Nhà thơ Cộng sản Pháp Louis Aragon trong “Bài thơ tặng Đảng” qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng /Trước như trẻ thơ tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước”.
Tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước và mảnh đất, con người Hà Tĩnh. Ảnh Phúc Quang
Bản dịch rất thuần Việt, đặc biệt là hình ảnh: “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng” đã chuyển tải được khá đầy đủ, trọn vẹn ý tưởng khái quát của nhà thơ: “Sáng mắt” để định hướng, nhìn rõ bản chất biện chứng của sự vật, sự biến đổi xã hội, “Sáng lòng” để có cái tâm huyết, nhiệt huyết phấn đấu cho sự nghiệp mà mình theo đuổi.
Mẹ tôi là một người phụ nữ nông thôn. Những năm sau kháng chiến chống Pháp, bà vừa mới qua lớp bình dân học vụ còn đánh vần từng chữ. Nhưng lạ thay, bà học từ bao giờ mà thuộc lòng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu viết từ những năm 1960. Mỗi lần ru tôi trên cánh võng tre kẽo kẹt, ngoài những điệu ví giặm gập ghềnh có cánh cò chớp trắng thì âm điệu của Truyện Kiều và “Ba mươi năm đời ta có Đảng” đã đưa tôi vào giấc ngủ với những giấc mơ cổ tích.
Tuổi thơ tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của những câu thơ đó, nhưng tôi được tắm trong nhịp hát đu đưa của mẹ, của tiếng Việt giàu âm thanh, âm điệu. Mẹ tôi đang thả mình trở về ký ức của những ngày gồng gánh dân công hoả tuyến, những đêm đốt lửa công đồn, những hũ gạo kháng chiến… Tất thảy đều rất cụ thể như việc làm hàng ngày.
Người quên đi những mất mát chịu đựng để bây giờ có một chút thảnh thơi nhớ về “Ba mươi năm đời ta có Đảng – Hôm nay ôn lại quãng đường dài – Ngọt bùi có lúc đắng cay – Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”. Bác Hồ – Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã thành lập và rèn luyện Đảng ta, đã hiến dâng trọn đời mình “Đi tìm hình của nước” làm cho “Hình của Đảng lồng trong hình của nước” (thơ Chế Lan Viên). Trong tâm khảm người Việt, Đảng rất đỗi quen thuộc và thiêng liêng, là một từ khắc sâu trong lòng người về một tổ chức chính trị ra đời từ năm 1930 có sứ mệnh dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành độc lập tự do và bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn.
Tôi biết, không nói ra nhưng mẹ tôi hiểu mục tiêu phấn đấu của Đảng cũng là mong ước lớn lao của Bác Hồ, của toàn dân tộc. Mong ước ấy thật cụ thể, gần gũi như lời ăn tiếng nói, như không khí ánh sáng hàng ngày thân thiết với con người, không gì cao xa “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và vì thế, mẹ tôi đã thắt lưng buộc bụng tiễn cha tôi – người vệ quốc đoàn năm xưa, bao gạo quàng chéo vai, áo trấn thủ lên Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng lừng lẫy địa cầu. Rồi mẹ tôi lại giấu tờ tin báo tử của người anh để nuốt nước mắt vào trong tiễn những đứa con vào chiến trường…
Tôi lớn lên được học lịch sử Đảng, được vào thăm Bảo tàng cách mạng. Ở đó, những hiện vật đã nằm trong tủ kính nhưng vẫn còn âm vang mãi những sự kiện, những cột mốc, những chặng đường lịch sử. Đó là tiếng trống Xô Viết năm 1930, là lá cờ đỏ búa liềm thấm máu bao anh hùng liệt sĩ. Lý Tự Trọng khi lên máy chém mới 17 tuổi đầu và trong xà lim án chém, anh vẫn còn đọc dở những trang Kiều. Chị Võ Thị Sáu ra pháp trường vẫn kịp cài lên mái tóc mình đóa hoa lê – ki – ma trắng muốt như tuổi đời 16 của chị. Thử hỏi sức mạnh nào đã hun đúc ý chí cách mạng để họ hiến dâng cả đời mình từ khi mới là người Đoàn viên Thanh niên cộng sản? Phải chăng, vẻ đẹp lý tưởng đã cho họ “ Sáng mắt” và “Sáng lòng”!
Cha tôi một đời đi theo Đảng với một niềm tin son sắt. Mặc dù cuộc sống đời thường có bao biến đổi, xã hội còn nhiều ngang trái nhưng ông và bạn bè ông, những người đồng đội cũ vẫn tin ở tương lai. Họ vẫn giành sức lực và trí tuệ của mình để tham gia các đoàn thể xã hội, động viên cháu con phấn đấu tu dưỡng. Họ đã neo được lòng mình, ngôi nhà nhỏ của mình, xóm thôn thân thiết của mình vào cội nguồn sâu bền của dân tộc.
Tình cảm với Đảng – Bác và Tổ quốc luôn thường trực trong họ, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi biết chừng nào. Mỗi khi sóng biển Đông cuộn trào thì ngọn sóng yêu nước trong lòng người cũng dâng lên thành ngàn trùng lớp lớp, bão thiên nhiên và bão giặc ngoại xâm. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có những vẫn thơ mang hào khí “Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng / Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng/ Cho ta nhìn thấu suốt bốn ngàn năm” và: “Ôi Việt Nam hai tiếng diệu kỳ / Một tiếng Đảng vang lên kiêu hãnh/ Ta suốt đời nguyện là người lính”.
Bác Hồ kính yêu là một nhà thơ, nhà văn hoá lớn. Bác thường lẩy Kiều trong các bài diễn văn quan trọng để rút ngắn sự giao cảm, bình dị hóa những hình ảnh lớn lao cho ai cũng dể hiểu, dễ thuộc: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao / Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức là văn minh – Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no”. Đảng như là một biểu tượng, hiện thân giá trị nhân văn cao cả về cả đời sống tinh thần và vật chất.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã có ca khúc rất hay: “Đảng là cuộc sống của tôi”. Lời ca giản dị mà lan toả như trở thành một châm ngôn sống, một chiêm nghiệm sống, một hành động sống: “Đảng của tôi ơi/Mãi mãi đi theo người… Đảng đã cho tôi lẽ sống, niềm tin”.
Nguyễn Ngọc Phú