Bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng, ca từ mộc mạc, không hoa mỹ nhưng lại rất … khó hiểu! http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=3J6rOnRZLp
Lời bài hát (nguồn nhaccuatui.com):
Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng Khói chiều mênh mông, sông đã buông nắng …. Nhớ thương làng quê, lũy tre, bờ đê Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ
Quê nhà tôi ơi con đường qua ngõ Bóng Mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió Nhớ thương đàn con , biết phương trời nao Áo nâu mùa Đông thương mình lận đận đêm buồn Mẹ ru :
“À ơi … hoa bay lên trời, cây chi ở lại, à ơi ….. hoa cải lên trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”
Quê nhà tôi ơi, Ba Vì xanh tím Nón chiều che ngang mặt chiều hoang vắng Những đêm mùa Đông, khói hương trầm bay Bóng Cha ngồi đây ngọn đèn lung lay Bức tường vôi trắng ….
Quê nhà tôi ơi, quê người con gái Mắt buồn, da nâu, dấu tình yêu dấu Mắt đen về đâu, mắt đen của tôi Mắt đen chờ ai tháng ngày mỏi mệt Mối tình long đong
“À ơi, em đi lấy chồng, anh vẫn một mình à ơi, táo rụng sân đình thương anh một mình một mình nhớ em ….
À ơi … hoa bay lên trời À ơi … hoa cải bay đi, rau răm thôi đành … ở lại”
Cả bài hát khó hiểu nhất là hai câu “hoa cải lên trời, rau răm ở lại” và “táo rụng sân đình”. Thử tìm xem Trần Tiến muốn nói gì?
“Gió đưa hoa cải về trời Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”
Có truyền thuyết (hầu hết hướng dẫn ở Côn Đảo đều kể) cho rằng đây là câu ca dao nói về việc Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long, người thành lập nhà Nguyễn và là triều đại đầu tiên chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam) bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Lôn (Côn Đảo). Ở đây Nguyễn Ánh muốn đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện binh Pháp để chống nhà Tây Sơn. Bà Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm), mẹ của hoàng tử Cảnh (tên tục là Cải), đã can ngăn không để “cõng rắn cắn gà nhà” nên bị nghi ngờ là thông đồng với quân Tây Sơn vì thế Nguyễn Ánh định giết bà nhưng quần thần can ngăn. Khi Tây Sơn tiến đánh Côn Đảo, Nguyễn Ánh bỏ bà trong một hang trên núi ở Côn Đảo. Khi tàu chuẩn bị chạy khỏi Côn Đảo thì Hoàng tử Cảnh (lúc đó mới 4 tuổi) khóc đòi mẹ nên Nguyễn Ánh tức giận đạp Hoàng tử Cảnh xuống biển. Hoàng tử Cảnh chết trôi giạt vào bãi Cỏ Ống, Côn Đảo và được dân chôn cất, lập đền thờ (nay gọi là đền thờ Cậu). Bà Phi Yến sống trên đảo sau bị một tên đàn ông định làm nhục (nắm tay) nên tự vẫn để giữ trinh tiết với người chồng (Nguyễn Ánh)! Dân đảo đã lập đền thờ (miếu An Sơn, nằm trên đường từ trung tâm đi về phía Bến Đầm, rẽ tay phải đi hướng vào núi, khu bảo tồn Quốc gia). Ngày nay, khi ra Côn Đảo, 2 điểm thăm quan không thể thiếu là đền Bà Phi Yến và mộ Chị Võ Thị Sáu và người dân đảo thường nói đây là hai nơi rất linh thiêng. Đến đền Bà Phi Yến người ta thường cầu chuyện lương duyên.(http://www.bariavungtautourism.com/vietnamese/ditich_danhthang/honba_condao.html)
Tuy nhiên, có nhiều tài liệu chứng minh rằng Nguyễn Ánh chưa từng đặt chân đến Côn Đảo. Theo sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính trong cuốn Histoire moderne du pays d‘Annam, 1582-1820 (Paris, Plon, 1919) thì Nguyễn Ánh không hề bước chân đến Côn Lôn (Côn Đảo) mà là đảo Koh Kong (Cổ Long) – là một đảo nhỏ gần Phú Quốc.
Sách sử cũng không hề nói đến bà Phi Yến có con mà Hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) là con của Nguyên phi Tống Thị Lan (tức Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu). Năm 1783, Nguyễn Phúc Cảnh được giám mục Bá Đa Lộc (tức Pigneau de Béhaine – người Pháp) tục gọi là Cha Cả – sau này khi mất được chôn trong thành Gia Định, nay là khu Lăng Cha Cả ở TP. HCM) đưa sang Pháp để cầu viện binh. Năm 1789 thì quay về Sài Gòn và năm 1793 được phong Đông Cung (Thái Tử) nhưng tháng 2 năm 1801 thì mất do bệnh đậu mùa. Như vậy Hoàng tử Cảnh không thể bị vứt xuống biển theo truyền thuyết trên. Miếu Cậu cũng không thể là miếu thờ Hoàng tử Cảnh. Miếu An Sơn (miếu bà Phi Yến) được xây dựng lại năm 1958 và những bài thơ, hoành phi, câu đối hiện tại không chắc về xuất sứ.
Vậy hai câu trên rõ ràng không phải nói về hoàng tử Cảnh (tên tục là Cải) và bà Phi Yến (tên tục là Răm)!
Có một cách giải thích khác về câu ca dao trên: Hoa mau tàn, rau răm thì sống lâu, sống được trên đất khó. Ở thời loạn lạc, “hoa cải” sướng vì “lên trời” sớm, chỉ có rau răm ở lại chịu khổ. Tuy nhiên theo cách giải thích này thì câu trên có lẽ là:
Gió đưa hoa cải về trời Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
thì có lẽ mới đúng!!!
Trong bài Quê nhà (Trần Tiến), không biết Trần Tiến muốn dùng ý nghĩa câu này như thế nào???
Áo nâu mùa đông, thương mình lận đận đêm buồn mẹ ru: À ơi … hoa bay lên trời cây chi ở lại? À ơi hoa cải lên trời, rau răm ở lại, chịu lời đắng cay!
Hoa cải ra vào mùa đông, chắc có lẽ buổi chiều mẹ ra đồng thấy cánh đồng cải hoa vàng tràn ngập nên gợi trong mẹ câu ca dao này! Đêm về suy phận mình “chịu lời đắng cay”?
“À ơi, em đi lấy chồng anh vẫn một mình. À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình”!
Tại sao lại là “Táo rụng sân đình?
“Thị Mầu nhặt những quả táo trên sân ném dỡn Kính Tâm:
Này thầy tiểu ơi ! Thầy như táo rụng sân đình Còn em như gái dở đi rình của chua… Chứ thầy tiểu ơi”
Chắc là đây! Trần Tiến muốn lấy hình ảnh Táo rụng sân đình trong Quan âm Thị Kính với ý của Thị Mầu: thầy tiểu Kính Tâm “người đâu đến chùa tu mà đẹp như sao băng” thế mà đi tu thì … phí quá. Trong khi Thị Mầu thì “em như gái dở đi rình của chua…”
Anh chàng trong bài hát với “mối tình long đong” mà người yêu đã đi lấy chồng!!!!!!
LVL 15/9/2008