Khó vì những tồn tại cũ…
Nhiều năm qua, không ít thửa ruộng ngoài việc sản xuất nông nghiệp đã phải “gánh” thêm chức năng an táng người đã khuất. Tình trạng này xuất hiện khá phổ biến ở các vùng ngoại thành, đến nay cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Là vùng quê cửa ngõ Thủ đô, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) có 3 thôn nhưng chỉ có một NT tồn tại từ nhiều đời nay. Nhìn từ xa, thấy rõ những mái vòm, mái cong, tháp… của những ngôi mộ, khá bề thế. Song, đến gần thì NT không có cổng, không có tường bao, thậm chí biển tên cũng không, chỉ cụt lủn hai trụ cổng cũ và đường nội bộ vẫn là đường đất. Mộ không đặt theo hàng và quay đủ mọi hướng. Nhiều khu mộ được quây tường bao rộng hàng chục mét vuông cùng kiểu thiết kế cầu kỳ như các lăng mộ. Trong khuôn viên nhiều khu mộ chỉ vỏn vẹn 1 đến 2 ngôi xây nổi, phần diện tích còn lại được láng phẳng vì bên dưới là những mộ chìm.
Bà Lê Thị Vân Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: Cả xã chỉ có duy nhất một NT rộng 2,7ha. Trước kia, NT được phân thành từng khu vực, tương ứng với từng thôn, nhưng nay diện tích NT ngày càng hạn hẹp nên chỗ nào còn trống thì được chỉ định để táng. Thừa nhận việc xây mộ không theo hàng lối với cách trang trí cầu kỳ gây tốn diện tích, bà Huyền nhấn mạnh: “Vì là NT cổ nên nhiều năm trước các hộ xây mộ to, áp nhiều chi tiết giống kiến trúc ở những nơi thờ tự khác. Tuy nhiên, hiện tượng này chấm dứt đã khá lâu vì hết đất; nay nhiều gia đình chỉ sơn sửa, chỉnh trang chứ không xây mới. Với những hộ xây mộ không đúng diện tích quy định, chúng tôi đã kiên quyết xử lý tuy gặp phản ứng không hề dễ chịu”.
Là địa phương có 6 thôn với 6 NT, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết: 6 NT này đều là các NT cũ nên tại phần diện tích hung táng và cát táng, các phần mộ đều lộn xộn, gây tốn diện tích và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Trước đây, vẫn còn hiện tượng có hộ dân sau cải táng đã mang hài cốt về ruộng nhà mình để chôn cho dù không thuộc diện tích NT.
Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng NT đã theo quy hoạch, các mộ phải được quy tập theo hàng, lối, đúng kích cỡ, chiều cao, chiều rộng… song không phải thôn nào cũng thực hiện được, cần phải có thêm thời gian vận động. Đây chính là tồn tại đang hiện hữu ở rất nhiều địa phương.
… đến những vấn đề mới
Ông Triệu Đình Hiệp, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì cho biết: Xuất phát từ thực trạng NT manh mún, năm 2010 huyện đã lập đề án xây dựng và quản lý NT trên địa bàn. Tuy nhiên, đến năm 2012, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị S5, Thanh Trì là đô thị trung tâm, đề án quy hoạch NT không còn phù hợp, vì thế huyện chỉ cải tạo các NT hiện có. Bên cạnh đó, thành phố còn có chủ trương lập quy hoạch NT Thủ đô, không xây dựng NT riêng lẻ mà đưa về NT tập trung của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều NT trên địa bàn huyện đã sắp đầy mà không biết bao giờ NT tập trung của thành phố mới có?
Trong quá trình khảo sát, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, với những địa phương xây dựng NT mới và mở rộng, việc sắp xếp mộ chí đã theo hàng, lối, đồng nhất về hướng, chiều cao, độ rộng như ở thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai)… Ông Tạ Văn Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết: Trước kia, xã có 5 thôn nhưng chỉ một thôn có NT, các thôn còn lại táng phân tán. Đầu những năm 2010, khi thực hiện dồn điền, đổi thửa và xây dựng nông thôn mới, tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động người dân quy tập mộ về NT tập trung của từng thôn. Nhận thấy lợi ích nhiều mặt của việc này nên người dân đã đồng tình. Song, để đạt được kết quả này, công tác vận động, tuyên truyền phải rất bền bỉ. Kết quả, từ năm 2014 đến nay, đã có 2.917 ngôi mộ được quy tụ về các NT của 5 thôn, riêng NT thôn Vĩnh Phúc là 1.503 ngôi.
Thực hiện việc tang văn minh, thời gian qua, chính quyền các cấp luôn chú trọng công tác tuyên truyền và hỗ trợ tiền cho mỗi ca hỏa táng… Thậm chí khoảng 4 năm nay thôn Địch Đình (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) cũng hỗ trợ mỗi ca hỏa táng 1 triệu đồng từ nguồn đóng góp tự nguyện của người dân…
Tuy nhiên, không phải địa phương nào, tỷ lệ hỏa táng cũng cao. Bà Lê Thị Vân Huyền cho biết: Người dân xã Kim Chung nhận thấy đất NT quá chật hẹp và thấy rõ sự văn minh khi hỏa táng nên tỷ lệ này của xã đạt khoảng 70%, có thôn đạt xấp xỉ 100%. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn không đồng tình vì cho rằng làm thế là bất hiếu với cha mẹ… “Không có cách nào khác, ngoài việc gia đình cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu và Hội Người cao tuổi là nòng cốt, phải vào cuộc vận động tích cực thì người dân mới thay đổi nhận thức, hướng đến thực hiện tang văn minh” – bà Huyền nhấn mạnh.
Theo Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 5-4-2016 quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng NT và cơ sở hỏa táng, diện tích sử dụng cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3m2. Nghị định cũng nêu nguyên tắc “việc táng được thực hiện trong các NT”. Những quy định này nhằm từng bước hình thành những NT với đầy đủ những chức năng song vẫn bảo đảm văn minh.
Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không thực hiện đúng quy định này do buông lỏng quản lý khiến đất NT sử dụng không hiệu quả. Chưa kể, phần lớn các NT khu vực ngoại thành đều không có tường bao, hệ thống xử lý nước thải, hồ sơ quản lý; quy chế về quản lý và sử dụng NT không đầy đủ, không có người quản trang… nên các NT càng lộn xộn. Một nghịch lý nữa là trong khi nhiều ngôi mộ được xây dựng rất cầu kỳ, tốn tiền của… thì những công trình phúc lợi chung của NT như: Đường nội bộ, tường bao, cây xanh… không được chú trọng đầu tư. Đây cũng là những khó khăn đang thách thức việc hình thành các NT văn minh ở khu vực ngoại thành.