Lời Bài Hát Cô Gái Sài Gòn đi Tải đạn

Video lời bài hát cô gái sài gòn đi tải đạn

Ảnh minh họa

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ(tên khai sinh là Lê Văn Gắt), sinh ngày13 tháng 3 năm 1936,tạiThủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nguyên Ủy viên Ban thư ký HộiNhạc sĩ Việt Nam, khóa III. Phó tổng thư ký HộiÂm nhạcThành phố Hồ Chí Minh (1981). Nguyên Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tạiThành phố Hồ Chí Minh. Năm 1955, 19 tuổi ông cùng 300 học sinh miền Nam tạm biệt gia đình, bất chấp mọi hiểm nguy, vượt giới tuyến ra miền Bắc và có nhiều sáng tác được chú ý như Bài ca giã từ, Mồ chiến sĩ… Tháng 6 năm 1962, tốt nghiệp Khoa Sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), sau đó về nhận công tác ở Đoàn Ca múa miền Nam. Năm 1967, Lư Nhất Vũ công tác tại phòng chỉ đạo Văn công thuộc Vụ Âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn Ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên. Ông trở về chiến trường miền Nam năm 1970, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam bộ. Sau năm 1975, Lư Nhất Vũ công tác ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến nay.

Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, Lư Nhất Vũ có các tác phẩm tiêu biểu như:Chiều trên bản Mèo(1961, hợp xướng), Hàng em mang tới chiến hào (1964), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Thống nhất Trung ương), Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Tiếng cồng vượt thác, Hòn Khoai (nhạc cảnh). Ông đã xuất bản hai tuyển tập Tiếng đàn quê em và Hãy yên lòng mẹ ơi. Nhạc cho kịch múa (Truyền thuyết về cây đàn đá, Tay không thắng giặc), Bài ca đất Phương Nam, Chú bé đi tìm cha (phim Đất Phương Nam), Tỳ bà khúc (phim Thanh gươm để lại), Lời ru sau cơn giông (phim Còn lại một mình), Tiếng đàn Thạch Sanh (phim Thạch Sanh – Lý Thông)… Ông còn có một loạt những công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca các miền Nam bộ đã xuất bản (cùng viết với một số tác giả Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Thạc An, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ): Dân ca Bến Tre, Kiên Giang, Cửu Long, Sông Bé, Hậu Giang…

Khi được hỏi về bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại: Trong thời điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân – 1968, mỗi lần gặp các chú, các má và anh chị em trong Hội đồng hương Sài Gòn – Chợ Lớn tại Hà Nội, ai cũng hỏi và giục: Có bài hát về Mậu Thân ở Sài Gòn chưa? Mấy ông nhạc sĩ chưa hề biết về Sài Gòn, vậy mà bài hát của họ nghe đã quá! Đây thực sự là một thách thức đối với tôi. Sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công, tôi được điều động vào Tổ công tác chi viện cho chiến trường B. Vì thế tôi phải thường xuyên lên miền núi tuyển chọn diễn viên về bổ sung cho Đoàn Ca múa Tây Nguyên, đồng thời cùng đồng đội gấp rút làm đề án củng cố Đoàn Văn công Sư đoàn 330 tập kết. Nhưng một sáng tác để nói về Tết Mậu Thân 1968 thì đúng là tôi phải có, phải làm, nhưng làm như thế nào. Thời điểm ấy, đã có quá nhiều sáng tác nổi bật về Mậu Thân như Đô thành nổi dậy (Đỗ Nhuận), Tiến lên chiến sĩ đồng bào (thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch,Huy Thục phổ nhạc), Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Chào anh giải phóng quân, Chào mùa Xuân đại thắng (Hoàng Vân), Sài Gòn tiến quân (Nguyễn Đồng Nai), Cô du kích Đà Nẵng (Thanh Anh), Tiến về thành Huế (Trần Hoàn)… thì tôi biết “lẩy” vào ý nào. Một hôm, tình cờ được đọc bài báo viết về các cô gái Sài Gòn thuộc nhiều thành phần (học sinh, sinh viên, thợ thuyền, buôn gánh bán bưng…) hăng hái thoát ly gia đình, vào chiến khu tham gia Đoàn thanh niên xung phong hỏa tuyến… Những tiểu thư chân yếu tay mềm không ngại hy sinh gian khổ, băng qua mưa bom, bão đạn để vận chuyển từng viên đạn cho pháo binh ta chiến đấu. Thế là ý tưởng về “Đội nữ tải đạn Sài Gòn” hình thành. Sau nhiều ngày viết rồi sửa chữa tại căn nhà 7C, ngõ Trung Tiền, phố Khâm Thiên, Hà Nội, tôi hoàn thành bản thảo rồi đạp xe vào Cầu Giấy nhờ nhạc sĩ Nhật Lai góp ý. Sau khi chơi thử bằng huýt sáo và đàn piano, anh Nhật Lai khuyên tôi thêm đoạn cao trào trước khi chuyển sang điệp khúc. Chiều hôm sau ở phòng làm việc cơ quan tại 32 Nguyễn Thái Học (khi đó là Trường Âm nhạc Việt Nam), tôi vừa đàn, vừa hát ca khúc này trước khán giả đầu tiên là các nhạc sĩ Đào Trọng Từ, Trần Tuất Toại cùng nghệ sĩ piano Ánh Nguyệt. Buổi “tổng duyệt” khá thành công và mấy ngày sau, Báo Nhân dân đăng bài hát này với nhan đề Đội nữ tải đạn Sài Gòn. Sau đó nhạc sĩ Triều Dâng cùng tôi và Lê Lôi quyết định đổi tên thành Cô gái Sài Gòn đi tải đạn.

