Lời Bài Hát điệp Khúc Mùa Xuân

Mỗi khi Tết đến Xuân về, khắp nơi từ thành thị đến thôn quê lại vang lên những giai điệu rất đỗi thân quen: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chở tia nắng về trong ánh mùa sang/Gió mãi mơn man trên đóa môi hồng…”. Đó chính là những lời trong ca khúc “Điệp khúc mùa Xuân”, do nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác.

Ca sĩ Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng. Ca sĩ Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng.

MÙA XUÂN THẬT LÃNG MẠN

Vào khoảng những năm 1988-1989, trong một buổi liên hoan năm mới cùng các bạn sinh viên, khi được mời góp tiết mục văn nghệ, tôi đã chọn “Bài ca tết cho em” để hát bởi đây là ca khúc đang rất được ưa chuộng thời điểm ấy. “Tết này anh không thèm kẹo mứt/Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng/Tết nay anh không thèm đi chơi/Xi-nê hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu/Vì đã có em đem lại mộng đời/Tô thêm vào lòng người chan chứa mọi nguồn vui/Tết nay anh không thèm đốt pháo/Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi!/Tết này anh không thèm chơi đánh bài/Vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà/Tết này anh cũng chẳng chơi hoa/Vì môi em cười như chứa cả vườn Xuân”.

Tôi chỉ được nghe bài hát này ở các quán cà phê, tụ điểm vui chơi giải trí chứ thời đó làm gì có Internet để cập nhật như bây giờ. Bài hát khi đó đã rất cuốn hút giới trẻ bởi ca từ và giai điệu vừa vui nhộn, dí dỏm lại dễ thương, dễ nhớ, hợp với những ai “mơ mộng phi vật chất” như giới học sinh, sinh viên. Nhưng có lẽ cần nhấn mạnh thêm là bài hát được yêu thích đến vậy còn là do được hát bởi nữ ca sĩ Bảo Yến – giọng ca tài sắc vẹn toàn, nổi tiếng lúc đó… Thú vị hơn, sau này tôi mới biết đó là ca khúc nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác để tặng Bảo Yến, và họ đã nên duyên vợ chồng. Bài hát được ưa chuộng nhiều năm sau đó và cả đến nay, mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Xem thêm  Lời Bài Hát Những Ngôi Sao Trên Cao

Ca sĩ Bảo Yến thổ lộ: “Bài ca Tết cho em là ca khúc chồng tôi viết tặng riêng tôi thời hai người đang “cưa cẩm” nhau”. Lúc đó, Bảo Yến làm thư ký ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Quốc Dũng chơi guitar cho ban nhạc của Đài. Những quán cà phê, phòng trà Sài Gòn thời ấy đi đến đâu cũng nghe giọng ca Bảo Yến. Chị cũng là người hát dòng nhạc Bolero đầu tiên ở Việt Nam. Những thành công rực rỡ của nữ ca sĩ luôn có một người đàn ông thầm lặng đứng phía sau, sáng tác, hòa âm, phối khí, đó chính là nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyên gia âm nhạc Kim Chi nhận định: “Nhắc đến Quốc Dũng không thể không nhắc đến Bảo Yến, nàng thơ trong nhiều bài hát và cũng là vợ, người thể hiện trọn vẹn nhất những ca khúc của ông”.

NHẠC SĨ ĐA TÀI

Đam mê âm nhạc từ nhỏ, 15 tuổi Quốc Dũng đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Bản nhạc đầu tiên của Quốc Dũng viết khi mới 11 tuổi. Nhưng đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Mùa Xuân 1968, ca khúc đầu tay “Em đã thấy mùa Xuân chưa” của Quốc Dũng được tung ra thị trường băng đĩa và được công chúng đón nhận nồng nhiệt: “Một vùng mây trắng, bay đi tìm nhau/Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu/Vì mình xa nhau nên em chưa biết Xuân về đấy thôi/Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai/Trời mưa giăng lối, áo em lệ rơi/Nhạt nhòa nét môi đã say quên lời/Vì mình xa nhau nên em chưa biết Xuân về đấy thôi/Ngày Xuân vẫn trôi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi”. Ít ai ngờ rằng những câu hát ám ảnh này được nhạc sĩ viết khi mới chỉ 17 tuổi! Sau đó ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: “Mai”, “Đường xưa”, “Cơn gió thoảng”, “Chuyện ba người”, “Còn mãi nơi đây”, “Điệp khúc mùa Xuân”, “Thoát ly”, “Hoang vắng”… Có thể nói rằng trong tất cả các ca khúc của nhạc sĩ, đều có bóng dáng những cuộc tình.

