Chỉ mới cách đây 8 tháng, trong Đêm nhạc Tôn Thất Lập – Hát cho dân tôi nghe do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức, nhạc sĩ tham gia chương trình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn.
Lúc này, ông trông gầy, mái tóc bạc phơ và nụ cười hiền hậu. Cái cách ông kể chuyện giản dị chứa đựng tinh thần của người nghệ sĩ luôn hướng trái tim đến quê hương, đồng bào.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập & Hát cho đồng bào tôi nghe
Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập không thể không nhắc đến hoạt động phong trào âm nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh chia cắt. Những ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi, Xuống đường (viết chung với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)… của ông được hát vang trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam, từng lay động hàng triệu con tim Việt Nam.
Trong chương trình, ông từng kể năm 1970, khi bị địch bắt, trong nhà tù ông đã viết nhanh ca khúc Hát trong tù.
“Tháng 5-1970, đang chuẩn bị phong trào sinh viên Sài Gòn biểu diễn tại Đại học Cần Thơ lúc 3h sáng đã bị cảnh sát vào bắt. 4h tôi vào Nha cảnh sát đô thành. Vào đó họ bắt mặc đồ tù, tôi vừa lo sợ nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ anh em phong trào.
Tự nhiên tôi nghe tiếng hát Hát cho dân tôi nghe. Trong lòng tôi máu nóng lên rất phấn khởi. Lúc đến bữa ăn tôi nghe giọng nữ nói anh sinh viên ơi hãy ăn đi, vào đây là còn chiến đấu dài dài. Thế là tôi không sợ gì nữa” – ông kể.
“Bài hát Hát trong tù viết trong hoàn cảnh không có giấy mực, chỉ có trái tim nên câu hát ngắn, dễ nhớ cho mọi người luyện tập nhanh, hát trong dịp sinh nhật Bác Hồ”.
Nhạc sĩ của những giai điệu lãng mạn nồng nàn
Nhưng nhạc sĩ Tôn Thất Lập không chỉ nổi tiếng bởi những ca khúc thời chiến. Ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc về đất nước, thanh niên, tình yêu.
Người yêu âm nhạc nhận xét nếu như những ca khúc Hát cho đồng bào tôi nghe tiết tấu và ca từ hùng hồn, thì những bài hát về tuổi trẻ, tình yêu của ông lại lãng mạn, nồng nàn, trẻ trung, tươi sáng chứa chan tình yêu quê hương, đất nước.
Như ca khúc Trị An âm vang mùa xuân tiết tấu nhạc sôi động được ông viết nhân khởi công xây dựng thủy điện Trị An.
Ông kể thời đó có các đoàn từ các nước như Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô đến Việt Nam tạo nên loại nhạc pop rock phát triển.
Nhưng Việt Nam chưa có nhạc rock riêng của mình. Trị An âm vang mùa xuân ra đời tạo thành dòng nhạc rock của riêng Việt Nam rất được giới trẻ lúc bấy giờ hưởng ứng, yêu thích.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên kể đầu thập niên 1990, nhóm Những người bạn mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một thành viên đã làm khuấy động thị trường âm nhạc Việt: “Âm nhạc TP.HCM lúc đó hầu như nhạc ngoại lấn át, không có sân khấu nào hát nhạc Việt. Anh em nghệ sĩ chơi thân ở giai đoạn đó lập ra nhóm gồm bảy người bạn. Lớn nhất Trịnh Công Sơn làm anh hai. Tôn Thấp Lập là anh ba.
Âm nhạc nhóm Những người bạn mang chất trẻ trung, thời đại, phù hợp giới trẻ. Anh ba Tôn Thất Lập kín kẽ, giống chính ủy, tính tình điềm đạm nhưng hòa nhập vào nhiều lứa tuổi trong sáng tác nhạc. Tiếng nói vẫn trọng lượng”.
Những ca khúc lúc bấy giờ của nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác như Mưa thì thầm, Cô bé dễ thương, Trò chơi, Tình yêu mãi mãi, Nụ hôn… ra đời nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng. Khắp nơi mọi người đều nghe âm nhạc của ông.
Nhưng giờ đây, hành trình nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã dừng lại. Ông không còn hát cho dân tôi nghe.