Xem thêm  Wannabe Lyrics

Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi, ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang.

Sương đêm, sương đêm ướt đầm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân.

Từ ngày đô thị vùng lên, chị em mình đi tải đạn, để các anh đi diệt thù.

Quả pháo ơi trên đường đi xa có mỏi, suốt đêm ngày có đói hay chăng?

Đường dài sức nặng càng tăng, cùng ta mang nặng tình chiến đấu, khó khăn chẳng rời.

Chị em ơi! Mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta cùng các anh góp lửa diệt thù.

Dù bom rơi dù bao bốt đồn, mong các anh yên lòng từng trái pháo tới tay anh.

Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân cùng hiến dâng quyết giải phóng quê mình.

Chị em ơi! Niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường kìa hỏa tuyến đang chờ ta.

Hôm qua, hôm qua chưa hề vác nặng em chưa từng vượt suối qua bưng, em chưa từng giãi nắng dầm mưa.

Hôm nay, hôm nay em là chiến sĩ, vai dạn dày vững vàng bước chân. Lòng người đang độ mùa xuân.

Trào dâng niềm vui đánh Mỹ, dẫu hiểm nguy em không nề.

Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ.

Suốt đêm ngày ta bế trên vai.

Đường về đô thị còn xa, ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình.

Chị em ơi! Mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta cùng các anh góp lửa diệt thù.

Xem thêm  Lời Bài Hát Sóng

Dù bom rơi dù bao bốt đồn, mong các anh yên lòng từng trái pháo tới tay anh.

Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân cùng hiến dâng quyết giải phóng quê mình.

Chị em ơi! Niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường.

Kìa hỏa tuyến đang chờ ta.

Sài Gòn đó! đang chờ ta tải đạn về.

Bài hát có giai điệu trẻ trung, tự nhiên, tiết tấu hơi nhanh, diễn tả vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh, sôi nổi của những cô gái tuổi đời còn rất trẻ mà làm những công việc nặng nhọc, gian lao. Giai điệu có hơi hướng Nam bộ và lời ca giản dị, đời thường, rất dễ ngấm, dễ thấm vào lòng người. Để phổ biến kịp thời, Ban Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam định thu thanh do tốp nữ của Đài với phần đệm của đàn accordeon. Nhạc sĩ Triều Dâng thì đề nghị đưa bài hát này cho tốp nữ Đoàn ca múa Trung ương với dàn nhạc dân tộc, nhưng thời điểm đó Đoàn này đang lưu diễn ở Nhật. Cuối tháng 8 năm 1968, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn được thu thanh; nhạc sĩ Nguyễn Chính viết phần đệm và ca sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng. Sau khi phát sóng, chỉ một thời gian ngắn, rất nhiều thư của khán giả gửi về Đài, yêu cầu được nghe lại trong Chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả. Lời bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạnvới nội dung hết sức đặc biệt và ý nghĩa, bài hát ra đời đúng khoảng thời gian cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn ra vô cùng ác liệt và cam go, giữa thời điểm lịch sử đó bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn ra đời đã cổ vũ động viên giúp toàn quân và toàn dân ta có thêm tinh thần và ý chí chiến đấu.Sau đó nhiều đoàn văn công dàn dựng, đưa bài hát lên sân khấu biểu diễn dưới hình thức tốp ca nữ. Bài hát nằm trong tuyển tập những bài hát cách mạng hay nhất mọi thời đại.

Xem thêm  Loi Bai Hat Remember Me

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại trong cuốn sách Nhạc và Đời (nhiều nhạc sĩ, xuất bản 1989) rằng Cô gái Sài Gòn đi tải đạn là một món quà cho quê hương miền Nam, mang theo tình thương yêu của người thân, ký ức sâu sắc của quê nhà và sự mong mỏi đợi chờ, niềm tin yêu hò hẹn. Tháng 4 năm 1970, từ Ga Hàng Cỏ rời miền Bắc vào Nam chiến đấu. Ông viết “Mười lăm năm sau có người lính trở về với trái tim của một nhạc sĩ nồng nhiệt và đầy hứa hẹn. Tôi không thể rước về một cô dâu đất Thăng Long, mà chỉ mang theo một Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Cô gái này dẫu sinh ra từ Hà Nội song vẫn mang dòng máu bắt nguồn từ điệu hát quê hương cùng hơi thở của mùa Xuân năm 1968”.

Tô An Huy