Trong một chuyến đi tìm một loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam để giới thiệu tại Pháp. Anh đã tìm đến một vùng núi của tỉnh Ninh Thuận. Gặp được cây đàn mà anh rất thích. Ở đây người dân gọi là cây đàn Chapi. Anh nói với người chủ rằng: Tôi là nhạc sĩ, tôi rất thích cây đàn này. Anh có thể bán cho tôi được chứ!? Người chủ cây đàn đáp với anh rằng: “Nếu anh thích thì tôi sẽ tặng anh. Tôi không bán đâu. Vì đã mười mấy năm rồi tôi không dùng đến tiền”. Nhạc sĩ Trần Tiến thật sự bất ngờ với câu trả lời ấy.
Người chủ cây đàn nói tiếp: Từ khi trở về từ quân ngũ, tôi lấy một người vợ dân tộc ở đây và sống tới hôm nay. Anh thấy đấy, nhà tôi có nào là dê, nào gà và cả ruộng nương nữa. Tôi đang sống rất hạnh phúc với ngôi nhà này.
Đó là câu chuyện về “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Khi nghe anh kể về câu chuyên như vậy, tôi chợt mơ tới một miền cao nguyên mênh mông, bạt ngàn rừng cây và núi rừng hùng vĩ. Thế giới chỉ tồn tại trong ngoặc kép của từ yêu thương, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau
Giấc mơ Chapi – (Trần Tiến) – Y Moan
Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi một mái tranh nghèo một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình ai nghèo cũng có cây đàn cha pi. Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai.
Khi hát lên một bản tình ca giữa ngút ngàn trời mây, lòng đổ dốc theo con thác trắng xóa, trái tim rung lên theo ngọn thác rầm rập đêm ngày. Bên cạnh ngôi nhà sàn nhỏ bé, con thú, con chim cũng thấy vui vầy theo điệu đàn ta hát. Sống trong giấc mơ xanh mướt màu thiên nhiên ấy, có khi nào sầu đau và những bon chen đời người len lỏi vào được không?
Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn cha pi. Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn cha pi. Tôi yêu cha pi không còn cô đơn, không buồn, không vui. Tôi nghe cha pi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi cha pi.
Giấc mơ Chapi đâu phải là ảo huyền. Tôi cảm thấy phiêu diêu nhẹ nhõm, hình ảnh núi rừng và cuộc sống thiên nhiên hiện về ngay trước mắt tôi mỗi khi nghe bài này hát , như một giấc mơ vậy .. Ôi giấc mơ Chapi!
Ngày đó, cứ mỗi đêm khuya, trai gái trong bản thường rủ nhau lên những quả đồi có trăng thanh, gió mát để trò chuyện. Khi ấy, tiếng đàn Chapi ngân lên mang theo giai điệu của tình yêu thật lãng mạn. Cuộc sống không đánh đổi bằng tiền, họ lao động bằng chính mồ hôi để tạo ra sản phẩm và dùng sản phẩm để đổi lấy những thứ cần cho sinh hoạt. Vì thế mà họ sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau.
Những điệu nhạc Chapi có cái tên rất giản dị: Điệu con ếch khảy lên vào những đêm mưa đầu mùa, gọi nhau sớm mai sẽ lên nương trồng tỉa, điệu con chim báo cho nhau biết quãng thời gian trong ngày, điệu em ở lại anh về thay cho lời giã từ lưu luyến khi chia tay… Cây đàn đơn sơ làm bằng một đốt tre già được chặt trên rừng. Đó phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao dễ hút nước thì tiếng mới thanh cao, trong trẻo được. Thường thì chỉ có trai làng có sức khỏe, dẻo dai mới có thể trèo lên chặt tre sau đó về nhà, bằng một vài thao tác đẽo gọt là có thể gảy thành tiếng.
Lạ thay, giai điệu phát ra trên phím đàn đã gửi gắm vào đó tình cảm, tâm tư của cả một cộng đồng người. Đặc điểm nổi bật của người Ragrai là sống ở những vùng đồi núi trập trùng nên họ thường mang theo đàn lên rẫy mỗi khi buồn thì gẩy cho vui, cho vơi bớt mệt nhọc. Nhịp đàn cũng như nhịp người lên rẫy, thong dong, bình thản. Tiếng đàn nào cũng như nhau không có sự phân biệt cho nên bất cứ ai kể cả người giàu, người nghèo đều có thể sở hữu một cây đàn Chapi.
Trước khi đặt chân đến miền đất này, trong đầu chúng tôi là vô số những hình dung, liên tưởng về mảnh đất mẹ đẻ của đàn Chapi. Xã Ma Nới có 100% dân số là người Raglai, chỉ có một con đường duy nhất kết nối bản làng với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy.
Đã 60 mùa rẫy, Chamalé Âu dường như vẫn không hề giảm sức sống của một trai làng bản. Thân hình nhỏ thó, nước da cháy nắng càng làm tôn lên vẻ rắn rỏi, bền bỉ cho ông. Chamalé Âu kể, cách đây 20 năm, khi phong trào làng văn hóa ra đời khơi nguồn cảm hứng cho ông nhạc sĩ sáng tác bài hát này nhưng thật ra đàn Chapi của người Raglai đã bị mai một trước đó rồi. Là con của bản làng, ông buồn lắm.
Nhạc Sĩ Trần Tiến
Hát lên một bản tình ca giữa đại ngàn, nó làm thức tỉnh cuộc sống của vạn vật mà bấy lâu nay đang dần ngủ quên. Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai. Đúng vậy, có tới đây, có được tận tay cầm nắn cây đàn Chapi, được lắng tai nghe giọng hát truyền đời của một cộng đồng người, chúng tôi mới cảm nhận trọn vẹn được tình yêu người và đất ở đây đã thật sự thẩm thấu vào mỗi gốc cây, ngọn cỏ mang dáng hình người Raglai.
Chamalé Âu, người con yêu quê hương đến cháy bỏng, việc làm của ông không mang dáng dấp của sự bảo tồn một nền văn hóa truyền thống đã bị lụy tàn nhưng phần nào đó làm sống lại một nét giá trị đẹp, khởi nguồn cho một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người mến mộ.
Rời Ma Nới khi bước chân còn lưu luyến, chúng tôi cứ bịn rịn bởi tiếng đàn du dương, réo rắt của điệu Em ở lại anh về từ một thanh âm rất nhỏ của đàn Chapi. Người đang từng ngày đau đáu để níu giữ những điệu nhạc Chapi đã cố gắng thể hiện cho chúng tôi hiểu được vốn văn hóa của dân bản mình bằng giọng Việt chậm chạp bởi nơi đây tiếng Raglai vẫn là ngôn ngữ ruột của họ. Những người khách lạ như chúng tôi làm sao hiểu hết được tâm sự của tiếng đàn. Nhưng có một điều tôi hiểu được rằng, ở đây, giấc mơ Chapi từng có thật.
(Nguồn: https://bcdcnt.net/)