“Cây Đàn Bỏ Quên” và câu hỏi về tình yêu của nhạc sĩ Phạm Duy
Trong đời sống âm nhạc của mỗi người nghệ sĩ, cây đàn có lẽ là một trong những nhạc cụ gắn liền với sự nghiệp âm nhạc và là nguồn sức mạnh tinh thần cho người nghệ sĩ sáng tác ra những nhạc khúc đi vào lòng người. Trong gia tài âm nhạc khổng lồ của nhạc sĩ Phạm Duy với hơn 1000 ca khúc thì “Cây Đàn Bỏ Quên” luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng.
Nó không xuất hiện với những ca khúc mang âm hưởng dân ca quen thuộc trong tuyển tập những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, mà nó là dòng ca khúc trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng. Đây là một trong những ca khúc được sáng tác khi nhạc sĩ Phạm Duy còn rất trẻ và vẫn đang là một chàng trai thao thức với những rung động đầu đời.
Hơn thế nữa, nhạc phẩm này đã lọt vào mắt xanh của nhiều giọng ca vàng suốt hơn nửa thế kỷ qua và đã ghi dấu ấn thành công gắn liền với tên tuổi những nghệ sĩ đó.
Có thể kể đến như Hương Lan, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Duy Quang cho đến Thái Châu, Bằng Kiều, Quang Dũng. “Cây Đàn Bỏ Quên” được ra đời vào giữa thế kỷ 20 và đã nhanh chóng nhận được tình cảm của những người yêu nhạc, cả người hát lẫn người nghe khắp mọi miền đất nước.
Điều đặc biệt trong ca khúc này, từ tựa bài hát cho đến ca từ, nhạc sĩ Phạm Duy không hề nhắc đến bất kỳ nhạc cụ nào cho biết đó là cây đàn đã bị bỏ quên. Thấp thoáng, ẩn hiện trong những lời ca, càng không chứng tỏ cây đàn bị bỏ quên ấy là đàn guitar. Mặc dù ở rất nhiều bản hòa âm phối khí, âm hưởng giai điệu, đàn guitar luôn là một sự lựa chọn thân thiết của người nghệ sĩ.
Được sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1940, “Cây Đàn Bỏ Quên” là tác phẩm đặc biệt ra đời trong khoảng thời gian đầu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác bài này tại Bà Rịa, khi đang trên hành trình thiên lý theo gánh hát Đức Huy, khi mới ở lứa tuổi đôi mươi.
Trong đêm nhạc họ Phạm, khi MC là diễn viên Hồng Ánh, mời khán giả trẻ trong hội trường đặt câu hỏi với hai vị nhạc sĩ: nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Anh Cường, bất ngờ một khán giả có tên là Phạm Thị Bích Huyền đặt một câu hỏi rất hay với nhạc sĩ Phạm Duy về hoàn cảnh ra đời của bài hát “Cây Đàn Bỏ Quên”: “Chú là người đàn ông trong bài hát bỏ quên cây đàn ở nhà người phụ nữ nào, hay là được hư cấu trong hoàn cảnh nào?”.
Nhận được câu hỏi, nhạc sĩ Phạm Duy hơi bất ngờ, ông dí dỏm: “Cô rất đẹp nhưng hỏi câu hỏi khó quá!”, dù vậy ông cũng vui vẻ trả lời câu hỏi “khó” đó cho vị khán giả này. Nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ:
“Tôi làm bài hát Cây Đàn Bỏ Quên từ lúc mười tám đôi mươi tuổi, lúc đó tôi tham lắm. Tôi đã được một người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Tôi tự hỏi, cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi, chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.
Một lời chia sẻ gửi vào đó những tâm tư của nhạc sĩ. Chỉ với một bông hoa đặt để trên cây đàn là đủ để có thể làm thổn thức trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ và truyền cảm hứng cho từng lời ca tiếng hát.
Sau khi ông trải lòng về những tâm tư của mình dành cho bài hát “Cây Đàn Bỏ Quên”, những tràng pháo tay từ khán giả đồng loạt vang lên vì câu chuyện đằng sau ca khúc này dù cho danh tính của người phụ nữ mà nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ quên cây đàn vẫn chưa được tiết lộ.
“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đóa hoa đời xinh xinh“
Với câu hát đầu tiên ta có thể thấy “Cây Đàn Bỏ Quên” dường như chỉ là cái cớ để mở đầu cho một câu chuyện tình. Lúc này, người nghe chắc hẳn đều cảm thấy vô cùng thích thú bởi nét “đãng trí” đáng yêu này. Cây đàn là “vật bất ly thân”, gắn liền với đời sống âm nhạc của một người nghệ sĩ. Người ta thường nói tiếng đàn là tiếng lòng, cây đàn là bầu bạn tri kỷ của người nghệ sĩ.
