đôi Làn Môi Con

Video đôi làn môi con

Bài thơ nổi tiếng này được nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sáng tác ở Đồng Hới, Quảng Bình khi chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc. Lúc đó nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kết hôn với Lâm Thị Mỹ Dạ, và họ vừa sinh con gái đầu lòng: Đôi làn môi con / Nghiêng về vú mẹ / Như cây lúa nhỏ / Nghiêng về phù sa…

Bài thơ được viết theo âm điệu hát ru, nên rất thiết tha và dân dã. Cần lưu ý rằng, bài thơ ra đời khi nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh còn rất khốc liệt đối với mỗi gia đình, mỗi phận người. Nhiều khó khăn vất vả về cái ăn, cái ở. Nhưng bài thơ không nói gì đến cảnh chết chóc, chiến tranh, mà chỉ hướng đến cái đẹp, cái tốt cho con cái, nghĩ đến sự trắng trong của hồn người. Phải có tầm nhìn xa, tấm lòng yêu thương bao la lắm mới vượt qua những bức xúc thường ngày để hướng đến những điều nhân văn vĩnh cửu như thế. Bài thơ đã viết về một điều tâm linh nhất, thiêng liêng nhất của mỗi đời người: Đó là tình mẫu tử! Nguồn sữa mẹ là hình tượng thơ hàm chứa và bao quát. Trắng trong là ước nguyện tốt đẹp mà mỗi người mẹ luôn dành cho con mình.

Bài thơ ngắn chỉ 64 chữ (16 câu, mỗi câu 4 chữ), nhưng đã tạo được một tứ thơ lớn có tính điển hình cao về tình cảm và triết lý nhân sinh, từ đó tạo ra được hình tượng thơ đẹp: Tình yêu của người mẹ đối với sự hình thành tâm hồn và nhân cách của con trẻ:

Xem thêm  Lời Bài Hát đường Chúng Ta đi

Sữa mẹ trắng trong

Con ơi hãy uống

Rồi mai khôn lớn

Con ơi hãy nghĩ

Những điều trắng trong

Tài sản dành cho con không phải là tiền bạc hay tiện nghi sang trọng, mà là những điều trắng trong trong ý nghĩ, trong nhân cách làm người. Khi con trẻ ngậm đầu vú mẹ là con đang uống sự trắng trong, tinh khiết của tình mẹ để thành một CON NGƯỜI viết hoa.

Bài thơ bắt đầu bằng những hình ảnh so sánh, liên tưởng giản dị thường nhật mà hàm chứa những điều minh triết: Đôi làn môi con / Nghiêng về vú mẹ / Như cây lúa nhỏ / Nghiêng về phù sa / Như hương hoa thơm / Nghiêng về ngọn gió… Như búp hoa huệ / Ngậm tia nắng trời… Những hình ảnh chắt lọc trên chính là những cặp “CON và MẸ” tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ: “môi con – vú mẹ”, “cây lúa – phù sa”; “hương hoa – ngọn gió”, “búp hoa – tia nắng”… đó là những cặp tương quan hình thành nên mối liên hệ sinh tồn, sinh trưởng từ cội nguồn sự sống. Những cặp “MẸ – CON” chính là phát hiện quan trọng nhất của tác giả, làm cho bài thơ có tứ mạnh. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là thơ trực cảm, nhưng là thứ trực cảm của một tâm thức thơ mạnh mẽ, nên tạo được chiều sâu cảm xúc cho bài thơ.

Bài thơ Trắng trong không cầu kỳ về câu chữ, lại bố cục theo logic truyền thống: Khi ru con, nựng con, người mẹ Việt Nam nào cũng mơ ước những điều tốt lành cho con mình trong tương lai. Mơ cho con mình trở thành một NGƯỜI TỐT, luôn nghĩ đến những điều trắng trong trong cuộc sống, là ước mơ cực kỳ lớn lao. Nếu người Mẹ nào cũng hướng con mình đến sự Trắng trong ấy, thì chúng ta sẽ tạo ra được những thế hệ tương lai lý tưởng, đảm bảo cho sự trường tồn của nòi giống Việt Nam. Sữa mẹ trắng trong / Con ơi hãy uống / Rồi mai khôn lớn / Con ơi hãy nghĩ / Những điều trắng trong… Vâng, không có nguồn sữa Mẹ nào lại không trắng trong, tinh khiết đối với trẻ thơ!

Xem thêm  Lời Bài Hát 999 đóa Hồng

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có nhiều bài thơ về chiến tranh, về tình yêu rất nổi tiếng như Khoảng trời hố bom, Anh đừng khen em… Chị cũng có nhiều bài thơ hay về tình mẫu tử. Bởi chính nhà thơ đã lớn lên và trưởng thành côi cút bên người mẹ của mình. Có lẽ vì thế mà khi có hai con gái, chị dồn hết tất cả tình cảm cho con. Chị có trên 20 bài thơ viết tặng Mẹ già và Con gái. Hai Mẹ Con là hai nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Dạ Thi đã từng in chung một tập thơ “Mẹ và Con” với nhiều bài thơ xúc động như Nghĩ về con như biển, Trái tim sinh nở, Chùm quả cho con, Nếu mẹ là… Chị ví mình như bờ cát, còn con là triệu con sóng nhỏ: Mẹ là bờ cát con tìm / Dạt dào lòng mẹ triệu nghìn sóng con hay; Môi con – cái nụ giữa trời / Thơm vào lòng mẹ những lời của hoa… Khi con lớn lên, nhìn con ngủ ngon lành, chị vẫn không hết những day dứt lo lắng cho con trong tương lai. Nỗi lo đến trào nước mắt, nhưng chị vẫn âu yếm dặn con: Tự mình phải hiểu mình thôi / Làm thân con gái một đời / Buồn lo lặn vào trong mắt / Nụ cười cứ nở trên môi (Một thời con gái).

Đó cũng là nguồn mạch của Trắng trong mà nhà thơ muốn truyền cho con khôn lớn và gửi đến mỗi bà Mẹ trên đời…

Xem thêm  Lời Bài Hát đêm Gành Hào Nghe điệu Hoài Lang

NGÔ MINH

Trắng trong

(Thơ: Lâm Thị Mỹ Dạ)

Đôi làn môi con

Nghiêng về vú mẹ

Như cây lúa nhỏ

Nghiêng về phù sa

Như hương hoa thơm

Nghiêng về ngọn gió

Đôi làn môi con

Ngậm đầu vú mẹ

Như búp hoa huệ

Ngậm tia nắng trời

Sữa mẹ trắng trong

Con ơi hãy uống

Rồi mai khôn lớn

Con ơi hãy nghĩ

Những điều trắng trong.