Lời Bài Hát Mùa Xuân Bên Cửa Sổ

Video lời bài hát mùa xuân bên cửa sổ

Mùa xuân của đất trời từ bên ngoài ùa vào cửa sổ, rồi đi qua “cửa sổ tâm hồn” đánh thức cảm xúc bên trong để từ đó cất lên lời thơ câu hát…

Đây không! Không phải người sau khung cửa ngắm xuân về, mà ngược lại.

Xuân không đến từ cảnh vật thiên nhiên, mà lại tỏa ra từ sau khung cửa. Xuân ngự ngay trong không gian riêng tư được cửa sổ đóng khung thành bức tranh tình yêu đôi lứa. Họ còn xuân hơn cả mùa xuân, họ chính là vẻ đẹp thanh xuân khiến vạn vật phải chiêm ngưỡng.

Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhauĐường phố ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau…

Hôn nhau – một biểu hiện đương nhiên của tình yêu. Tình yêu đâu có thể thiếu nụ hôn. Đời người đâu có thể thiếu tình yêu. Mùa xuân là mùa yêu đương, mùa kết đôi, mùa sinh sôi… Vẫn tự nhiên vậy bao đời nay như cỏ cây như muôn loài. Có khác chăng, con người ta biết biểu hiện cảm xúc tình yêu bằng nhiều cách, biết kết nối trao gửi tình cảm với người yêu bằng những cử chỉ âu yếm, mà cử chỉ gắn kết nhất và biểu cảm nhất luôn là nụ hôn.

Song, ngợi ca trực diện và đích danh nụ hôn trong ca khúc vào giữa thập niên 80 là một việc quá táo bạo. Thời ấy chuyện riêng tư tế nhị làm sao có thể bày tỏ công khai thế chứ! Chẳng riêng nụ hôn, cứ dính đến yêu đương “anh anh em em” là bài hát bị xếp vào diện “có vấn đề” và hạn chế sử dụng. Cái riêng luôn nhường chỗ cho cái chung, tình riêng cứ phải được “nâng tầm” khái quát cho hòa hợp với đời sống tinh thần chung của toàn dân. Đã quen như thế suốt mấy chục năm chiến tranh rồi.

Dù ra đời “khi mặt trận bình yên”, bài thơ Bên cửa sổ của Song Hảo vẫn không hoàn toàn tách khỏi bối cảnh chiến tranh. Chuyện tình riêng của chính nữ thi sĩ được “quần chúng hóa” qua hai nhân vật tích cực: anh lính về phép và cô công nhân vừa tan ca, nhưng để họ hôn nhau thì vẫn bị khiển trách là trái với thuần phong mỹ tục. Sự rắc rối không tránh được mà còn có phần nghiêm trọng hơn với phiên bản âm nhạc của Xuân Hồng, dù tác giả là nhạc sĩ có uy tín và đang giữ chức Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố. Sức lan tỏa của nhạc còn rộng hơn thơ, nên phản ứng càng nhiều và mạnh hơn. Đã làm cái việc tày trời thế lại còn bắt cả đường phố lặng yên… Thật khó chấp nhận, nhất là với các nhà quản lý vẫn mang nặng quan điểm giáo điều cứng nhắc. Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh lập tức sửa từ hôn thành: “Có hai người bên nhau” khiến nhạc sĩ không dấu được vẻ bất bình qua câu nói giỡn: “Từng này tuổi, tôi còn làm cái gì được nữa ngoài cái sự hôn nhau? Vậy mà cũng cấm!”.

Xem thêm  Lời Bài Hát Perfect

Tác giả Xuân Hồng được mệnh danh là “nhạc sĩ của mùa xuân”. Cả bút danh và tên thật (Hồng Xuân) đều gắn với “Xuân”, nhạc sĩ đúng là rất có duyên với mùa xuân (chính xác là xuân hồng, xuân mang màu lạc quan cách mạng). Ông được xếp đầu bảng theo số lượng bài hát xuân, trong đó có ba bài để đời vào những thời điểm lịch sử khác nhau: Xuân chiến khu đằm thắm tin yêu khi sắp bước vào giai đoạn ác liệt của kháng chiến chống Mỹ, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh bồi hồi nước mắt dâng trào trong niềm vui thống nhất đất nước, Mùa xuân bên cửa sổ tha thiết yêu người yêu đời dù cuộc sống đang rất chật vật trước thời điểm “mở cửa”.

