Bai Hat Cong Me Di Choi

Tôi gặp và quen Trần Quế Sơn từ năm 1996. Ngày ấy, Quế Sơn còn là cậu sinh viên xứ Quảng học nghệ tại Học viện Âm nhạc TPHCM, đêm đêm “làm thêm” ở quán Ngói Xanh của nghệ sĩ Chánh Tín- Bích Trâm trên đường vào khu cư xá cùng tên Bắc Hải. Còn tôi, lúc này được Ban Biên tập Báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là Báo Công an TP Đà Nẵng) cử theo anh Dương Xuân Bình (Phó Tổng Biên tập) vào TPHCM cùng với Mai Phúc (quê Quế Sơn) xúc tiến các thủ tục thành lập Văn phòng đại diện của Báo. Cạnh những anh em làm văn hóa văn nghệ, báo chí gốc Quảng khác như Nguyễn Lương Vị, Phạm Lê Tấn Phong, Lê Cao Vịnh, Nguyễn Trung Bình… Trần Quế Sơn tích cực phụ giúp anh em chúng tôi tổ chức khai trương Văn phòng. Từ đó, Văn phòng đại diện Báo ở số 32D- Phan Đăng Lưu (Q. Phú Nhuận, TPHCM) trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều người Quảng xa quê. Quế Sơn cũng không ngoại lệ.

Bìa Album “Cõng mẹ đi chơi”.

Tôi nghe “Cõng mẹ đi chơi” lần đầu cũng ở cái số nhà 32D ấy. Trần Quế Sơn đã “trình diện” ca khúc này và vài ca khúc khác mà cậu ta vừa sáng tác, rồi nhờ mọi người góp ý, bình luận. Quế Sơn hát “mộc”, nhưng khá hay, trầm lắng. Ca khúc gợi cho những kẻ xa quê như chúng tôi nhớ nhà nhiều hơn. Rồi mọi người sực nhớ, “Cõng mẹ đi chơi” buồn và… “xúi quẩy” quá, nên những lần sau chúng tôi ngăn không cho Sơn hát. Cõng mẹ đi chơi/Dìu mẹ đi chơi/Mẹ và con đi chơi thênh thang một cõi/Quên những nhọc nhằn quên những dày vò tâm can…”, thì không hề hấn gì; nhưng “Rồi vài mươi năm sau đi qua trần thế/Con cõng mẹ về con cõng mẹ về thiên thai” hay “Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai ngồi khóc bên trời/Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai mẹ phải lên trời”… là không nên nghĩ tới, dù nó trước sau gì cũng tới.

Xem thêm  Em Khong Biet Phai Lam Sao

Mãi mấy năm sau, khi trở lại Đà Nẵng, tôi mới nhận tin cùng với “Tre Việt Nam”, “Cõng mẹ đi chơi” nhận giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong hai năm liên tục 2004, 2005. Dĩ nhiên, so với thời hát “mộc”, “Cõng mẹ đi chơi” khi này đã được “gia cố” công phu hơn.

Mấy năm sau nữa, Trần Quế Sơn cũng về Đà Nẵng, lần này là định cư hẳn, Sơn nói là “để gần cha gần mẹ”. Gặp nhau, Sơn vẫn nhớ tính anh em, nên không hát “Cõng mẹ đi chơi”, mà là những bài như “Tình quê”, “Chào nguyên xuân”, “Em gái quê mình”, “Anh chàng nhà quê”… Nhưng có một lần, rất say Sơn lại hát “Cõng mẹ đi chơi”. Hỏi những người thân cận Quế Sơn mới biết thời gian này mẹ Sơn không khỏe. Ai cũng thông cảm, bởi với con người đa cảm như Sơn, da diết với những gì của quê hương như “nhớ mùa gió Lào xem xắt khoai lang phơi trên tảng đá”, như “tôi chắc tình tôi thắm trên triền núi/xanh ngắt vòm khoai ươm vàng nải chuối/tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi/thơm tóc mẹ tôi thơm tóc chị tôi”… thì không thể không dằn vặt, trăn trở, lo lắng về sức khỏe của mẹ. Cái cách Quế Sơn đeo đuổi nghiệp cầm ca thể hiện rằng, Quế Sơn chỉ muốn quẩn quanh bên mẹ, như thằng Tám (Trần Văn Tám, tên khai sinh của Trần Quế Sơn) ngày xưa. Những chương trình nghệ thuật mà Quế Sơn tham gia, đạo diễn cứ Tam Kỳ, Hiệp Đức, Đại Lộc, Nông Sơn, Quế Sơn mà nhắm đến. Để gần nhà, gần mẹ.

Xem thêm  Lời Bài Hát Sầu Tương Tư

Cũng nói về mẹ, tôi nhớ đến một kỷ niệm riêng giữa Quế Sơn và tôi. Một lần, nhận lời mời của anh Hoàng Linh, nguyên Giám đốc Đài phát thanh- Truyền hình Quảng Nam, Quế Sơn rủ tôi đi cùng. Gặp gỡ xong, đã khuya, theo kế hoạch là phải về Đà Nẵng. Nhưng khi đến ngã ba Hương An, Sơn nằng nặc đòi về Quế Hiệp thăm mẹ. Tôi chiều. Song khi đi qua bao nhiêu truông, bao nhiêu dốc không hề gì, đến cách nhà Sơn khoảng vài ba cây số lại gặp cây cầu gỗ đang sửa. Tối om, cầu thì lắt lẻo. Quế Sơn nói quen đường nên đòi chở. Tôi lại nói quen xe, cũng đòi chở. Cuối cùng không ai chịu ai. Nhưng cả hai nói qua cầu là nguy hiểm. Tôi về Đà Nẵng còn Quế Sơn cuốc bộ về với mẹ.

Ngày 13-12, Trần Quế Sơn nhắn tin, chuyển cho tôi chương trình nghệ thuật chào mừng 120 năm thành lập H. Đại Lộc để đưa tin. Ngày 17-12, nửa đêm Sơn nhắn tin: “Mẹ T.Q.S, nhân vật chính trong ca khúc Cõng mẹ đi chơi đã về cõi thiên thu”… Một tin nhắn “nhẹ như không”, nhưng ai cũng biết, không phải thế…

Người mẹ ấy, nhân vật chính trong “Cõng mẹ đi chơi” đã lên trời, trong một ngày mưa. Người mẹ ấy, chắc chắn đã rất tự hào, rất hạnh phúc về thằng Tám ít nhất là gần một phần tư thế kỷ kể từ lúc “Cõng mẹ đi chơi” ra đời.

Xem thêm  Lời Bài Hát Dịu Dàng Em đến

Riêng tác giả, người con, chàng nhạc sĩ trẻ chưa vợ đang ở lại, đối diện với những ngày tháng bão giông.

Thế Sinh