Đọc bài viết Đàn bà đi xa được bao lâu, không hiểu sao tôi không muốn bàn đến những chuyến đi du lịch một mình của đàn bà. Tôi muốn nói về chuyện đi xa khác hơn – khi đàn bà xách vali bước ra khỏi cuộc hôn nhân của mình.
Mới nửa đêm hôm trước, tôi gạt nước mắt nhắn tin hỏi bạn: “Ở nhà không, cho mình và thằng con qua nhà tá túc một đêm”. Bạn nhắn lại: “Sao đấy? Có chuyện gì à? Sang đi!”. Nhưng ngay khi xếp xong đồ đạc cơ bản nhất cho hai mẹ con, viết xong một bức thư để cho chồng, tôi lại không thể nhấc chân lên đi.
Nhìn chồng con đang ngủ say trên giường, tôi tự hỏi, bế đứa con 3 tháng tuổi rời khỏi nhà, để đứa bé 5 tuổi ở nhà lại với bố, rồi sao nữa? Nghĩ đến những ngày tháng đứa con 5 tuổi bơ vơ không có mẹ, nghĩ đến sự thiệt thòi của con khi từng vô tư nói: “Mới 5 tuổi đã phải tách mẹ”, bỗng nhiên tôi không buồn nhấc chân tay.
Dường như cuộc đời của một người đàn bà khi sinh con ra thì đã không còn tự quyết. Không thể giận hờn chồng một chút là có thể bỏ đi như hồi còn đang yêu nhau. Càng không thể cắt đứt liên lạc với người mà mình căm ghét nếu như đó là bố của con mình. Và tất nhiên, một khi nếu còn có thể ở lại, đàn bà sẽ không bao giờ rời đi.
Ảnh minh họa (Unsplash).
Tôi nhớ đến câu chuyện của cô bạn mình. Cô từng dắt con bước ra khỏi cuộc hôn nhân khi không chịu được người chồng vũ phu, thường xuyên rượu chè. Hai mẹ con thuê một phòng trọ để sống tạm. Mức lương của một nhân viên ngân hàng cộng với tiền trợ cấp 4 triệu đồng/tháng từ phía chồng cũ cũng đủ đảm bảo để hai mẹ con cô có một cuộc sống tốt. Nhưng chẳng bao lâu sau, cô lại báo tin đã về lại nhà cũ và đang mang bầu bé thứ 2.
Hỏi lý do, cô bảo: “Con trai bám bố quá, mỗi lần gọi điện lại đòi sang nhà bố ở. Nhìn không nỡ chia cách. Anh ấy cũng hứa sẽ sửa chữa, không biết tin được không nhưng khi còn tin được thì cứ tin vì con đã”. Quyết định ly hôn của tòa án cuối cùng chỉ coi như là cơn giận dỗi thông thường nếu như người trong cuộc còn muốn quay trở về với nhau.
Tôi nghĩ, đàn bà rốt cuộc chỉ đi khi không còn có thể ở lại. Hay nói đúng hơn là nếu còn có thể ở lại, đàn bà sẽ không bao giờ muốn rời đi. Dù cho bên cạnh họ là một người đàn ông với nhiều tật xấu hoặc đã từng ngoại tình, đối xử với vợ không ra gì… Nhưng chỉ cần người đàn ông biết cúi đầu xin lỗi hoặc đưa những lời hứa ra, đàn bà nhất định sẽ mủi lòng. Họ chỉ nghĩ, nếu sửa được thì sửa cho đến khi nào không còn có thể sửa nữa mới thôi. Vì một mái ấm cho con mình, vì một cảm giác tự hào của bố mẹ, hoặc cũng là vì sự hèn nhát của bản thân.
Có thể nhiều người sẽ phản bác rằng ngoài kia có đầy người phụ nữ xách vali ra khỏi nhà, không cần gì khác ngoài cần chính mình được hạnh phúc. Nhưng tôi cho rằng bản chất vẫn nằm ở việc không thể ở lại được nữa, đó là khi sự chịu đựng đã đi đến giới hạn, chỉ khác nhau giới hạn của mỗi người lại dài ngắn khác nhau. Có người đàn bà chỉ vì một cái tát đã là không thể ở lại nữa, biết rằng đó là người chồng vũ phu không cách nào cứu chữa. Nhưng cũng lại có người cho rằng cái tát đó chỉ là vì do sự “già mồm” của mình và vẫn chọn ở lại.
Năm mẹ tôi 35 tuổi – trạc tuổi tôi bây giờ, mẹ từng khăn gói xách đồ bỏ đi. Nhưng khi qua ngọn núi cuối làng thì quyết định quay trở về. Mẹ nói mẹ không đành lòng bỏ lại đứa con út là tôi, khi ấy mới vừa cai sữa. Mẹ quyết định sẽ tiếp tục chịu đựng cha tôi – một người chồng gia trưởng, vô tâm và còn ngoại tình – để được ở bên nuôi dạy những đứa con nên người. Vì vẫn có thể ở lại nên mẹ đã không ra đi.
Tôi tự hỏi một người đàn bà bước ra được khỏi cuộc hôn nhân là trước đó đã phải tranh đấu bao nhiêu lần? Liệu họ có giống như tôi, bạn tôi hay mẹ tôi… xếp đồ vào vali rồi lại đặt xuống, gạt nước mắt đi để sống tiếp? Ngay cả khi có rất nhiều người nói “thật điên mà ở lại”. Nhưng vì ở lại nên chúng tôi nhận ra những người đàn ông có nhiều khiếm khuyết lại cũng không hẳn là không còn cách nào khác để sửa chữa cuộc hôn nhân, để cho con cái mình thêm một cơ hội được lớn lên trong mái nhà đủ đầy.
Như anh chị em tôi luôn biết ơn mẹ vì đã không ra đi nên bây giờ có thể nhẹ nhõm, yên tâm khi ông bà vẫn vui vầy bên con cháu. Như trong gia đình của cô bạn tôi lại rộn rã tiếng cười vì anh chồng đã dần biết tiết chế hơn trong những cuộc nhậu, đã biết vào bếp nấu một bữa cơm đủ món. Hay như nhà tôi, khi buổi sáng thức dậy thấy chồng mình đã sửa soạn xong cho đứa lớn đi học, tôi lại thấy anh hóa ra cũng không quá… vô dụng như mình nghĩ.
Đến một lúc khi những cơ hội là không thể đưa ra được nữa, đàn bà mới lê bước chân nặng trĩu bước ra khỏi gia đình. Nên, nếu có ai hỏi tôi: “Đàn bà đi xa được bao lâu?”, câu trả lời sẽ là: “Đàn bà chỉ đi khi không thể ở lại được nữa”.
Cát Tường