Giáo đường Im Bóng

Video giáo đường im bóng

Ông là đại thụ cuối cùng của nền tân nhạc Việt Nam ra đi.

Sáng 19-8, nhạc sĩ Đức Trịnh – chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – xác nhận với Tuổi Trẻ Online nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ mất khoảng 17h ngày 18-8 tại Hà Nội.

Có sáng tác đầu tay năm 1938, khi mới 17 tuổi, là ca khúc Giáo đường im bóng được yêu thích và nhiều ca khúc lãng mạn ảnh hưởng âm nhạc phương Tây như Nhắn gió chiều, Chiều tà, Giấc mơ xưa, Qua bến năm xưa, Quanh lửa hồng, Trên đường về, Nhớ quê…, Nguyễn Thiện Tơ được coi là một trong những nhạc sĩ tiền chiến tiên phong tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam.

Công chúng không chỉ yêu những tình cảm lãng mạn của nhạc sĩ thể hiện trong các ca khúc của ông mà còn mến mộ mối tình đẹp của ông và người vợ hiền.

Ca khúc đầu tiên và cuối cùng trong sự nghiệp của ông đều là sáng tác đầy tình cảm luyến lưu, da diết dành cho người phụ nữ mà sau nhiều trắc trở ông đã cưới làm vợ và chung sống trọn đời.

Tác phẩm đầu tay Giáo đường im bóng viết về mối tình đầu – mà sau này trở thành vợ ông là bà Vũ Hà Tiên – đã được yêu thích trong hơn 80 năm qua.

Nhạc phẩm Mưa dầm ông sáng tác để tiễn biệt người vợ hiền dù chưa nhiều người biết tới nhưng những ai biết đều xúc động khi sáng tác cuối cùng của ông cũng là dành cho vợ.

Xem thêm  High And Dry

Ông bà có 8 người con đều hoạt động trong các ngành nghệ thuật, trong gia đình có 5 nghệ sĩ ưu tú.

Theo bài đăng trên trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ngày thứ sáu 29-7-1921 tại làng Tó – Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông xưa (nay thuộc Hà Nội), là con cụ Nguyễn Thiện Tường (sinh năm 1886), công nhân nhà in Viễn Đông Ấn Đường (IDEO) của Pháp tại Hà Nội, sau Cách mạng Tháng Tám làm công nhân nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Cha của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ hát Trống quân rất hay, được nhiều giải thưởng ở địa phương và liên tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nên từ thuở ấu thơ, ông đã được sống giữa những làn điệu Trống quân và các hình thức diễn tấu khác mà cha và các bạn bè thường tập ở nhà.

Năm 14 tuổi (1935), Nguyễn Thiện Tơ bắt đầu tự học nhạc lý theo sách của Marmont và Lavignac rồi học guitar Hawaiiene với thầy Trần Đình Khuê.

Từ năm 1937, ông đã cùng hai bạn nhạc sĩ Ngọc Bích, Đỗ Chí Khang tự học giáo trình guitar cổ điển qua sách dạy guitar của Carulli, Carcassi. Nguyễn Thiện Tơ còn tự học các giáo trình hòa thanh của Pháp, tự mày mò tìm hiểu cấu trúc các ca khúc của Vincent Scotto, coi tác giả này như một người thầy khai sáng để tập viết ca khúc.

Xem thêm  Three Little Birds

Năm 1938, Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác ca khúc đầu tay – bài Giáo đường im bóng, nhờ bạn là nhà thơ Phi Tâm Yến (tên thật là Trần Văn Phụng) sửa lời. Đầu năm 1940 đã sáng tác bài thứ hai là Nhắn gió chiều và nhiều ca khúc tân nhạc lãng mạn nữa nối tiếp ra đời.

Sau 1954, Nguyễn Thiện Tơ về Đài Tiếng nói Việt Nam, thổi sáo trong dàn nhạc của đài. Đến năm 1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về Hãng Phim truyện Việt Nam và nghỉ hưu năm 1982.

Ngoài công việc trong các dàn nhạc, từ năm 1974 – 1990 nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ dạy guitar và flute tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Theo thông tin từ gia đình, lễ tang nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Phùng Hưng (số 125 Phùng Hưng, Hà Nội) vào ngày 21-8, an táng tại nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Nội).