Chủ Nhật Tươi Hồng

Video chủ nhật tươi hồng

Tidoo Nguyễn/SGN

Có nhiều bài hát gắn liền với Sài Gòn trước Tháng Tư 1975. Trong số đó, bản nhạc ngoại quốc mang tên “Beautiful Sunday” hay phiên bản tiếng Việt là “Chủ Nhật Tươi Hồng” khiến cho khán thính giả dễ dàng hồi tưởng lại nếp sống vui tươi của Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sài Gòn hay “Hòn Ngọc Viễn Đông” là xứ sở của những cơn mưa. Vào thời ấy, hôm nào trời đẹp mà lại rơi vào Chủ Nhật thì vui hết sảy. Đó là niềm hạnh phúc của biết bao nhiêu người Sài Gòn xưa, bởi vậy khi nguyên bản “Beautiful Sunday” ra đời tại Hoa Kỳ thì tức thời lan đến Sài Gòn và trở thành bản nhạc yêu thích của người dân hồi những năm đầu thập niên 70.

“Beautiful Sunday” có giai điệu sôi động, lời ca trong sáng, là nguồn năng lượng tích cực, khởi đầu ngày mới cho người Sài Gòn xưa có những bước chân nhẹ nhàng như chim sơn ca dạo phố trong bầu không khí trong lành, đặc biệt là vào ngày Chủ Nhật, dưới ánh nắng ấm áp bao trùm những con đường rợp bóng cây xanh thời đó.

Nguyên bản “Beautiful Sunday” là nhạc phẩm của ca sĩ Daniel Boone và ca sĩ kiêm nhạc sĩ và diễn viên Rod McQueen (tên thật là David Balfe) cùng sáng tác. Daniel Boone trình bày bản nhạc này trong album “Beautiful Sunday” và phát hành hồi năm 1972.

Cho đến năm 1996, Daniel Boone trình diễn live lại “Beautiful Sunday” mà vẫn thu hút rất nhiều khán thính giả trong show diễn của ông.

“Chủ Nhật Tươi Hồng” của Sài Gòn xưa
Ảnh minh họa: Unsplash/Anna-zakharova

“Beautiful Sunday” mang giai điệu pha trộn thể loại nhạc Pop Rock, Bubblegum Pop (Pop sôi động), và Folk (nhạc dân gian) để bày tỏ niềm hoan hỷ đón chào ngày Chủ Nhật cùng những người thân yêu:

Sáng sớm Chủ Nhật, tỉnh dậy khi nghe tiếng hót chim sơn ca,

Anh dự định bách bộ ra công viên hưởng không khí trong lành,

Vì hôm nay trời đẹp quá.

Xem thêm  Wondered

Thể nào em cũng đang trông chờ anh ở công viên xanh,

Và khi em gặp anh thì thể nào em cũng chào anh,

Chào anh, hôm nay trời đẹp quá.

Chủ Nhật trong lành,

Một ngày thắm tươi dành cho anh,

Khi em nói là em yêu anh,

Đất trời đã trở nên thắm tươi rồi.

Chim ca vang, và em đang ở cạnh anh,

Tụi mình lấy xe hơi dạo chơi đi,

Trời đẹp quá mà.

Tụi mình sẽ lái xe rượt theo mặt trời,

Để cho ngày Chủ Nhật còn hoài,

Một ngày đẹp trời,

Chủ Nhật trong lành.

Ảnh minh họa: Unsplash/Micheile-henderson

Chẳng phải chỉ có người Sài Gòn một thời say mê bản nhạc này mà “Beautiful Sunday” đã thịnh hành trên khắp thế giới và đứng vị trí thứ #1 trong các bảng xếp hạng âm nhạc tại nhiều quốc gia như: Đức, Mễ Tây Cơ, Tân Tây Lan, Na Uy, Nam Phi, và Nhựt Bổn.

Còn ở Anh, người ta thường mở bản nhạc này để nhảy điệu Slosh. Đây là điệu nhảy truyền thống mang tính cộng đồng với các động tác cơ bản là bước đều sang trái, đá chân phải sang trái, bước đều sang phải, đá chân trái sang phải, đồng thời lúc la lúc lắc tay, dòm rất vui mắt.

“Beautiful Sunday” còn được nhiều khán thính giả biết đến qua các bản cover của: Nam ca sĩ Jack Reno (1973), song ca Kikki Danielsson và Roosarna (1996), ban nhạc NRBQ (2002), nhóm nhạc công The Ventures, ban nhạc Poyushchiye Gitary (1975) với phiên bản tiếng Nga, Seiji Tanaka với phiên bản tiếng Nhựt (1976).

Tại miền Nam Việt Nam có phiên bản tiếng Việt mang tựa “Chủ Nhật Tươi Hồng” của nhạc sĩ Phạm Duy. Thời ấy, “Chủ Nhật Tươi Hồng” được song ca Minh Phúc – Minh Xuân trình bày. Khi viết lời Việt cho nguyên bản “Beautiful Sunday”, Phạm Duy vẫn giữ nguyên ý nghĩa của bài hát trong phiên bản “Chủ Nhật Tươi Hồng” song song lời nhạc tràn đầy hồn thơ, pha lẫn một chút hóm hỉnh ở câu cuối cùng, như tính cách yêu đời yêu người của Phạm Duy:

Xem thêm  Chiều Một Mình Qua Phố Hợp âm

Sớm mai tươi hồng, một ngày tươi đẹp,

Mình tới công viên cùng một miền ấm êm.

