lời thơ mộc mạc nhưng lại rất giàu hình ảnh và giàu ý nghĩa nhân văn đó đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chắp đôi cánh âm nhạc bởi theo ông, bài thơ chứa đựng nhiều ý độc đáo, trữ tình nhưng cũng rất hùng tráng, đi vào khía cạnh tình cảm mang chất tự sự nói về đất nước, nói về mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, cũng phải mất tới một năm “thai nghén”, nhạc sĩ họ Phạm mới hoàn tất ca khúc “Đất nước”.
Có thể nói rằng, bài hát “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa, là lời tri ân chân thành nhất, chạm tới chiều sâu nhân sinh trong lòng mỗi con người Việt Nam.
(Nguồn: http://cinet.vn)