Lời Bài Hát Chiều đông Matxcova

1. Giữa lúc mọi người đang thắt lòng cảm thương khi hay tin có người Việt trong vụ 39 thi thể trong container ở Essex (Anh) xa xôi, một câu chuyện buồn về thân phận người Việt tha hương mưu sinh được nhạc sĩ Phú Quang kể trong chương trình truyền hình Ký ức vui vẻ khiến khán giả rơi nước mắt theo nỗi nghẹn ngào của ông.

Những người Việt xa xứ kém may mắn chính là cảm hứng để Phú Quang viết bài hát quen thuộc mà nhiều người ngỡ là một khúc tình ca buồn cho đôi lứa dở dang – bài Chiều đông Matxcơva.

Kể lại với Tuổi Trẻ, Phú Quang cho biết khoảng những năm 1990, ông có những chuyến lưu diễn ở Nga cho kiều bào xa xứ. Mỗi lần sang Matxcơva, ông hay lang thang ra chợ Vòm (chợ trời) mua đồ và gặp gỡ đồng hương.

Một lần ông chọn được vài món đồ ở quầy hàng của một người Việt, ông rút ví trả tiền thì bất ngờ anh bán hàng từ chối. Anh muốn tặng những món đồ đó cho nhạc sĩ Phú Quang bởi “anh ở Việt Nam sang, em rất nhớ Việt Nam, cái này em tặng anh thôi”.

Phú Quang còn nhớ đó chỉ là vài món đồ lặt vặt như xà phòng, kem đánh răng… không có giá trị vật chất lớn nhưng khiến người nhạc sĩ đa cảm xúc động trước tấm lòng thương nhớ quê hương và tình đồng hương của những đồng bào xa xứ.

Xem thêm  Lời Bài Hát Vầng Trăng Cô đơn

Ba ngày sau (không phải hai ngày như ông phát biểu trong Ký ức vui vẻ), trở lại khu chợ, nhạc sĩ mang theo chút tiền và một đĩa hát được ông làm cầu kỳ để tặng cho người đồng hương giàu tình cảm. Nhưng nhạc sĩ ngơ ngác không thấy bóng dáng người cũ, rồi thất kinh khi hay tin người bán hàng kia vừa chết vì lạnh.

Đó là một chiều đông Matxcơva, “một chiều đông giá trắng trong lòng tôi”, nhiệt độ xuống dưới âm 40 độ C.

Người nhạc sĩ đứng chôn chân giữa trời chiều xám ngắt ngập đầy tuyết trắng. Những xúc cảm đau buồn cho phận người xa xứ mà ông từng có chút duyên nợ trong buổi chiều hôm ấy, nhạc sĩ viết lên bài hát Chiều đông Matxcơva ngập tràn nỗi xót xa, day dứt và tiếc nuối, dành tặng cho người đồng hương xấu số.

“Từng bông tuyết nhẹ rơi/ Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi/ Niềm cô đơn lẻ loi/ Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi/ Về đâu hỡi người ơi/ Để hàng bạch dương xót xa chờ mong…”.

Mỗi lần Phú Quang sang Nga, bà con kiều bào lại yêu cầu được nghe bài hát này, một bài hát ông đã viết bằng tình cảm thật. “Nếu mà bạn đi như thế thì bạn sẽ rất thương những người lao động của chúng ta sang buôn bán ở đấy” – Phú Quang nghẹn ngào.

Xem thêm  Mơ Lyric

Vợ nhạc sĩ Phú Quang cho biết bà từng theo chồng đi lưu diễn nước ngoài nhiều lần nên rất hiểu nỗi niềm của những người con xa xứ. “Họ luôn cố tỏ ra vui tươi, hạnh phúc, thành đạt trước người thân và quê hương, nhưng đồng tiền kiếm được ở nước ngoài rất cực khổ chứ không hề dễ dàng gì” – vợ nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.

2. Trong gần hai tuần qua, công chúng Việt cũng nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần ca khúc Nước ngoài của Phan Mạnh Quỳnh, qua bản thu của chính Phan Mạnh Quỳnh và video ghi lại ca sĩ Hà Anh Tuấn trình diễn ca khúc này.

Ca khúc được Hà Anh Tuấn hát trong live show Truyện ngắn mới đây của anh tại Hà Nội, để “chia sẻ, cầu nguyện bình an cho những giấc mơ đổi đời trẻ tuổi”.

“Vì khi biết quê ta nghèo, rủ nhau bước đi muôn nẻo. Tìm đất khách mong làm giàu, mai sau ngẩng đầu. Mà đâu biết trong đêm dài, người không muốn ta ở lại. Chạy trong giá băng mệt nhoài, tâm tư hoang mang…” – những ca từ của Nước ngoài khiến bao khán giả rưng rưng. “Và trong lớp thanh niên làng/ Người may mắn đi vững vàng/ Còn ai trắng tay quay về…”, câu hát này có lẽ giờ đây đã phải cập nhật, rằng những ai còn quay về được là còn may mắn.

Xem thêm  Lời Bài Hát Ngồi Tựa Mạn Thuyền

Phan Mạnh Quỳnh trải lòng: “Tôi rất hiểu hoàn cảnh của những người này bởi anh họ tôi, bạn thân tôi đã đi nước ngoài.

Đặc biệt, người bạn thân nhất của tôi từng đi bằng container, nhưng sau vài lần bị bắt thì cũng đã sang được đến nơi. Tôi không ủng hộ đi trái phép, nhưng hoàn cảnh và tư tưởng của mỗi con người luôn khác nhau. Mình chỉ nên cầu chúc họ được an toàn, dù đến nơi hay trở về”.

Phan Mạnh Quỳnh mất hai năm để hoàn thành phần lời cho ca khúc này. Anh trở về quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, lắng nghe câu chuyện của hàng xóm, họ hàng để rồi chắt lọc thành ca từ vô cùng chân thực, thấu tận tâm can.