Ngày vui mừng, ôi Chủ Nhật tươi nắng hồng!

Có em trong vườn, vườn hoa thắm tươi.

Và đến bên em rồi, thì em nói ngay,

Thật tươi lành, ôi Chủ Nhật đôi lứa mình!

Ha ha ha! Thấy không ngày Chủ Nhật?

Ngày hôm nay, ta vui chơi trong ngày tươi đẹp.

Rồi em nói, nói, nói, nói yêu người, yêu mình.

Ố ô ô ồ thật ngon lành, ôi Chủ Nhật trong ái tình!

Sẵn xe đây rồi, cùng nhau phóng chơi.

Ngồi ép bên nhau cười, cười trong gió vui.

Thật tưng bừng, ôi Chủ Nhật trên phố phường!

Sớm mai tươi cười, một ngày đông người,

Vạt nắng soi trên đời, và soi lứa đôi.

Ngày kéo dài, ôi Chủ Nhật trên cõi đời!

Ha ha ha! Thấy không ngày Chủ Nhật?

Ngày hôm nay, ta vui chơi trong ngày tươi đẹp.

Rồi em nói, nói, nói, nói yêu người, yêu mình.

Ố ô ô ồ thật ngon lành, ôi Chủ Nhật trong ái tình!

Ảnh minh họa: Unsplash/Elise-st-clair

Phiên bản tiếng Việt “Chủ Nhật Tươi Hồng” cùng nguyên bản “Beautiful Sunday” đã từng hòa vào đời sống con người Sài Gòn xưa trong bầu không khí nhộn nhịp không khói bụi, không nóng bức, và nhất là không có nhiều nỗi lo mưu sinh oằn trên lưng của những người lang thang chào bán từng tờ vé số.

Với cuộc sống ôn hòa như vậy, một ngày Chủ Nhật tươi hồng không chỉ dành cho đôi lứa đang yêu mà còn dành cho tất cả mọi người dân Sài Gòn thời bấy giờ.

Trung tâm ASIA đã chọn lọc nguyên bản “Beautiful Sunday” trong chương trình ca nhạc ASIA 18 để giúp khán giả có dịp hồi tưởng lại một Sài Gòn từng tươi vui như thế nào, với sự trình diễn của ca sĩ Trish Thùy Trang và màn múa minh họa “giựt bứt gân”, xen lẫn hoạt cảnh sinh động tái dựng cảnh đường sá Sài Gòn xưa.

Xem thêm  Bí Bầu

Không chỉ thưởng thức “Sài Gòn xưa” qua những bản nhạc, những năm gần đây, dân Sài Gòn hiện tại vẫn thường chia sẻ cho nhau xem những tấm ảnh đẹp về đường phố Sài Gòn trước Tháng Tư 1975 với vẻ tiếc nuối khi so sánh cùng một khung cảnh trong hiện tại.

Người Sài Gòn xưa khi dạo phố luôn lịch lãm với trang phục âu (nam) hoặc áo dài, mini jupe (nữ), khuôn mặt tươi vui, thảnh thơi; đường phố thanh bình, nhiều xe hơi, xe vespa di chuyển dưới những tàng cây xanh tỏa bóng mát.

Nữ giới Sài Gòn xưa đâu có ai bó rọ người trong chiếc áo khoác nặng nề phủ kín từ đầu đến chân, chẳng còn thấy hình dáng cơ thể ở đâu như bây giờ? Còn khuôn mặt thì bây giờ có mấy ai cả gan phơi mặt trần ra đường, mà cả nam lẫn nữ đều che kín khẩu trang hoặc choàng khăn, vì khói, vì bụi và cả vì nắng! Ra đường giờ chả ai nhận ra ai, cũng chả còn nhận ra người quen để chào nhau.

Điều đáng buồn nhất là dù không có chiến tranh, nhưng giờ dạo phố ở Sài Gòn ai cũng có tâm trạng lo lắng: Bị rối loạn vì tiếng còi xe ồn ào khắp nơi; bị kẹt xe hoặc xe tông; bị cướp giật; bị thanh niên phê ma túy đá gây sự và hành hung…

Sau Tháng Tư 1975, Sài Gòn đã bị đổi thành cái tên xa lạ. Tuy vậy, trong tâm trí của người dân nơi đây, đặc biệt là những con người yêu mến vùng đất này, yêu mến lối sống trước cột mốc thời gian này – vẫn thường gọi thành phố mình sống bằng cái tên “Sài Gòn”, ẩn chứa nỗi niềm tiếc nhớ một “Hòn Ngọc Viễn Đông” từng tỏa ánh hồng tươi thắm trong những ngày Chủ Nhật.