Ấy vậy mà khi mang đến nhà người yêu, cây đàn thường ngày gắn liền như hình với bóng lại bị bỏ quên. Vậy tại sao nhạc sĩ Phạm Duy lại bỏ quên cây đàn? Liệu đó là nét quên thật hay là chàng nhạc sĩ cố tình quên để có cớ trở lại thêm một lần nữa.
Cây đàn được bỏ quên đến 2 lần, lần đầu là do cố tình bỏ quên như một sự sắp đặt, lần thứ hai là do người giữ cây đàn đi vắng mãi.
Dường như với 3 câu hát đầu tiên này, tác giả muốn thổ lộ rất nhiều tình cảm, tâm tư của mình nhưng cây đàn chỉ cất tiếng “tình tính tang”. Quả là một nét bối rối được xuất hiện đầy dụng ý ở câu hát này. Màu sắc của âm thanh “tính tình tang” là âm thanh bất hủ trong những tác phẩm lâu đời của văn học Việt, từng đi vào thơ ca nhạc họa.
Chúng ta chắc hẳn sẽ không thể quên được tiếng đàn của Thạch Sanh đàn kêu “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai mang công chúa dưới hang trở về”. Trong cuốn: “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết: “Cung đàn ta có những tiếng: tinh tĩnh tình tinh tung tang tàng”. Liên kết với những giai điệu trong âm nhạc của Phạm Duy, chúng ta có thể nhận ra ông thường sử dụng âm điệu “tính tình tang” ở cuối câu hát.
Do đó, cây đàn bị bỏ quên ấy cùng một phương pháp kích âm với đàn guitar. Nó chắc chắn là nhạc cụ dây gảy. Các ẩn phẩm bìa cho ca khúc “Cây Đàn Bỏ Quên” thường được minh họa bằng hình ảnh đàn violon đặt trên một bản nhạc.
Cây đàn lúc này phải chăng bị bỏ quên từ câu chuyện thực tế cho đến ngay trong câu hát. “Cây đàn nằm đó” được đặt trước một từ “nhưng” hẫng nhịp.
Từ “nhưng” chợt buông ra như một tiếng thở dài hụt hẫng của một chàng trai lạc mất người con gái của mình “Nhưng em đâu rồi”.
Suốt bài hát, người con gái ấy vẫn chưa từng xuất hiện. Người nghe vẫn không biết cô gái đã đi đâu. Chỉ biết khi chàng trai quay lại với cái cớ tìm lại “cây đàn bị bỏ quên”, đã không còn thấy cô kể từ lúc đó.
Duy chỉ thấy một bông hoa được đặt trên phím đàn, chỉ còn lại tiếng hát lời ca, dáng người thân quen mới còn đó đã vội đi mất.
“Đóa hoa đời xinh xinh” thay cho biết bao lời, tâm tư mà “người tiên” chưa nói. “Người tiên” là cô gái trong tâm trí của nhạc sĩ, vừa mới đây đã lặng lẽ đi mất như trong chuyện cổ tích. Chất kể chuyện phong phú vốn có trong những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Ba nhân vật Tôi – Em – Cây Đàn xuất hiện trong câu hát này mặc dù không quá nổi bật, không quá cầu kỳ nhưng vẫn đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng sâu lắng.
Từ đầu chí cuối, dường như chỉ có mỗi “tôi” tự sự với cây đàn, còn em như một “người tiên” hư vô đến rồi chợt đi mất, để lại trong lòng người ở lại một chút bâng khuâng thổn thức khôn nguôi.
Câu hát đó cũng có thể hiểu là: Không có em, thôi thì anh gói ghém nỗi nhớ và hình bóng em thành một bông hoa trên phím đàn và gọi nó là “người tiên”. “Người tiên” tươi cười, “Người tiên tặng đóa hoa đời xinh xinh”.
Vẻ bay bổng, ngất ngây, đẹp đẽ này được đưa vào câu hát. Bằng trí tưởng tượng của một người nghệ sĩ và trái tim của một chàng trai đang yêu, hình bóng em chợt hóa thành đóa hoa đời xinh xinh. Nếu chỉ một chữ “xinh” xuất hiện trong câu hát này thì có lẽ đó chỉ là một phán đoán thông thường trước một nét đẹp.
