Khơi nguồn sáng tạo
Sáng tác ca khúc về An Giang được phát động từ ngày 15/7 đến 15/10/2022, dành cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước đều có quyền tham gia. Với mong muốn tuyển chọn tác phẩm hay, mang tính biểu tượng về vùng đất, con người An Giang; hướng tới phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, sự hưởng thụ về âm nhạc cho công chúng tỉnh nhà và giới thiệu, quảng bá cho công chúng cả nước về An Giang, qua 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 526 tác phẩm của 280 tác giả/nhạc sĩ trong tỉnh An Giang (với 48 tác giả/nhạc sĩ) và đến từ 46 tỉnh, thành phố trên cả nước (với 232 tác giả/nhạc sĩ) tham gia. Tác giả gửi tham gia nhiều tác phẩm nhất là 23 tác phẩm. Trong số 526 tác phẩm tham gia có 313 ca khúc gửi kèm bản âm thanh đã được tác giả/nhạc sĩ hòa âm phối khí.
Chấm chọn công tâm, đúng thể lệ
Để công tác chấm chọn tác phẩm đạt chất lượng, công tâm, khách quan, Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng Giám khảo là những nhạc sĩ có uy tín và kinh nghiệm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu, gồm: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS, nhạc sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là Phó Chủ tịch Hội đồng. Cùng 3 thành viên Hội đồng Ban Giám khảo, gồm: Nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS, nhạc sĩ Thế Bảo và nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Qua 2 vòng chấm chọn, Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức thống nhất không có tác phẩm đạt giải A theo cơ cấu giải thưởng; không trao giải Khuyến khích mà thay thế bằng giải thưởng “Tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất trong đợt sáng tác ca khúc về An Giang”. Hội đồng Giám khảo tổ chức thẩm định nghiêm túc, công tâm để đánh giá chất lượng và lựa chọn 15 tác phẩm âm nhạc tốt nhất đề nghị Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận kèm theo mức tiền thưởng 50.000.000 đồng/tác phẩm. Tổng kinh phí khen thưởng 750 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa do Tập đoàn Sao Mai An Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tài trợ.
Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức sáng tác ca khúc về An Giang Trần Anh Thư, sau phát động, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo đội ngũ hội viên âm nhạc và người dân trong, ngoài tình tham gia sáng tác. Đối tượng tham dự đa dạng, nhiều lứa tuổi, ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Tác phẩm tham gia với nhiều phong cách và thể loại, nhưng nhìn chung các tác phẩm đã ca ngợi truyền thống văn hóa, lịch sử, con người quê hương An Giang và phản ánh được những thành tựu của tỉnh trong thời kỳ đổi mới.
15 tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất trong đợt sáng tác ca khúc về An Giang, gồm: Tác phẩm “Một thoáng An Giang”, của tác giả/nhạc sĩ Quách Thái Duy (thành phố Hồ Chí Minh); “An Giang hữu tình” của Hứa Sơn Hà (tỉnh Kiên Giang); “An Giang quê hương tôi” của Nguyễn Khánh Vinh (thành phố Hồ Chí Minh); “An Giang quê tôi” của Nguyễn Trọng Duy (thành phố Hà Nội); “Tiếng độc huyền” của Nguyễn Ngọc Thịnh (tỉnh Hà Tĩnh); “Đài sen An Giang” của Kim Xuân Hùng (tỉnh Lào Cai); “An Giang quê tôi” của Trần Công Nghị (tỉnh Quảng Ngãi); “Khúc tráng ca mở đất” của Nguyễn Đăng Khoa (tỉnh An Giang); “An Giang – viên ngọc sáng giữa đồng bằng” của Quang Thanh Giang (thành phố Cần Thơ); “Duyên dáng An Giang” của Phạm Hoàng Long (thành phố Hồ Chí Minh); “Chiều An Giang” của Nguyễn Thị Thanh Xuân (tỉnh Sơn La); “Về An Giang” của Hoàng Đình Lương (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; “Về An Giang nghe tình yêu hát” của Phan Đình Oánh (tỉnh Bắc Giang); “Mời anh về An Giang” của Nguyễn Công Tích (thành phố Hồ Chí Minh) và tác phẩm “Tự tình An Giang” của Lê Long Phiên (tỉnh Long An).
Khơi dậy, lan tỏa tình yêu quê hương An Giang
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, đây là những tác phẩm tốt nhất trong đợt sáng tác ca khúc về An Giang, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Ban Tổ chức cả về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm phản ánh tương đối đầy đủ các mặt của quê hương An Giang từ truyền thống đến hiện đại, truyền tải tình cảm, tình yêu của người dân An Giang với đất nước, với cuộc sống, lịch sử và hôm nay. Về âm nhạc tương đối đa dạng, từ dòng chính thống – âm hưởng dân ca đến tiết tấu, giai điệu mang tính đột phá, tiếp cận với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, ca từ đẹp, chặt chẽ, trong sáng; cấu trúc tác phẩm gọn gàng, logic…
“Nhìn chung, 15 tác phẩm âm nhạc được chọn đều là những sáng tác có sự đầu tư công phu, nghiêm túc về ca từ và giai điệu. Đặc biệt, nội dung các ca khúc thể hiện trách nhiệm công dân và niềm tự hào của tác giả/nhạc sĩ trước sự phát triển, đổi thay của quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Kỳ vọng các tác phẩm được chọn trao giải thưởng sẽ phát huy giá trị nghệ thuật và tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Đồng thời, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người mới, làm đẹp thêm cuộc sống; có sức lay động, lan tỏa, truyền cảm hứng để khích lệ người dân thêm yêu mến và tự hào về vùng đất, con người An Giang”- ông Trần Anh Thư mong muốn.
Những ca khúc được chọn trao giải sẽ được tỉnh tổ chức thu âm, dàn dựng và mời ca sĩ nổi tiếng trình bày trong lễ tổng kết và trao giải tổ chức vào lúc 19 giờ, ngày 17/11/2022 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang; tiến tới phục vụ Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).
Thu Thảo