Một cách nghe, một cách hiểu bài dân ca Nam Bộ: Lý ngựa ô
Trong các bài dân ca Việt Nam, cũng có thể nói rằng, Lý ngựa ô là một trong những bài hát vào loại được đông đảo người nghe ưa thích nhất. Điều đáng chú ý là, Lý ngựa ô không chỉ thích hợp với một vài tầng lớp, một vài lứa tuổi, mà dường như bài dân ca Nam bộ này phù hợp với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đoàn nhạc nhẹ Biêlôrutxia (Bạch Nga), trong chuyến sang thăm và biểu diễn ở nước ta, đã chỉ tuyển chọn được trong số các bài dân ca khắp 3 miền Bắc Trung Nam ở nước ta một bài đặc sắc nhất để đưa vào chương trình nhạc nhẹ quốc tế của Đoàn: đó là bài Lý ngựa ô.
Vậy thì, Lý ngựa ô có điều gì mà lại hấp dẫn người nghe đến như vậy?
Trước hết, Lý là một thể loại dân ca đặc biệt, mang màu sắc tự sự rõ rệt, phổ biến trên một địa bàn trải rộng cả trên địa bàn đến không ngờ: từ vùng trung du, qua Thanh Hoá, vượt qua Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên (Trung Bộ), Quảng Nam, Đà Nẵng vào đến tận Gò Công, Bạc Liêu (Nam Bộ). Hiếm có một thể loại dân ca nào lại tồn tại trên một địa bàn trải rộng cả trên địa bàn cả ba miền Bắc – Trung – Nam như vậy.
Các nhà nghiên cứu chưa chỉ ra rõ ràng Lý xuất phát từ địa phương nào, Song, nghiên cứu trên làn điệu, lời ca, phong cách của bài dân ca, người ta đặt ra giả thuyết rằng, phải chăng , Lý ra đời từ cái nôi là dải đất miền Trung Nam Bộ, chặng đầu tiên của con đường thiên di vào phía Nam của cha ông ta. Trong những ngày đầu rời xa quê hương, những lời ca của cha ông ta thường đau đáu lòng nhớ thương quê cha đất tổ. Âm điệu tha thiết, mang đậm nỗi sầu xứ, đã bao trùm hầu hết các làn điệu dân ca vùng này, trong đó có cả Lý: Táo bạo hơn, có người còn cho rằng, lý chịu nhiều ảnh hưởng của các làn điệu dân ca Chăm, vốn cũng chứa đựng nhiều yếu tố buồn, u uất…(Người Gia rai, một dân tộc cư trú trên địa bàn Tây Nguyên, cùng ngữ hệ với người Chăm, có loại hát Hri cũng thường dùng để bộc bạc tâm sự như vậy.
Các bài mang tính chất buồn, đầy nỗi thương cảm như vậy chiếm tỷ lệ khá cao trong các bài Lý (không dưới 80%). Lý ngựa ô có thật như vậy không? Người nghe thường cho rằng đây là một bài hát vui, tinh nghịch. Người hát và các đoàn nghệ thuật khi dàn dựng bài hát này, thường thiên về khai thác yếu tố vui nhộn, tinh nghịch đó. Bấy lâu nay, khi nghe Lý ngựa ô, chúng ta mới chỉ tiếp nhận những “tín hiệu” về phía đó. Và cũng chỉ cần có thế, Lý ngựa ô cũng đã được đón nhận như một bài trong số hiếm hoi các bài dân ca vui. Song, không chỉ có như vậy.
Nếu chỉ nghe phần lời, người nghe chỉ thấy một khía cạnh:
- Khốp con ngựa (ngựa )ô Ngựa ô anh thắng (anh thắng) kiệu vàng Anh tra khốp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen là dậm, dây cương dầm thấm, cán roi anh bịt đồng thà (ừ, ư, ừ) Anh (ứ) Anh đựa nàng ( anh đưa nàng, anh đưa nàng) về dinh.
