Nhạc sĩ chia sẻ trong buổi trao tặng tài liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3-1-1946 – 3-1-2024).
Đây là lần thứ hai nhạc sĩ trao tặng tài liệu cho trung tâm này, lần đầu vào năm 2012.
Ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc từ bài thơ Trên một chiếc xe tăng của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Hữu Thỉnh viết bài thơ trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1970 và đăng lần đầu trên báo Nhân Dân năm 1971 với bút danh là Vũ Hữu.
Bài thơ được cả hai nhạc sĩ Doãn Nho và Huy Thục cùng phổ nhạc; song bài của nhạc sĩ Doãn Nho hoàn thành trước nên được đoàn ca múa của Tổng cục Chính trị thu âm và phát trước.
Bài hát sau đó cũng trở thành bài hát truyền thống của binh chủng tăng – thiết giáp. Hiện đây là một trong mười bài hát quy định của toàn quân.
Năm anh em trên một chiếc xe tăng là ca khúc có độ phổ biến cao. Không chỉ trong quân đội, bài hát cũng được đông đảo quần chúng đón nhận.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của nhạc sĩ Doãn Nho, trong phần lời của bài hát có câu “cái nết ở, ăn mỗi người một tính”, hiện bị không ít người hát thành “cái nết ở anh mỗi người một tính”.
Nhạc sĩ không phiền lòng về chi tiết này và rất vui vì tác phẩm được mọi người yêu thích. Song ông vẫn mong lời ca khúc được hát chính xác hơn.
Nhân đây, ông cũng giải đáp thắc mắc của không ít người: Vì sao xe tăng có ba người mà ca khúc của ông lại viết năm người?
Thời trước, biên chế xe tăng là năm người lính, sau đó mới còn ba người. “Sau này, xe tăng không người lái thì không còn biên chế nào. Ca khúc của tôi… vẫn đúng” , nhạc sĩ nói.
Ngoài câu “cái nết ở, ăn mỗi người một tính” mà nhạc sĩ Doãn Nho chỉ ra ở trên, trong thực tế, phần lời ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng vẫn “dính” những “tam sao thất bản” khác nữa.
Chẳng hạn, câu “Năm quả tim chung nhịp đập dồn” bị hát thành “Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng”.