Xem thêm  Hợp âm Khoảnh Khắc

Trước khi kết hôn với Bảo Yến, nhạc sĩ Quốc Dũng đã có cuộc hôn nhân với ca sĩ Thanh Mai – nữ ca sĩ được xếp vào danh sách thần tượng của giới trẻ Sài Gòn đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Ca sĩ Thanh Mai cũng từng xuất hiện trong nhiều bộ phim như “Gác chuông nhà thờ”, “Bẫy ngầm” hoặc “5 vua hề về làng”. Ca sĩ Thanh Mai và nhạc sĩ Quốc Dũng kết hợp thành đôi song ca làm mê đắm những trái tim mới lớn mơ mộng ở các trường học khi đó. Nhạc sĩ Quốc Dũng đã sáng tác nhiều ca khúc hát chung với ca sĩ Thanh Mai như “Quê hương”, “Mộng ước”, “Bên nhau ngày vui”. Một trong những bài hát ghi dấu ấn mối tình giữa nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Thanh Mai là ca khúc “Mai”. Ca từ “Mai” liên tục được nhấn mạnh trong bài hát đủ nói lên tất cả: “Mai! Anh đã quen em một ngày/Anh đã yêu em một ngày/một tình yêu quá không may/Mai! Anh nhớ môi em miệng cười/Anh nhớ môi em ngọt lời/Dù lời yêu thương chưa nói…”. Ca khúc “Cơn gió thoảng” là ca khúc họ song ca với nhau một lần duy nhất trước khi rời xa nhau. Sau đó, ca sĩ Thanh Mai kết hôn với Việt kiều Pháp và nhạc sĩ Quốc Dũng cũng lấy vợ vào năm 1974.

Không chỉ có tài viết nhạc, đánh đàn và ca hát, nhạc sĩ Quốc Dũng còn có ngoại hình điển trai, lãng tử. Đạo diễn Lê Dân nhìn thấy Quốc Dũng có tố chất tài tử xi-nê nên đã mời anh đảm nhận vai chính trong bộ phim “Trường tôi”. Bởi thế, vị nhạc sĩ luôn có nhiều người đẹp ngưỡng mộ và say mê là điều dễ hiểu. Quốc Dũng từng thừa nhận: “Tôi là người rất dễ động lòng trước cái đẹp”. Mỗi giai nhân xuất hiện bên đời nhạc sĩ đều là nguồn cảm hứng sáng tác của ông để ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng. Mối tình của Quốc Dũng và Bảo Yến xảy ra nhiều sóng gió, giận hờn, hao tốn nhiều giấy mực của báo giới cũng là thường tình.

Xem thêm  Gọi Tên Người Yêu

Mỗi khi Tết đến Xuân về, khắp nơi từ thành thị đến thôn quê đều vang lên những giai điệu rất đỗi thân quen như: “Anh về giữa mùa Xuân”, “Hẹn ước mùa Xuân”, “Em đã thấy mùa Xuân chưa”, “Xuân xa vắng”, “Bài ca Tết cho em”… và đặc biệt là “Điệp khúc mùa Xuân”: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chở tia nắng về trong ánh mùa sang/Gió mãi mơn man trên đóa môi hồng/Người em yêu tìm quên trong cuộc sống/Bướm vẫn tung tăng bay la đà/Mặt trời mây buồn nhẹ trôi thiết tha/Ánh mắt mơ trông nơi xa vời/Chờ mùa Xuân đến đem nguồn vui”.

Hòa cùng với niềm vui của trời đất giao mùa, vị nhạc sĩ tài hoa hẳn cũng sẽ thấy lòng hân hoan với những giai điệu, lời ca mình dâng tặng cho người, cho đời.

VŨ THANH HOA