Trị An âm Vang Mùa Xuân

Cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, một ca khúc viết về thủy điện mang phong cách Pop – Rock đã làm bừng sáng biết bao sân khấu lớn nhỏ, tạo dấu ấn cho nhiều ca sĩ. Đó chính là ca khúc Trị An âm vang mùa xuân của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Hơn 30 năm qua, bài hát này vẫn in đậm dấu ấn trong trái tim của người yêu nhạc Việt Nam nói chung và những công nhân của ngành Điện nói riêng.

Ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn không ngừng làm việc, không ngừng sáng tác

Bài hát hay nhất về thủy điện

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được xem là cánh chim đầu đàn với những ca khúc đầy tính dân tộc, đầy hào khí như: Hát cho dân tôi nghe, Hát trong tù, Đồng lúa reo, Xuống đường, Người đợi người, Tiếng gọi Sinh viên… Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin TP. HCM rồi Hội Âm nhạc Việt Nam. Nhiều ca khúc ông sáng tác trong thời kỳ này đã được đông đảo quần chúng mến mộ. Trong đó, Trị An âm vang mùa xuân được nhiều người đánh giá là bài hát hay nhất về thủy điện.

“Một dòng nước trong hát câu chờ mong âm vang dòng sông Một trời nước non thắp trong lòng anh sáng trong lòng người Lặng nghe gió reo nhớ bao ngày qua ước mơ dạt dào Lặng nghe nước reo cháy trong lòng ta ước mơ rực sáng Dòng điện thắp lên, sáng trong lòng anh sáng trong lòng em…”

Mở đầu bài hát là những dòng tự sự thật nhẹ nhàng, có tính chất suy ngẫm về công trình Thủy điện Trị An. Niềm tin vào thành công được đẩy lên thành cao trào, với chất nhạc rạo rực, sôi nổi:

… Dòng điện mênh mang, từ ngàn khối óc Dòng điện mê say gọi ngày tương lai Dòng điện bao la, gọi đời bay xa…

Chia sẻ với chúng tôi, nhắc lại những ngày ở Thủy điện Trị An thời kỳ ấy, nhạc sĩ Tôn Thất Lập như sôi nổi hẳn lên: “Tôi nhớ như in ngày 30/4/1984, tôi và nhóm anh em nghệ sĩ ở TP.HCM được đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho đi cùng để tham dự Lễ Khởi công công trình Thủy điện Trị An. Đây được xem là công trình thủy điện trọng điểm lúc bấy giờ ở miền Nam. Khi ra về, trong lòng tôi dâng trào một nỗi niềm xúc động. Tôi quyết tâm phải viết một ca khúc về công trình thủy điện quan trọng này”.

Xem thêm  Ngày Mai Em đi Lyrics

Vậy là, nhen nhóm trong thời gian khoảng một tuần để tập hợp tư liệu, chỉ trong một đêm, ông đã hoàn thành ca khúc Trị An âm vang mùa xuân. Ông mang ca khúc vừa sáng tác khoe ngay với ông Bảy Thưởng, khi đó là Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP.HCM. Lập tức, ông Bảy Thưởng cho các nghệ sỹ tập ngay ca khúc này để biểu diễn tại các tỉnh miền Tây phục vụ bà con, vận động các tỉnh tham gia ủng hộ, đóng góp cho công trình Thủy điện Trị An. Bài hát lần đầu tiên đã được các ca sĩ Hoàng Cúc, Chánh Tín, Ngọc Bích hát trong các đêm diễn.

Không chỉ lan tỏa trên khắp công trường Thủy điện Trị An, động viên, tạo động lực cho anh em công nhân hăng say làm việc, ca khúc đã trở thành “bản hit” suốt một thời gian dài. Ca sĩ trong Nam ngoài Bắc liên tục biểu diễn trên khắp các sân khấu lớn nhỏ. Tất cả các cuộc thi tiếng hát truyền hình từ Trung ương đến địa phương đều có thí sinh thể hiện ca khúc này để dự thi.

“Tôi nghĩ, lý do để bài hát thành công là vì nó có “đất” để diễn, đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Lúc bấy giờ, xu hướng nhạc Pop – Rock đang bị hạn chế, nên sự xuất hiện của bài hát như tạo ra một luồng gió mới. Lần đầu tiên có một ca khúc thỏa “khát” hai điều: Đề tài hiện đại và nghệ thuật với phong cách Pop – Rock Việt Nam, nên đã có sức lan tỏa rất mạnh mẽ”, nhạc sĩ Tôn Thất Lập chia sẻ.

