Lời Bài Hát Cả Tuần đều Ngoan

Đăng ngày 27/03/2023 – 22:20

https://hoinhacsi.com/wp-content/uploads/2023/04/Ca_tuan_deu_ngoan.mp3

Piano: Hoàng Mãnh

Bản thu đầu tiên tại Đài TNVN năm 1975

Mấy chục năm trước, khi còn là đứa bé đến trường mẫu giáo, niềm vui giản dị cho cả nhà chính là được tấm phiếu BÉ NGOAN. Không rõ phiếu BÉ NGOAN được sử dụng từ bao giờ, nhưng thời của tôi thì đó là tấm phiếu xinh xinh có hình bông hoa sen tím hồng. Để đạt phiếu BÉ NGOAN cuối tuần thì các ngày trước phải được cắm cờ, những cái cờ nhỏ xíu, cán bằng tăm tre, bảng cắm cờ treo trang trọng trong lớp, mỗi ô đều có tên của các bé. Thế nên phải ngoan cả tuần, chứ một ngày không được cắm cờ là cuối tuần tèo luôn. Rồi các tuần trong tháng đều đạt phiếu BÉ NGOAN thì cuối tháng sẽ được phiếu CHÁU NGOAN BÁC HỒ, phiếu này có hình một cụm hoa sen hồng với lá sen xanh.

Tôi vẫn nhớ nếu được phiếu BÉ NGOAN thì bố mẹ có thưởng, nhiều khi được lên Bờ Hồ, ăn kem Bốn Mùa, kem dừa, kem cốm, đều là kem que, sao mà ngon thế cơ chứ! Nếu được CHÁU NGOAN BÁC HỒ thì còn được lên Thuỷ Tạ ăn kem cốc, hồi ấy là cực kỳ xa xỉ. Mà cái hình hoa sen ở trong phiếu CHÁU NGOAN BÁC HỒ lại rất giống phần kem tạo hình hoa sen trong bánh gato nhỏ xinh, hiếm lắm mới được ăn….

Xem thêm  Lời Bài Hát đêm Hội Phố Hoài

Câu chuyện phiếu BÉ NGOAN của tôi lúc đi học mẫu giáo đã “xúc tác” cho bố viết thêm một bài hát nữa dành tặng trường Mầm non Đống Đa, đó là bài “Cả tuần đều ngoan”:

Thứ ba, thứ tư, thứ năm

gày nào cũng luôn cố gắng

Thứ sáu rồi đến thứ bảy

Cô cho bé phiếu bé ngoan

Chủ nhật cả nhà đều vui vì bé ngoan suốt tuần!”

Ngày đấy mẫu giáo đi học thứ bảy, nên lời ca bám sát thực tế. Và dù ra đời đã nhiều năm nhưng bài hát vẫn được tụi trẻ con hát, thật tự hào khi bản thu đầu tiên trên Đài TNVN lại chính là tôi hát. Bài hát được thu cùng hôm tôi và các bạn Mầm non Đống Đa lên hát bài “Cô và mẹ”. Gần 50 sau, tôi sởn cả da gà khi nghe giọng hồi bé của mình, nó cứ ron rỏn, véo von, lanh lảnh, nhất là phát âm chữ “vui” cảm giác như nhìn thấy miệng em bé chúm chím….

Sau này, khi đã là biên tập âm nhạc thiếu nhi của chương trình Những bông hoa nhỏ, Đài THVN tôi có dịp phỏng vấn các nhạc sĩ về tác phẩm dành cho trẻ em của họ, và đã ngạc nhiên về sự tương đồng của hoàn cảnh ra đời khá giống với bố tôi khi viết cho con. Một lần, tôi đến nhà nhạc sĩ Hoàng Vân ở Võng Thị, nơi ông ngồi sáng tác nhạc, vẽ tranh, ông tâm sự: ông viết bài “Con chim vành khuyên” chính là dành cho con trai út Lê Phi Phi đang đi học mẫu giáo. Khi nghe con kể chuyện ở lớp học, cô giáo dạy phải lễ phép, gặp người lớn phải chào hỏi, ông đã nghĩ ngay để viết một bài dạy các con thật dễ hiểu, sinh động, dễ nhớ, dễ hát. Và bài hát đáng yêu ấy không chỉ là bài hát dành riêng cho con nữa mà đã vượt không gian, vượt thời gian đến với các em bé. Tình cờ thế nào mà nhạc trưởng Lê Phi Phi lại là bạn đồng môn của tôi ở trường Mầm non Bông Nhuộm, sau bao năm chúng tôi tụ họp lại và vẫn gọi đùa là “Hội ngồi bô”, các cựu học sinh mẫu giáo hội ngộ và tụ tập được kể cũng là hiếm thấy!

Xem thêm  Lời Bài Hát Sầu Lẻ Bóng 2

Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của Phạm Hồng Tuyến