Nếu chỉ có vậy thì thực là đơn giản: Đây là lời hát của một cậu công tử nhà giàu, có nhà cao cửa rộng (về dinh). Trang bị cho cậu toàn những thứ quý, đắt tiền: ngựa ô, kiệu vàng, khốp bạc, lục lạc đồng đen, dây cương mịn màng (đầm thắm), cán roi bịt đồng thà… Dường như anh chàng công tử nhà giầu (thậm chí có thể là con quan nữa) này khoe với một cô gái về tài sản, gia thế của mình. Nếu chỉ là lời khoe khoang hợm của, hợm mình của một anh công tử nhà giầu thì có gì đáng nói để cho bài hát có thể trường tồn cho đến tận ngày nay. Nếu chỉ có vậy, bài dân ca Nam Bộ này chưa chắc đã làm lay động lòng người. Nếu chỉ “nghe” bài hát qua câu chữ của phần lời, người nghe chỉ có được những tín hiệu như vậy và chỉ thu được những cảm nhận như vậy.
Vậy mà, toàn bộ vấn đề lại dường như nằm ở một phía khác: phần nhạc của bài.
Bài Lý ngựa ô được các nhạc sĩ quan tâm chính ở chỗ có những quãng nhảy xa (quãng bảy) và ở những chỗ đảo phách. Nếu chỉ nghe qua, chúng ta sẽ cho rằng, những quãng nhảy xa và những chỗ đảo phách đó dường như chỉ để miêu tả những bước chân của chú ngựa trên con đường gập gềnh. Thực ra, không chỉ là như vậy! Sự “gập ghềnh” của giai điệu bài hát còn là để miêu tả sự “gập ghềnh” trong tình cảm của nhân vật nữa. Qua giai điệu bài hát, người nghe không “ghét” những lời huênh hoang, hợm hĩnh của anh mà lại dành cho anh một sự đồng cảm. Có điều gì đáng lưu ý ở đây? Kết hợp lời ca và giai điệu, người ta thấy những lời huênh hoang, hợm hĩnh kia vừa mang vẻ hài hước vừa có vẻ mĩa mai, cay đắng!
Có thể chàng trai kia hoàn toàn không phải là một chàng công tử nhà giầu hợm hĩnh mà chỉ là một anh nông dâ nghèo khó, không có đến một tấc đất cắm dùi. Anh đang mơ mình sẽ trở nên giầu có với những đồ dùng quý giá, đắt tiền. Và, tất cả những sự giầu có ấy, anh không coi đó là mục đích mà chỉ là phương tiện giúp anh đạt tới một mục đích cao hơn, một giấc mơi đẹp hơn của anh: lấy được người con gái xinh đẹp mà anh yêu quý.
Ước mơ hạnh phúc của người nông dân ta ngày xưa là như vậy! Song, đó vẫn chỉ là một giấc mơ không bao giờ anh ta thực hiện được. Ngựa ô, kiệu vàng, khớp bạc… chỉ tồn tại trong tâm tưởng của chàng trai nghèo. Bởi thế, nó mới mang một dư vị cay đắng, xót xa đến vậy. Bởi thế giai điệu bài hát mới chứa đựng cả sự “gập ghềnh” trong tâm tư người nghe lẫn sự hài hước đến chua xót…
Thì ra giấc mơ hạnh phúc vẫn là chủ đề quán xuyến trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian: từ bài ca dao, truyện cổ, trường ca đến kiến trúc, hội hoạ và âm nhạc. Điều đặc biệt là, trong bài Lý ngựa ô, giấc mơ có được trình hiện dưới một dạng thức hài hước. Bởi thế, những mơ ước vô vọng của chàng trai trong bài hát lại càng trở nên xót xa hơn, gây xúc động hơn trong lòng người nghe. Trước nỗi đau, ta bắt gặp không phải lời than thở hay nước mắt, mà kỳ lạ thay, lại là nụ cười. Song vì thế, đấy là một nụ cười ra nước mắt.
Lý ngựa ô chứa đựng một triết lý như vậy, một suy nghĩ thâm thúy như vậy trước cuộc đời đầy những bất công, khó khăn chồng chất. Những điều đó người nghe chỉ có thể cảm nhận khi biết “nghe” cả phần nhạc lẫn phần lời trong bài hát. Cha ông ta, từ thuở xa xưa, đã biết sáng tạo nên một bài dân ca mà phần nhạc và phần lời của nó thoạt nghe, tưởng chừng như mâu thuẫn nhau, thực ra, hai phần này đã hỗ trợ nhau để làm “bật” lên một vấn đề sâu sắc hơn, quan trọng hơn mà nếu riêng phần nhạc hoặc phần lời, sẽ không đủ sức chứa đựng.