Xem thêm  Lời Bài Hát Lucky

Có duyên với ngành Điện

Nhạc sĩ trầm ngâm: “Tôi thấy mình có duyên với ngành Điện. Trong thời gian tôi viết ca khúc Trị An âm vang mùa xuân và sau đó nữa, tôi có lên tìm hiểu thực tế tại công trình Thủy điện Trị An. Những ngày ở công trường, tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả, cực nhọc của anh em kỹ sư, công nhân, tôi cảm phục sự lao động của họ. Họ xứng đáng là những anh hùng của ngành Điện”.

Sau công trình Thủy điện Trị An, nhạc sĩ lại “bén duyên” cùng đường dây tải điện 500 kV. Đó là lần ông cùng nhạc sĩ Trần Long Ẩn theo đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình thi công đường dây tải điện 500 kV tại Quảng Nam. Không có máy móc hiện đại, anh em công nhân phải kéo dây, đưa vật liệu lên những vùng đồi núi cheo leo hoàn toàn bằng sức người.

Nhạc sỹ nhớ lại: “Lúc đó đã chiều tối, tôi tranh thủ đi gặp anh em công nhân tìm hiểu cuộc sống của họ. Mọi người sau giờ làm việc, tụ tập quanh khoảng đất trống ngồi chơi, chuyện trò cùng nhau. Mà họ cũng chẳng có trò gì để chơi. Tôi chợt nghĩ đến trò oẳn tù tì mà thủa nhỏ mình thường chơi cùng chúng bạn, thế là ca từ cứ tuôn trào. Tôi viết một mạch xong luôn ca khúc “Oẳn tù tì”, lần đầu tiên nhạc sĩ tiết lộ nguyên nhân ra đời ca khúc mà sau đó cũng thành “bản hit”, được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận.

“Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này/ Em ra cái kéo cắt tình vu vơ/Anh ra phong thư gửi tình thương nhớ/ Đền em đi nhé, thua rồi làm ngơ/ Đền em một đoạn bài thơ tỏ tình.

Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này / Em ra cái búa đánh đòn ăn gian/ Anh ra cây kim tặng em may áo/ Ngày nay may máy ai cần kim đâu/ Ừ thôi anh để về khâu cuộc tình…”.

Xem thêm  Thành Phố Sương Lyrics

Có lẽ bao lâu nay ai cũng nghĩ, bài hát này là nhạc sĩ dành tặng hoặc nhớ về một mối tình nào đó của thời trai trẻ đầy sôi nổi của mình. Thế nhưng, quả thật đầy bất ngờ, tuy chẳng đề cập gì đến ngành Điện, nhưng lại có nguồn cơn từ những công nhân ngành Điện. Và, những người công nhân tại vùng đồi núi cheo leo ở Quảng Nam hôm ấy chính là những ca sĩ đầu tiên hát lên ca khúc này khi ông vừa sáng tác xong. “Tuy không bài bản, kỹ thuật nọ kia, nhưng với tôi, họ chính là những người trình bày ca khúc này một cách tình cảm nhất, chân thật nhất”, ông nhớ lại.

Hầu hết người yêu nhạc đều biết đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua những sáng tác ông viết từ thời thanh niên nồng nàn tình cảm chân phương, nhiệt huyết với tình yêu quê hương, đất nước. Đến nay, dẫu đã bước qua tuổi 70, nhưng ở ông, tinh thần lạc quan trẻ trung ấy dường vẫn chẳng hề vơi đi. Lửa nghề vẫn luôn đầy ắp tâm hồn, ông mải miết tìm kiếm và khéo góp nhặt những xúc cảm, lúc tươi tắn, khi trầm lắng sâu nặng ân tình cuộc sống, để gửi vào bao tác phẩm tặng đời, tặng người. Hiện giờ, ông vẫn say đắm cùng đam mê sáng tác. Bởi theo ông: “Đó là nghề chính của mình và tôi coi công việc sáng tác như là cách hưởng thụ cuộc sống này. Tôi vẫn viết tình ca, tình yêu giữa người với người và tình yêu với quê hương, đất nước”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập:

– Các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, Nguyễn Xuân Tân. – Sinh ngày 25/2/1942, tại Huế. – Hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Hội âm nhạc.