Nhạc sĩ đã phác họa bức tranh xuân chan chứa tình đời tình người một cách tự nhiên, không nặng về kỹ thuật. Khoảng âm rộng, có nhiều biến âm và quãng nhảy, nhưng giai điệu dễ nhớ và không khó hát. Cấu trúc khá tự do gồm hai đoạn không vuông vắn, không cân đối, đoạn sau phát triển mở rộng gần gấp đôi đoạn đầu (chưa kể còn có ghi chú quay lại lần nữa với lời 2). Nếu đoạn đầu mang chất tự sự tả thực khung cảnh bên cửa sổ kèm lời nhắn nhủ “hãy yên lặng” để tập trung sự chú ý vào cặp đôi đang trao nhau nụ hôn, thì đoạn sau cho biết rõ hơn về lai lịch hai nhân vật chính và nguyên cớ cuộc hẹn hò lãng mạn này, rồi giai điệu được đẩy lên cao trào bằng lời kết luận mang tính triết lý về hạnh phúc và thêm lần nữa khẳng định ý nghĩa của nụ hôn trong cuộc sống.

Xem thêm  Lời Bài Hát Hát Cho Người Nằm Xuống

Thực ra đây chưa phải nụ hôn đầu trong âm nhạc của Xuân Hồng. Ông từng nói xa nói gần: “Khi chia tay nhau lên đường chiến đấu/ Bao người yêu dấu tiễn bước chân/ Nhớ bao tấm lòng, chiếc hôn thắm nồng/ Để lại bao nỗi nhớ mênh mông” (Cây đàn ghi ta của đại đội ba). Song để “hai người hôn nhau” làm hình ảnh chủ đạo, đặt nụ hôn làm “từ khóa” cho mở đầu và kết bài, thì chưa từng thấy ở các ca khúc được gọi là “nhạc đỏ” trước đó.

Motif “hai người hôn nhau” được nhấn mạnh bằng cách lặp lại trên cùng một giai điệu ngay khúc mở đầu, sau đó không hề có nét nhạc nào được nhắc lại hoặc tái hiện. Với lối phát triển liên tục như vậy, điều gì giữ cho tác phẩm nhất quán và không lan man? Đó là sự ngắn gọn, khúc triết ở mỗi câu nhạc đoạn nhạc. Điểm chung trong cấu trúc các câu các đoạn là vận dụng thủ pháp mô phỏng: đay lại một đường nét giai điệu trên cung bậc khác, hoặc trung thành chỉ với âm hình tiết tấu trong khi biến dạng đường nét giai điệu. Đơn giản nhất là thủ pháp mô tiến: motif quãng 4 “họ hẹn nhau” được chuyển dịch xuống một bậc để có “và chờ nhau”. Mô phỏng có thể tự do hơn về cao độ: “Anh lính về thăm phố/ cô gái vừa tan ca”. Gặp nhiều hơn cả là giữ nguyên âm hình tiết tấu: câu sau sao chép kết cấu chiều ngang (trường độ) của câu trước, nhưng thay đổi kết cấu chiều dọc (cao độ) cho hợp với dấu giọng lời thơ, chẳng hạn: “Chim ơi đừng bay nhé/ hoa ơi hãy tỏa hương”…

Xem thêm  Muốn Khóc Thật To Lyrics

Tiếp lời ca trên: “…Cây ơi lay thật khẽ/ cho đôi bạn trẻ/ đón xuân về”, rồi “cô gái vào ca ba/ họ tạm xa/ từng ngày qua/ cùng thiết tha thầm nhớ” còn cho thấy một đặc điểm chung của ca khúc Xuân Hồng là nhạc sĩ rất chú ý gieo âm vần trong lời ca. Vốn là người luôn trau chuốt ca từ nhưng không trói nhạc vào lời, ở đây ông đã phỏng thơ chứ không “hát” thơ. Lấy từ bài thơ chỉ nguyên hai câu đầu, còn lại ông dựa trên tinh thần thơ, dẫn giải câu chuyện theo cảm xúc âm nhạc và đặt thêm đoạn cuối bày tỏ quan niệm sống của mình. Một đoạn khá dài hoàn toàn không có trong thơ đã nâng ý nghĩa câu chuyện nên thơ lên tầm cao mới đầy chất nhân văn: “Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp/ Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng/ Cuộc đời còn có cả những nụ hôn”.

Mộc mạc và thắm nồng như hạnh phúc cô thợ trẻ, sâu lắng nhưng cháy bỏng như tình yêu anh lính, Mùa xuân bên cửa sổ (1985) nay cũng đã ở tuổi U40 rồi mà vẫn không cũ không già, vẫn xuân cùng tháng năm, như thiên nhiên đất trời, như tình yêu muôn thuở.

15-03-2021