Và vì thế, mặc dù dưới dạng hài hước, Lý ngựa ô vẫn là một bài hát chứa đựng nội dung tự sự, trữ tình, phù hợp với phong cách truyền thống của Lý . Bởi vậy, bài hát đã vượt lên trên tính chất của một bài hát hài hước hiểu theo nghĩa thông thường.
Phải chăng, đó là điều làm nên giá trị của Lý ngựa ô, bài dân ca Nam Bộ nổi tiếng và cũng là một tác phẩm có giá trị trong hành trang tinh thần của cha ông ta.
Tô Đông Hải Nguồn: Tạp chí Văn hoá dân gian số 3-1990; 23-24
Dưới đây là lời bài hát dân ca Lý Ngựa ô và lời bài Ngẫu hứng Lý ngựa ô (Tuỳ hứng Lý ngựa ô, Ngựa ô thương nhớ) – một sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến về bài hát dân ca này.
LÝ NGỰA Ô
Khớp con ngựa ngựa ô. Khớp con ngựa ngựa ô, Ngựa ô anh thắng, anh thắng kiệu vàng. Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dậm, Dây cương nhuộm thắm cán roi anh bịt đồng vàng.
Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng Anh đưa nàng về dinh. Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng. Anh đưa nàng về dinh.
Khớp con ngựa ngựa ô. Khớp con ngựa ngựa ô, Ngựa ô anh thắng, anh thắng cái kiệu vàng ứ ư ư ự ứ ư. Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dậm, Dây cương nhuộm thắm cán roi anh bịt đồng vàng. Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng, Anh đưa nàng về dinh. Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng, Anh đưa nàng về dinh
Ngẫu hứng lý ngựa ô
Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa Nghe một thuở hồng hoang ngựa qua bến sông Đêm phương Nam nhìn lên mây bay khói toả, Nhìn hòn đá lăn Nghiêng, nghiêng, nghiêng nghiêng câu ca dao, Nghiêng nghiêng mái chèo Dưới bóng cây ngô đồng, có con ngựa dừng chân, Có hai người… hôn nhau
Khớp! Khớp! Khớp! Khớp con ngựa ô. ngựa ô. ngựa ô Ngàn năm thương nhớ đất nước có bao bài ca tình yêu ngựa ô Để anh đón nàng Ứ ưh, ư ưh, ư ưh, ư ừh Cho ai yêu thương nhau bên nhau suốt đời… ừ uh uh, ứ ưh ừh ư Nhớ tiếng vó khớp con ngựa ô ngựa ô ngựa ô Ngàn năm vang mãi tiếng vó có bao chàng trai về nơi đồng xanh Ngựa anh đón nàng Ứ ưh, ư ưh, ư ưh, ư ừh Cho ai yêu thương nhau bên nhau suốt đời
Khớp! Khớp! Khớp! Khớp con ngựa ô Ô ô ô để anh khớp Khớp! Khớp! Khớp! Khớp con ngựa ô Ô ô ô để anh khớp Khớp! Khớp con ngựa ô, ngựa ô…
Mời các bạn cùng nghe nhé:
Lý Ngựa Ô (dân ca miền Nam) Lý Ngựa Ô Huế Ngựa ô thương nhớ – Phạm Anh Khoa Tùy Hứng Ngựa Ô – Phương Uyên Liên khúc Lý ngựa ô – Chí Tài, Kiều Oanh Lý ngựa ô – Phi nhung Lý Ngựa Ô – Văn Nghệ Nhà Nam trình diễn Lý Ngựa Ô (Miền Nam) tại Thomas Jefferson Auditorium, Fairfax, Virginia, 31-5-1992, show “45 Năm Âm Nhạc Nhật Bằng”
Ca sĩ: Linh Phượng, Tuyết Lan, Quế Thanh, Anh Tú, Đỗ Giang, Trần Lãng Minh (88.76M)
Nhạc sĩ: Nhạc sĩ Nhật Bằng & The Blue Ocean, Giáo Sư Kim Oanh.