Nhưng ở đây nhạc sĩ Phạm Duy đã khéo léo lồng ghép từ láy “xinh xinh” để bộc lộ nhịp đập trái tim trần thế trước một vẻ đẹp ngây ngất, mênh mang lòng người.
“Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Đem về say đắm, tôi nâng niu hoa vàng, tình tang”
Có lẽ ban đầu anh vô tình bỏ quên cây đàn nhưng về sau, anh đã bỏ quên cây đàn thật sự. Anh nâng niu cây đàn như nâng niu sự mơ tưởng, vấn vương về một bóng hình và dư âm mà em để lại.
Cây đàn bây giờ không chỉ cất lên lời ca tiếng hát như trước đây, mà nó đã đơm kết cùng đóa hoa trên phím đàn, đọng lại một nỗi nhớ khôn nguôi. Thôi thì tôi đem đàn về mà ôm nhớ nhung, nhìn đàn và hoa để nhớ thương dáng hình người trong mộng:
“Khi bông hoa úa vàng
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương?”
Cho dù bông hoa có úa vàng, nhưng dư vị trong lòng có lẽ sẽ còn mãi vấn vương. Hương cành ngày cũ vẫn còn đó. Cánh hoa em tặng còn đây một đóa hoa đời nhớ thương. Tình ý của tôi nương náu nơi đàn, nơi hoa đến khi bông hoa úa vàng, thời gian trôi hết nét vàng son, tôi mới dám thốt lên “Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương”, “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”.
Và rồi duy chỉ có tiếng đàn thốt lên:
“Người ôi! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Yêu tôi hay yêu đàn?”
Giờ đây có lẽ chỉ còn “tình hoa thắm thiết” trên phím đàn mà người để lại. Em ra đi như một “người tiên” biến mất trong truyện cổ tích, để lại sau lưng câu chuyện lửng lơ giữa tôi với hoa và đàn. Trong lòng cứ liên tục gợi lên hàng loạt câu hỏi vậy rốt cuộc “người yêu tôi hay yêu tiếng đàn của tôi”.
Qua những ca từ trong bài hát, người nghe có thể cảm được nỗi lòng yêu đơn phương của một kẻ mơ mộng đa tình, kín đáo. Đa tình ở đây có lẽ là những rung động ngổn ngang khi đứng trước một sợi dây tình khó thoát. Vì tôi đa tình nên đem lòng vấn vương bông hoa vàng người để lại.
Có thể em chỉ để quên bông hoa này, nhưng tôi vẫn ôm mơ tưởng và nâng niu những kỉ niệm còn sót lại. Nhạc sĩ Phạm Duy muốn khép lại bài hát với câu hỏi ở cuối bài để mở ra nhiều cái kết cho chuyện tình này.
Có thể em rạch ròi giữa việc yêu tôi và yêu đàn, cũng có thể em yêu đàn chứ không yêu người đánh đàn, nhưng cũng có một tia hy vọng rằng em trân trọng cả đàn lẫn người đánh đàn vì em yêu những lời ca tiếng hát từ đàn cất lên, yêu người đánh đàn đã mang đến những giai điệu ấy, hay yêu người làm cho mình yêu cả tiếng đàn.
Cho đến cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy mới có được lời giải đáp rằng: Có lẽ là cô ấy yêu cả hai. Cho dù có là tình yêu, nhưng yêu thôi là chưa đủ. Vì một lý do nào đó, người con gái ấy đã không thể đáp lại tình yêu của một người nghệ sĩ.
Để “Cây Đàn Bỏ Quên” mãi vấn vương với một chuyện tình vừa hư vừa thực. Người đến rồi đi như một giấc mộng, để lại đóa hoa đời xinh xinh, tỏa hương mãi mãi dù cho có úa vàng.
Dù nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã mãi ra đi lìa xa chốn nhân gian, nhưng đối với những thế hệ yêu âm nhạc nói chung và dòng nhạc của Phạm Duy nói riêng thì tên tuổi của ông vẫn luôn sống mãi. Ông để lại cho đời hơn 1000 tác phẩm trong kho tàng âm nhạc đồ sộ cũng chính là để lại nguồn cảm hứng sáng tác cho thế hệ sau này.
Từ hoàn cảnh sáng tác đến ý nghĩa của từng nhạc phẩm ông viết đều chất chứa những tâm tư, ẩn ý mà thế hệ sau có thể góp nhặt, tìm tòi và khám phá tâm hồn của nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam.
Cùng Nguyễn Đức Music lắng nghe ca khúc “Cây Đàn Bỏ Quên” của nhạc sĩ Phạm Duy tại đây